Thủ tướng Chính phủ đánh giá:

Nội dung báo cáo sơ kết Nghị quyết Trung ương 6 khóa X do Ban Kinh tế Trung ương chuẩn bị rất tôt

pv.

(Tài chính) Sáng ngày 14/7, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X tổ chức buổi họp nhằm báo cáo tình hình tổ chức triển khai thực hiện sơ kết Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi họp.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nội dung báo cáo sơ kết Nghị quyết Trung ương 6 khóa X do Ban Kinh tế Trung ương chuẩn bị. Nguồn: financeplus.vn
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nội dung báo cáo sơ kết Nghị quyết Trung ương 6 khóa X do Ban Kinh tế Trung ương chuẩn bị. Nguồn: financeplus.vn

Tham dự họp có Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo; các Thành viên Ban Chỉ đạo (gồm 17 đồng chí) Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng các bộ và lãnh đạo một số cơ quan, ban Đảng ở Trung ương, Quốc hội, Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.  

Ông Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo là hết sức chú trọng tổng kết thực tiễn để xây dựng Báo cáo sơ kết có chất lượng, Ban Chỉ đạo đã tổ chức các Đoàn công tác khảo sát và làm việc với 09 bộ, ngành trung ương, 07 địa phương trọng điểm thuộc 3 vùng miền, lắng nghe ý kiến của hơn 25 tập đoàn và tổng công ty nhà nước, 09 ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính.

Do sức lan tỏa và phạm vi ảnh hưởng lớn của Nghị quyết Trung ương 6 khóa X đối với hoạt động của nền kinh tế, quỹ thời gian sơ kết có hạn, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, các tỉnh, thành ủy và thành viên Tổ Biên tập xây dựng Báo cáo sơ kết. Sự phối hợp hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực và tâm huyết, huy động trí tuệ tập thể các thành viên Ban Chỉ đạo, cơ quan, đơn vị và cá nhân tham gia sơ kết, là nhân tố quan trọng giúp cho Ban Chỉ đạo hoàn thành Báo cáo sơ kết Nghị quyết Trung ương 6 khóa X.

Trên cơ sở báo cáo của 15 Ban cán sự đảng các bộ, ngành và báo cáo của 61/63 tỉnh ủy, thành ủy; báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát của các Đoàn công tác; kế thừa nguồn tài liệu từ tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới; tham khảo các tài liệu, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tổ chức tọa đàm, hội thảo, tham vấn và lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý, Ban Chỉ đạo đã tổng hợp, xây dựng Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X phù hợp với yêu cầu và chỉ đạo của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo báo cáo, đánh giá tình hình tổ chức quán triệt, triển khai và đánh giá kết quả qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thành viên nhất trí với các nội dung trong dự thảo báo do Thường trực Ban Chỉ đạo (Ban Kinh tế Trung ương), đồng tình với những kiến nghị, đề xuất, chủ trương và giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới.

Sau khi nghe Thường trực Ban Chỉ đạo trình bày Dự thảo báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và lắng nghe ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương, sự phối hợp hiệu quả của Thường trực Ban Chỉ đạo (Ban Kinh tế Trung ương), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các thành viên của Ban Chỉ đạo, các bộ ngành, các tỉnh, thành ủy, các đơn vị cơ sở trong việc tổ chức thực hiện sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X.

Báo cáo sơ kết được hoàn thành đúng thời hạn, quá trình triển khai sơ kết nghiêm túc và khoa học, bám sát nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương ngày 19/3/2014. Mặc dù trong thời gian ngắn, Ban Chỉ đạo đã không tiến hành sơ kết tuần tự từ cơ sở mà tổng hợp báo cáo của các tỉnh, thành ủy, bộ ngành và các đơn vị cơ sở; tiến hành khảo sát thực tiễn có trọng tâm, trọng điểm tại một số địa phương; tổ chức tọa đàm, hội thảo để lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, dự thảo Báo cáo sơ kết được chuẩn bị công phu, cấu trúc chặt chẽ, bám sát nội dung của Nghị quyết Trung ương 6 khóa X, đánh giá đúng thực trạng về những kết quả đạt được, các hạn chế, tồn tại và làm rõ những nguyên nhân cơ bản sau 5 năm thực hiện Nghị quyết. Báo cáo sơ kết đã phân tích, luận giải sâu sắc nhiều vấn đề cơ bản và bức thiết về nhận thức lý luận cũng như quan điểm phát triển thực tiễn trong việc thực hiện Nghị quyết. Ban Chỉ đạo cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất của Báo cáo sơ kết, đây là cơ sở quan trọng tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chủ trương, chính sách tiếp tục đổi mới Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp với thực tế khách quan, có hiệu lực, hiệu quả nhằm phát triển kinh tế – xã hội của đất nước bền vững trong bối cảnh mới.

Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X (từ 2008) cho thấy Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành, các đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, sâu rộng; nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được nâng lên; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được ban hành tương đối đầy đủ; việc thực thi hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đã đạt được kết quả quan trọng; các yếu tố nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường dần được hình thành và được nhiều nước thừa nhận.

Tuy vậy, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn một số hạn chế: Nhận thức về phạm trù, nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả thấp; chất lượng thể chế chưa trở thành động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia; cải cách thể chế còn chậm, thiếu kiên quyết và chưa đồng bộ; chưa có đột phá lớn trong thể chế huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường; quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ; giá cả chưa thực sự tuân thủ và vận hành theo nguyên tắc và quy luật kinh tế thị trường; sự phát triển về quy mô, cơ cấu và trình độ các loại thị trường còn nhiều hạn chế, bất cập; các chính sách an sinh xã hội còn thiếu tính hệ thống, chồng chéo về nội dung, đối tượng và phân công tổ chức thực hiện, nguồn lực còn phân tán, hiệu quả thấp; hiệu lực quản lý Nhà nước chưa cao; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm…

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trong 2 năm 2014 - 2015 và những năm tiếp theo, việc tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng hàng đầu, là khâu đột phá có ý nghĩa chiến lược và quyết định đối với sự chuyển đổi của mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội bền vững: Tiếp tục đổi mới tư duy và nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nghĩa bao gồm ba yếu tố cơ bản; Hệ thống pháp luật, quy tắc, chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi và giao dịch kinh tế; các thể chế về chủ thể trong nền kinh tế; cơ chế thực thi, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh và xử lý vi phạm trong nền kinh tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế về giá, phí, về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền trong kinh doanh; thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, đa dạng và hiện đại hóa thị trường hàng hóa, dịch vụ; cơ cấu lại thị trường tài chính theo hướng đảm bảo cân bằng hơn giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ; chú trọng phát triển thị trường khoa học công nghệ theo hướng chuyển từ bao cấp đầu vào sang tài trợ đầu ra; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách để thị trường bất động sản được vận hành thông suốt, phù hợp cung - cầu; hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động cả về quy mô, chất lượng lao động và cơ cấu ngành nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập; hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển và bảo vệ môi trường; hoàn thiện thể chế vùng kinh tế trọng điểm, liên kết vùng, quy hoạch và phân công, phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương; xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền; tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo vai trò làm chủ của Nhân dân, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với các nội dung cụ thể, Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần đánh giá cho được những lĩnh vực gì chưa thị trường; làm rõ vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa, chú ý đến tiến bộ công bằng xã hội; về vấn đề Nhà nước và thị trường, kinh tế tư nhân, vai trò các thành phần kinh tế qua thực hiện 5 năm.; vấn đề hội nhập quốc tế, độc lập tự chủ; cải cách thủ tục hành chính…

Kết luận buổi họp, Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng tiếp thu thêm các ý kiến đóng góp của các thành viên Ban chỉ đạo tại cuộc họp này để bổ sung, hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sử dụng nội dung báo cáo này để tham gia đóng góp vào Văn kiện về kinh tế - xã hội của Đại hội XII.