Những thay đổi mới nhất về chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế?

PV.

Bên lề hội thảo “Chất lượng kiểm toán” và những Cập nhật của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) mới do CPA Australia phối hợp với Bộ Tài chính và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam tổ chức mới đây, ông Ram Subramanian, Cố vấn chính sách về Báo cáo, chính sách và Hoạt động đối ngoại của CPA Australia đã có những chia sẻ với phóng viên về những thay đổi mới nhất trong Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cũng như những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể áp dụng được trong việc triển khai IFRS trong thời gian tới.

Hiện nay, việc áp dụng IFRS cho báo cáo tài chính của các tổ chức niêm yết trên thế giới như thế nào, thưa ông?

Ông Ram Subramanian, Cố vấn chính sách về Báo cáo, chính sách và Hoạt động đối ngoại

Ông Ram Subramanian,

Cố vấn chính sách về Báo cáo, chính sách và Hoạt động đối ngoại

Ông Ram Subramanian: Thống kê mới nhất cho thấy, 119 quốc gia trên thế giới đã thông qua khuôn khổ IFRS cho báo cáo tài chính của các tổ chức được niêm yết tại các nước này. Nhiều quốc gia trong số đó đã triển khai việc áp dụng IFRS, bao gồm Singapore, Malaysia, Philippines và Campuchia.

Nhiều quốc gia khác trong đó có Việt Nam và Indonesia cũng đang tiến dần với việc áp dụng IFRS.

Vậy Việt Nam sẽ gặp phải thách thức gì khi áp dụng IFRS, thưa ông?

Việc triển khai thực hiện IFRS luôn có những thách thức do đây là một khuôn khổ chuẩn mực chi tiết và phức tạp. Cần có sự nỗ lực để đảm bảo có được đội ngũ kế toán có trình độ phù hợp để hỗ trợ việc chuẩn bị báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS. Ngoài ra, đây cũng là nhu cầu cần thiết đối với các kiểm toán viên. Hơn nữa, việc có được một khung giám sát và tuân thủ mạnh mẽ là vô cùng quan trọng để đảm bảo triển khai và áp dụng thành công IFRS.

IFRS là một khuôn mẫu phát triển liên tục với hàng loạt các bản thảo chuẩn mực mới sẽ sớm có hiệu lực. Các doanh nghiệp và kiểm toán viên cần am hiểu và nắm vững những quy định mới này. Các quốc gia đang tiến tới áp dụng IFRS cũng như các quốc gia đã thiết lập hệ thống báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS đều phải đối mặt với các thách thức này.

Bên cạnh các thách thức chung là các vấn đề riêng tùy theo từng quốc gia. Ví dụ như Malaysia, một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển mạnh thì việc áp dụng các yêu cầu kế toán dựa trên chuẩn IFRS trước đây vào lĩnh vực nông nghiệp rất phức tạp và khó khăn. Vấn đề này đã được giải quyết bởi Hội đồng Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB, có trụ sở tại London, Anh), mở đường cho các nước như Malaysia tiến tới áp dụng toàn bộ IFRS.

Xin ông cho biết những tiêu chuẩn kế toán mới nhất vừa được IASB đưa ra?

Hiện nay, IASB chịu trách nhiệm cập nhật khuôn mẫu IFRS thông qua một số dự án. Một số dự án nhỏ được thực hiện để sửa đổi về mặt kỹ thuật nhằm tổ chức hợp lý hóa IFRS hiện tại, trong khi các dự án lớn được tiến hành để thay đổi đáng kể báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS. Gần đây, IASB đã tiến hành ba dự án lớn dẫn đến việc công bố ba tiêu chuẩn kế toán mới.

Dự án đầu tiên trong số những dự án mới được hoàn thành gần đây có liên quan đến các công cụ tài chính. Kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu làm rung chuyển các thị trường tài chính năm 2009, cách thức mà các báo cáo tài chính đo lường và trình bày các công cụ tài chính hiện nay được coi là không đầy đủ và thỏa đáng.

Tiêu chuẩn mới, IFRS 9 về Các công cụ tài chính phản ánh nhiều kỹ thuật đo lường mới, trong đó có phương pháp tiếp cận hoàn toàn mới để đo lường các khoản vay gọi là “mô hình tổn thất tín dụng dự đoán”. Theo mô hình này, giá trị hiện tại của các khoản vay nợ cần được liệt kê trong một số trường hợp khi có xác suất khách hàng không trả được nợ cho khoản vay.

Việc tiêu chuẩn mới về ghi nhận doanh thu, IFRS 15 được công bố là kết quả từ dự án lớn thứ hai mà IASB vừa hoàn thành. Tiêu chuẩn mới dần bỏ qua mô hình ghi nhận doanh thu “chuyển giao rủi ro và lợi ích” trước đây. Tiêu chuẩn mới này được dựa trên việc chuyển giao quyền kiểm soát hàng hóa và dịch vụ thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng.

Dự án cuối cùng liên quan đến kế toán cho thuê. Người ta ước tính có khoảng 85% tài sản cho thuê trị giá 3.3 nghìn tỷ USD không được hạch toán vào bảng cân đối tài sản của công ty. Chuẩn mực IFRS 16 về Thuê tài sản mới được ban hành nhằm mục đích giải quyết vấn đề này, bằng cách yêu cầu bao gồm hầu hết tất cả các khoản thuê Tài sản vào bảng cân đối của công ty. Điều này sẽ cho phép các nhà đầu tư và những người khác có được một bức tranh đầy đủ hơn về các tài sản một công ty sử dụng, bao gồm cả những tài sản thông qua các thỏa thuận thuê.

Có một số quan điểm hiện nay cho rằng chỉ mình báo cáo tài chính là chưa đủ để thông tin tới các bên có liên quan về tình hình hoạt động và vị thế của một công ty. Nếu vậy, các khung báo cáo khác mà các công ty cần xem xét để đưa ra các thông tin chuẩn xác với cổ đông của họ là gì?

Các nhu cầu thông tin của người dùng thay đổi theo thời gian, trong khi báo cáo tài chính vẫn tiếp tục cung cấp một lượng lớn các thông tin thì những bên có liên quan vẫn tiếp tục yêu cầu các thông tin phù hợp và xác đáng.

Ví dụ như các thông tin tường thuật có trong báo cáo gửi ban giám đốc về thành tựu của công ty, các rủi ro và triển vọng trong tương lại có thể cung cấp cho các bên có liên quan những thông tin hữu ích về đường hướng của công ty. Ngoài các báo cáo tài chính định kỳ, một số quốc gia như Australia đã thực hiện “cơ chế công bố liên tục”, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết thông báo cho các thị trường về những diễn biến quan trọng khi chúng xảy ra.

Có một số hình thức báo cáo cơ bản mới nhằm tìm cách cung cấp cái nhìn toàn diện về giá trị tạo ra bởi một doanh nghiệp. Khuôn khổ báo cáo hợp nhất là một trong những sáng kiến như vậy, cung cấp thông tin về các hình thức vốn khác nhau, bao gồm cả vốn tài chính được doanh nghiệp sử dụng trong việc tạo ra giá trị cho các cổ đông của doanh nghiệp.

CPA Australia có thể làm gì để hỗ trợ Việt Nam tiến đến việc áp dụng IFRS trong tương lai gần?

Một khi Việt Nam tiến dần đến việc thừa nhận và áp dụng cơ chế báo cáo dựa trên chuẩn IFRS, thị trường cũng cần có những điều chỉnh để thích ứng. CPA Australia có thể hỗ trợ trong việc phát triển các kỹ năng và năng lực cần có trong việc triển khai áp dụng IFRS.

Là một trong những tổ chức nghề nghiệp kế toán lớn nhất thế giới với số lượng hội viên lên đến hơn 155,000 và đang làm việc tại 118 quốc gia trên toàn thế giới, CPA Australia cung cấp chứng chỉ chuyên môn cao cấp dựa trên các chuẩn đào tạo kế toán và thực hành tốt nhất được công nhận trên toàn cầu. Tiêu chuẩn chuyên môn này bao gồm chương trình Báo cáo tài chính hoàn toàn dựa trên IFRS.

CPA Australia cũng có thể mở ra những cơ hội học tập trực tuyến để hỗ trợ phát triển những khả năng cần thiết và người học có thể truy cập ở bất cứ đâu bất cứ nơi nào.

Bên cạnh chứng chỉ kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế, CPA Australia còn có những nghiên cứu chuyên sâu và rất nhiều sáng kiến mang tính đột phá về tư duy. Điều này thể hiện qua những đóng góp liên tục của CPA Australia với những nhà hoạch định luật pháp và những người đặt ra các chuẩn mực về việc phát triển các tiêu chuẩn và quy định nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của hội viên và các bên có liên quan.

Các chuyên gia chính sách và chuyên môn của CPA Australia cũng thường xuyên trao đổi với các đối tác quan trọng trong đó có Bộ Tài chính Việt Nam để chia sẻ các thông tin và kinh nghiệm có lợi cho cả hai tổ chức.

Xin cảm ơn ông!