Nỗi khổ của ngân hàng thời thừa vốn
(Tài chính) “Phải nói giai đoạn này rất đặc biệt, ngân hàng chiều doanh nghiệp như những ông hoàng, bà chúa. Ngân hàng đến từng doanh nghiệp chấp nhận nhiều yêu cầu, sẵn sàng phục vụ chỉ để hòa vốn và giữ chân khách hàng”, lãnh đạo một ngân hàng cho biết.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tính đến ngày 15/8 vẫn loanh quanh mức 3,8% so với cuối năm 2013 và hy vọng đến cuối tháng 8 mới nhúc nhắc lên được 4%. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nếu tăng trưởng tín dụng vẫn quanh mức 2 - 3% thì thực tế hầu như là không có tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế.
Cuối tuần trước, Kho bạc Nhà nước đấu thầu 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, trúng thầu 1.500 tỷ đồng với lãi suất 5,44%/năm, giảm 4 điểm so với tuần trước; 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm đưa ra cũng trúng thầu hết với lãi suất 6,4%/năm, thấp hơn so với đợt trước là 6,46%/năm.
“Nhu cầu mua trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu chính phủ, vẫn rất lớn, dù lãi suất trái phiếu đã giảm nhiều từ đầu năm đến nay và hiện ở mức khá thấp, do tăng trưởng tín dụng vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi thanh khoản tiền đồng dồi dào. Tuy nhiên, việc đầu tư quá nhiều vào trái phiếu, nhất là khi lãi suất trái phiếu ở mức khá thấp, có thể dẫn đến những rủi ro cho các ngân hàng khi có những biến động về lạm phát hay thanh khoản của hệ thống không tốt như hiện giờ”, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại tệ Ngân hàng HSBC Việt Nam chia sẻ.
Khảo sát ngành ngân hàng tại các thị trường mới nổi “Đầu tư để thành công” của EY Việt Nam vừa công bố cho thấy, nhu cầu tín dụng dự kiến có tăng, nhưng tới 76% ngân hàng lo lắng về nợ xấu, viễn cảnh cho vay mới chưa có nhiều tín hiệu tích cực. Triển vọng cho vay nói chung kém tích cực hơn lần khảo sát trước. Cụ thể, trong tất cả các thị trường tăng trưởng nhanh (RGMs), các ngân hàng Việt Nam kém lạc quan về cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và triển vọng xuống mức thấp nhất trong phân khúc thị trường này.
“1 ngân hàng xếp loại triển vọng đối với cho vay SMEs là rất xấu, 2 khá xấu, 5 không tốt cũng không xấu, 7 khá tốt và 1 rất tốt. Triển vọng được cải thiện đối với tài trợ dự án với 9 ngân hàng xếp loại khá tốt, 1 rất tốt, 6 không tốt cũng không xấu và 1 ngân hàng không có ý kiến”, Báo cáo của EY cho biết.
Chia sẻ về tình trạng thừa vốn hiện nay, phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng than thở, ngân hàng cũng lo ngại rủi ro khi tham gia trên thị trường trái phiếu, nhưng thực tế cũng không biết làm thế nào với nguồn vốn dư, bởi không cho vay được. Trong khi đó, hiện trên thị trường đang diễn ra tình trạng vài doanh nghiệp tốt có sẵn một phần nguồn tiền nhưng chưa sử dụng đến, doanh nghiệp này lập hồ sơ vay thêm tiền ngân hàng kỳ hạn ngắn 3 tháng với lãi suất rất thấp rồi mang tiền đó đi gửi ở ngân hàng khác kiếm thêm lợi nhuận.
Thừa nhận câu chuyện này đang diễn ra, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh một tỉnh miền Trung cho biết, ban lãnh đạo NHNN tỉnh đã phải mời lãnh đạo một ngân hàng lên giải trình tại sao lại cho doanh nghiệp vay dưới lãi suất huy động là 4%/năm.
“Phải nói giai đoạn này rất đặc biệt, ngân hàng chiều doanh nghiệp như những ông hoàng, bà chúa. Ngân hàng đến từng doanh nghiệp chấp nhận nhiều yêu cầu, sẵn sàng phục vụ chỉ để hòa vốn và giữ chân khách hàng”, vị phó tổng giám đốc trên nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng khác nhận định, đây cũng là một xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Nhìn sang các quốc gia phát triển, các ngân hàng quốc tế, để phục vụ các tập đoàn lớn của mình, cũng buộc phải mở chi nhánh tại những nước mà khách hàng mình vươn tới.
Ở một góc độ khác, một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc một doanh nghiệp tốt vay được tiền lãi suất thấp của một ngân hàng A rồi mang sang ngân hàng B gửi tiết kiệm lấy lợi nhuận là một loại hình kinh doanh tiền, không có điều gì sai trái về thương mại. Tuy nhiên, ở phương diện xã hội thì thời điểm này không hợp lý, khi dùng lợi thế của doanh nghiệp mình kiếm tiền một cách dễ dàng trong khi nhiều doanh nghiệp khác đói vốn đang phải đi vay rất khó khăn.
“Trên phương diện pháp lý, tùy theo ý chí của NHNN, nếu không muốn ngân hàng trở thành công cụ tài chính của doanh nghiệp lớn, không muốn dòng tiền loanh quanh giữa ngân hàng và doanh nghiệp tốt mà đi vào sản xuất - kinh doanh thực, mang lại hiệu quả cho xã hội, nền kinh tế thì sẽ phải ra các quy định, chỉ thị cụ thể”, vị chuyên gia kinh tế trên nhấn mạnh.