Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, chuẩn bị bước đệm cho năm 2018

PV.

Trong 11 tháng đầu năm 2017, kinh tế - xã hội cả nước tiếp tục lập được nhiều kết quả tích cực, tạo động lực tăng trưởng vững chắc cho năm 2018.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện tháng 11 ước đạt 104,3 nghìn tỷ đồng. Nguồn: Internet
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện tháng 11 ước đạt 104,3 nghìn tỷ đồng. Nguồn: Internet

Chuyển biến tích cực

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh toàn cầu (Doing Business 2018), môi trường kinh doanh của Việt Nam có bước tiến vượt bậc, tăng 14 bậc từ 82 lên 68 (năm 2016 Việt Nam tăng 9 bậc). Việt Nam và Indonesia là hai nước có nhiều cải cách nhất trên thế giới trong 15 năm qua, mỗi nước có 39 cải cách. Đồng thuận với đánh giá trên, mới đây, tổ chức xếp hạng Moody’s cũng nâng đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực.

Theo đó, các chỉ số phát triển trong nước cũng đang tiến triển khả quan, kinh tế vĩ mô cả nước tiếp tục ổn định. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2017 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 2,62% so với cùng kỳ; Bình quân 11 tháng năm 2017 chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,61% so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện tháng 11 ước đạt 104,3 nghìn tỷ đồng; Lũy kế thu 11 tháng đạt 1.077,3 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán năm, bằng 86,9% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội.

Về Thu nội địa, trong tháng 11 ước đạt 84,4 nghìn tỷ đồng; Lũy kế thu 11 tháng đạt 859,2 nghìn tỷ đồng, bằng 86,8% dự toán năm, tăng 14,6% so cùng kỳ năm 2016. Ước tính có 49/63 địa phương thu đạt trên 89% dự toán năm (trong đó có 36 địa phương đạt trên 95%) và 59/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016.

Tính riêng tháng 11/2017, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 24,5 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 11 tháng đạt 262,4 nghìn tỷ đồng, bằng 92,1% dự toán năm, tăng 9,3% so cùng kỳ năm 2016. Sau khi hoàn thuế GTGT theo chế độ gần 91,3 nghìn tỷ đồng, thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 171,1 nghìn tỷ đồng, bằng 95,1% dự toán năm, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2016.

Về kim ngạch xuất khẩu, cả nước đã chính thức vượt mục tiêu đề ra trong năm 2017 là 188 tỷ USD. Cụ thể,  trong tháng 11 ước đạt 19,2 tỷ USD, tính chung 11 tháng đạt 193,75 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2016. 

Về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, 11 tháng đầu năm 2017 đã có 39 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế là 81.084 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.941 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ là 25.959 tỷ đồng.

Thêm vào đó, tháng 11/2017, trên cả nước có 10.920 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 109,9 nghìn tỷ đồng; Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 10,1 tỷ đồng; Tổng số lao động đăng ký trong tháng của các doanh nghiệp thành lập mới gần 88,6 nghìn người…

Kết quả trên sẽ tạo đà thuận lợi hơn để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trong tháng còn lại và mục tiêu phát triển bền vững của năm 2018.

Bước chuẩn bị cho năm 2018

Việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Do vậy, dù tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng qua diễn biến tích cực, nhưng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, các bộ, ngành cần có sự quyết liệt trong thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thành kế hoạch năm 2017, chuẩn bị bước đệm cho năm 2018.

Theo đó, nhiệm vụ trước mắt, trong tháng cuối năm và dịp Tết nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cần được đẩy nhanh, Chính phủ yêu cầu cần tận dụng cơ hội này cho phát triển sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành không được chủ quan, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; Nỗ lực phấn đấu đạt được kết quản tốt hơn, toàn diện hơn so với số liệu ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội. Đồng thời không để biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết trên các lĩnh vực tiền tệ, thị trường hàng hóa, giá cả…

Các bộ, ngành liên quan xem xét, chốt lại các vấn đề quan trọng trong điều hành để thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện kế hoạch, nhất là thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Trung ương, Quốc hội đề ra.

Nếu không nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, thì việc thực thi Kế hoạch 2018 sẽ trở nên khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước dự báo còn diễn biến khó lường.