Nới room tín dụng: "Liều thuốc" kịp thời để phục hồi nền kinh tế

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn

Suốt thời gian qua, “cơn khát” vốn đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ. Việc điều chỉnh room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được ví như một “liều thuốc” kịp thời để phục hồi nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đến cuối tháng 8, tín dụng đã tăng khoảng 9,9% so với cuối năm 2021. Với chỉ tiêu điều hành cả năm ở mức 14%, ước tính sẽ có thêm khoảng 400.000 tỷ đồng vốn nữa sẽ được cho vay. Đây chính là dư địa để các ngân hàng đưa ra các giải pháp tín dụng hiệu quả, giúp doanh nghiệp đến gần hơn với vốn vay.

Ngân hàng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng

Theo các chuyên gia, nới room tín dụng là quyết định đúng đắn và kịp thời, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không siết tín dụng bất hợp lý.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước không đưa ra con số cụ thể về số lượng ngân hàng hay mức độ room được nới tăng thêm là bao nhiêu, nhưng theo tìm hiểu từ một số ngân hàng thương mại, mức độ nới sẽ tùy thuộc vào sức khỏe tài chính và quy mô tín dụng của từng ngân hàng.

Với Agribank, ngân hàng 100% vốn nhà nước, cũng vừa được nới thêm room 3,5% so với mức cũ là 7%. Với quy mô dư nợ top đầu hệ thống, dự kiến nhà băng này còn dư địa khoảng 50.000 tỷ đồng để tung ra thị trường đến hết năm.

Sacombank được giao thêm room 4% so với hạn mức cũ là 7%. Tính trên tổng quy mô dư nợ hơn 400.000 tỷ đồng vào cuối quý II, nhà băng này còn dư địa tăng trưởng hơn 11.000 tỷ đồng đến hết năm.

Còn với nhóm nhà băng tư nhân quy mô nhỏ hơn, mức nới tín dụng quanh 3% khá phổ biến. Chẳng hạn, VIB được chính thức nới room cho vay thêm 3% nữa. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực bổ sung này vào thế mạnh của mình, đó là cho vay tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Với 3%, chúng tôi không nghĩ là thiếu cho việc tăng trưởng, không nghĩ sẽ tăng lãi suất cho vay vì hạn chế room tín dụng. Chúng tôi cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tài chính khác để thỏa mãn nhu cầu của họ", ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB, cho biết.

Nhiều ý kiến cho rằng, với hạn mức tín dụng được cấp, ngành ngân hàng một mặt sẽ đáp ứng được nhu cầu vốn cho nền kinh tế, mặt khác vẫn đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận năm nay ở mức hơn 20%.

Đại diện một ngân hàng thương mại cho hay: “Lãi cho vay hiện vẫn là nguồn thu chính của các nhà băng với tỉ trọng đóng góp 70 - 80%. Bởi thế, quyết định nới room không chỉ cởi trói cho các ngân hàng mà còn giúp nguồn vốn được khơi thông, từ đó sẽ hạn chế được tình trạng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, giúp dòng chảy kinh tế sớm sôi động trở lại”.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược Thị trường, CTCP Chứng khoán KBSV cho biết: "Kỳ vọng tăng trưởng GDP năm nay khoảng 7,5%, là động lực quan trọng giúp ngân hàng, vì nhu cầu vốn phục hồi kinh tế lớn. Tăng trưởng cả năm vẫn sẽ tích cực, tôi kỳ vọng ở mức 25% là kịch bản thận trọng".

Doanh nghiệp giải toả “cơn khát” vốn

Theo nhận định của các doanh nghiệp, quyết định mở room tín dụng cho các ngân hàng để dòng chảy tín dụng vào hỗ trợ nền kinh tế là kịp thời, tăng năng lực tài chính cho doanh nghiệp, tuy nhiên cần hướng dòng vốn này vào đúng nơi, đúng chỗ để đạt hiệu quả nhất.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, nhìn nhận nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Doanh nghiệp cần vốn nhiều để nhập nguyên liệu, trang trải hoạt động của bộ máy và trả lương cho người lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần vốn để xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ, giao thương nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa, xa hơn là hướng tới xuất khẩu.

“Việc các ngân hàng thương mại được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý chính là liều thuốc kích thích để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội”, ông Mạc Quốc Anh bình luận.

Tuy nhiên, trên thực tế các ngân hàng cũng cho biết, hạn mức vừa được cấp thêm cũng khó đáp ứng được hết nhu cầu vốn của khách hàng hiện nay, bởi số lượng hồ sơ đang "xếp hàng" chờ còn rất dài.

Chia sẻ với VnBusiness, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Hà Nội cho hay: "Ngay khi biết tin Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room cho các ngân hàng thương mại, mỗi ngày tôi nhận được hàng chục cuộc điện thoại của các doanh nghiệp hỏi khi nào được giải ngân. Tuy nhiên, ngày hôm nay (8/9) chi nhánh mới có thông báo cho phép giải ngân thêm 1% trên tổng dư nợ chốt đến ngày 31/8. Ngay khi có thông tin này, một số hồ sơ xếp hàng chờ trước đó đã được giải ngân, nhưng cũng còn hàng trăm hồ sơ vẫn tiếp tục chờ". Vị giám đốc này nói, đồng thời cho biết, với hạn mức thêm của chi nhánh rất khó giải quyết hết hồ sơ đang chờ chứ chưa nói đến việc tiếp nhận thêm hồ sơ vay vốn mới.

Trong bối cảnh đó, để có thêm dư địa tín dụng cho khách hàng, nhiều nhà băng cho biết, sẽ đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, tái cấu trúc lại danh mục và đẩy mạnh các dịch vụ khác.