Những thành công trong công tác quản lý, điều hành giá trong cơ chế thị trường
Kể từ khi Ủy ban Vật giá Nhà nước được thành lập vào năm 1965 cho đến khi đã hòa nhập vào ngôi nhà chung ngành Tài chính, trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành (1965-2015), công tác quản lý, điều hành giá luôn khẳng định vai trò tích cực và vị thế quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra qua từng thời kỳ.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay, công tác quản lý, điều hành giá đã đạt được những bước tiến dài trong việc chuyển đổi từ cơ chế giá kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước và hoàn thiện cơ chế điều hành giá theo hướng phù hợp hơn với các quy luật của kinh tế thị trường.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng và Trưởng Ban Vật giá Chính phủ Nguyễn Ngọc Tuấn tại Lễ chuyển giao Ban Vật giá Chính phủ vào Bộ Tài chính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (năm 2002)
Những thành quả của công tác quản lý, điều hành giá đạt được trên các mặt chủ yếu sau:
- Đã hoàn thiện về cơ bản môi trường pháp lý quản lý nhà nước về giá, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Môi trường pháp lý để quản lý, điều hành giá đã từng bước được xây dựng tương đối hoàn thiện và tiếp tục được bổ sung theo hướng tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh phân cấp và nâng cao vai trò quản lý nhà nước về giá cho các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống ngành Giá (tháng 4/2015)
Luật Giá được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013) đánh dấu một bước cơ bản hoàn thiện thể chế quản lý giá, tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi để quản lý giá theo cơ chế giá thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước và phù hợp với các cam kết quốc tế.
- Đã cơ bản thực hiện quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Đến nay, theo Luật Giá, Nhà nước đã giảm mạnh việc quy định giá trực tiếp và chỉ còn quy định giá một số ít hàng hóa dịch vụ độc quyền, tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN. Đối với đại bộ phận hàng hóa dịch vụ trong nềnkinh tế, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá theo pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.
Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì, điều hành của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo (tháng 12/2014)
Nhà nước quản lý giá, điều hành sự vận động của giá cả thị trường và bình ổn giá chủ yếu bằng các phương thức gián tiếp thông qua việc xây dựng môi trường pháp lý, điều hòa cung cầu; điều hành đồng bộ chính sách tài chính, tiền tệ, chính sách thương mại, tổ chức kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại dưới mọi hình thức, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra.
Hệ thống giá điện, than, xăng dầu, dịch vụ công từng bước được điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và cho đến nay, giá than, xăng dầu đã được điều hành phù hợp với thị trường; giá điện và giá một số dịch vụ công (y tế, giáo dục...) tiếp tục được điều hành theo lộ trình thị trường đã đề ra.
Hội thảo diện rộng lấy ý kiến đề cương các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giá (năm 2012)
- Đã thực hiện tốt công tác quản lý, bình ổn giá góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Các biện pháp đáng chú ý đó là: tăng cường theo dõi sát diễn biến thị trường để có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa để hạn chế hiện tượng tăng giá bất hợp lý; công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá năng lượng và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác theo quy định của pháp luật về giá; điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ công theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; chủ động áp dụng các biện pháp bình ổn giá cả thị trường…
Cục Quản lý Giá chủ trì tọa đàm khoa học hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường (năm 2013)
Căn cứ Pháp lệnh Giá và Luật Giá, các địa phương đã chủ động triển khai Chương trình bình ổn thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu tại địa phương. Chương trình đã được mở rộng qua từng năm và ngày càng thu hút được các tổ chức, cá nhân tham gia theo hướng xã hội hóa, không sử dụng NSNN. Các bộ, ngành, địa phương được giao trách nhiệm nhiều hơn và tham gia tích cực hơn trong việc quản lý nhà nước về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực phụ trách.
- Công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá tiếp tục được tăng cường. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về giá, thuế, phí đã được tăng cường triển khai thường xuyên, hàng năm và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, theo đó đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ mức giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn NSNN; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá…; thực hiện kiểm tra công tác bình ổn giá và kiểm tra giám sát việc đăng ký giá, kê khai, niêm yết giá theo quy định của pháp luật, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếunhư: sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, than bán cho sản xuất điện, LPG, cước vận tải, thép xây dựng, xi măng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh...
Đến nay, Việt Nam đã 2 lần giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá các nước ASEAN (AVA) và đã 2 lần tổ chức thành công Hội nghị thường niên của AVA. Trong ảnh: Toàn cảnh phiên họp Hội đồng AVA 18 tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa (năm 2014)
Ngày 11/5/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 690/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là Trưởng ban và Phó Trưởng ban chỉ đạo, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện tốt trách nhiệm là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá; giúp Ban chỉ đạo nghiên cứu, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ quyết định các chủ trương, định hướng quản lý, điều hành giá, các biện pháp điều hành, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu...
- Công tác thông tin tuyên truyền, công khai thông tin về giá được đẩy mạnh. Thực hiện quy định của pháp luật về công khai thông tin về giá, đồng thời ý thức được tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền, trong thời gian qua, Bộ Tài chính và Cục Quản lý giá luôn thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giá; giải thích, công khai thông tin về giá; minh bạch công tác quản lý, điều hành giá thuộc phạm vi phụ trách để giúp cho người dân hiểu rõ và tin tưởng, đồng thuận với chủ trương điều hành của Đảng và Nhà nước.
Các bộ quản lý chuyên ngành, các địa phương đã tích cực làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, công khai thông tin về giá thuộc lĩnh vực được phân công. Công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện đa dạng, phong phú, hiệu quả, nhờ đó nên thời gian qua việc điều hành giá xăng dầu, bình ổn giá sữa... đã tạo được sự đồng thuận của xã hội, góp phần giảm áp lực lạm phát do tâm lý và đưa mặt bằng giá về mức hợp lý.
Kế thừa những thành quả của 50 năm quản lý, điều hành giá và qua 30 năm đổi mới, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới tiếp tục được kiên trì thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sử dụng và phân bổ nguồn lực của đất nước có hiệu quả và thúc đẩy công cuộc hội nhập quốc tế.