Nội dung nào các ngân hàng thương mại cần lưu ý khi phân tích tài chính?

Thu Hiền

Phân tích rủi ro luôn là nội dung cần sự quan tâm đặc biệt đối với các ngân hàng
Phân tích rủi ro luôn là nội dung cần sự quan tâm đặc biệt đối với các ngân hàng

Ở những giai đoạn trước, tại Việt Nam các ngân hàng nhà nước thống trị hoạt động kinh doanh, các ngân hàng thương mại (NHTM) chưa thật sự là phổ biến, công tác phân tích tài chính chưa thật sự được chú trọng.

Do đó, chưa hình thành các nội dung về phân tích tài chính trong các NHTM. Công tác này được phát triển mạnh mẽ, chú trọng về chất lượng khi có sự hình thành và tham gia vào các hoạt động của NHTM, công tác phân tích nhằm đưa ra các kết quả từ đó giúp các NHTM ngày càng hoàn được thiện hơn và trở thành những định chế tài chính không thể thiếu trong nền kinh tế.

Hiện tại, không thể phủ nhận tầm quan trọng của phân tích tài chính trong hoạt động của các NHTM. Công cụ phân tích tài chính có ý nghĩa quan trọng đối với nhà quản trị ngân hàng trong việc nhận diện bộ kết quả hoạt động của NHTM trong kỳ hoạt động một cách khách quan và tương đối trung thực.

Trong thực tế, việc phân tích cũng giúp nhà quản trị hiểu rõ nguyên nhân gây ra sự biến động của các chỉ tiêu, các khoản mục trên báo cáo tài chính (BCTC); nhận biết được các nhân tố ảnh hưởng đến các khoản mục đó, để từ đó có các biện pháp đối phó thích hợp, hạn chế nhược điểm và phát huy ưu điểm của NHTM, nâng cao tính cạnh tranh; giúp các nhà quản trị NHTM nhận biết và dự đoán trước những rủi ro cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai.

Hầu hết các nội dung phân tích cơ bản được thể hiện qua:

Một là, phân tích cấu trúc tài chính ngân hàng. Cấu trúc tài chính ngân hàng tập trung phân tích các nội dung về cấu trúc tài sản, cấu trúc nguồn vốn và tính cân bằng giữa tài sản và nguồn vốn.

Mục tiêu lớn nhất trong nội dung phân tích này là xác định sự biến động và cơ cấu của từng chỉ tiêu trong tài sản, nguồn vốn, xác định tính ổn định của nguồn tài trợ và tính tự chủ về mặt tài chính đồng thời xác định tính chất cân bằng thể hiện thông qua tính bền vững, tương đối bền vũng và kém bền vững.

Hai là, phân tích về hiệu quả hoạt động. Các hoạt động chủ yếu của NHTM gồm: hoạt động huy động vốn, hoạt động cho vay, đầu tư và cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Đây được xem là nội dung quan trọng nhất đối với các ngân hàng thương mại vì hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ảnh hưởng đến các hoạt động của ngân hàng như huy động vốn, cho vay… Thông thường những ngân hàng sẽ dựa vào hiệu quả hoạt động để đánh giá từng hoạt động hoặc toàn bộ hoạt động của ngân hàng để có những nhận xét đánh giá tổng quát nhất, chi tiết và cụ thể nhất làm tiền đề cho các kỳ hoạt động sau.

Có thể kể đến một số chỉ tiêu dùng để phân tích như: khả năng sinh lời từ tài sản (ROA), khả năng sinh lời từ vốn chủ sở hữu (ROE), hiệu quả sử dụng vốn lưu động…

Ba là, phân tích về rủi ro trong các hoạt động của ngân hàng. Khác với các ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại có mức độ rủi ro cao, vốn hoạt động mang tính chất tự chủ là chính. Do đó, trong quá trình hoạt động không tránh khỏi những rủi ro có thể xảy ra dặc biệt là rủi ro dẫn đến phá sản.

Vậy, phân tích rủi ro luôn là nội dung dành sự quan tâm đặc biệt đối với các ngân hàng. Rủi ro có thể được phân tích riêng cho từng hoạt động hoặc sử dụng các chỉ tiêu đánh giá tổng quát các hoạt động.

Thông qua các chỉ tiêu có thể đánh giá mức độ rủi ro cao hay thấp, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục đưa rủi ro về tối thiểu nhất. Có thể kể đến các chỉ tiêu như: rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, khả năng thu hồi nợ trong hoạt động cho vay…