Phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán ngân sách 2021
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 10 tháng đầu năm đảm bảo tiến độ dự toán và tăng so với cùng kỳ nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020 và việc nới lỏng giãn cách tại các địa phương. Từ nay đến cuối năm, ngành Tài chính nỗ lực để hoàn thành ở mức tốt nhất dự toán ngân sách năm 2021.
Thu NSNN tăng 5,5%
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, 10 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch với nhiều khó khăn chồng chất, nhiều thách thức lớn cho nhiệm vụ điều hành ngân sách, toàn ngành Tài chính nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cùng với việc điều hành thu ngân sách theo sát tiến độ, ngành Tài chính đã tích cực tham mưu cho Chính phủ đồng thời thực hiện các chính sách tài khóa, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, thu NSNN 10 tháng đạt 1.221 nghìn tỷ đồng, bằng 90,9% dự toán, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Còn theo số liệu tổng hợp của Kho bạc Nhà nước (KBNN) trên hệ thống TABMIS thì đến hết ngày 31/10/2021, thu NSNN 10 tháng đã đạt 1.224,3 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán, trong đó, ngân sách Trung ương (NSTƯ) đạt 87% dự toán và ngân sách địa phương (NSĐP) đạt 96,7% dự toán.
Đáng chú ý, sau khi nhiều địa phương tiến hành nới lỏng giãn cách từ cuối tháng 9 đầu tháng 10, các hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu quay trở lại đã tác động tích cực tới số thu ngân sách của tháng 10, nhờ đó đã khả quan hơn rất nhiều so với các tháng trước đó. Cụ thể, thu NSNN tháng 10 đạt 133,2 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 116,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 59 nghìn tỷ đồng so với tháng 9. Tháng 10 là thời điểm các DN kê khai, nộp các khoản thuế theo chế độ được phép thu theo quý (như thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT của DN có doanh thu dưới 20 tỷ đồng phát sinh quý 3 chuyển nộp trong đầu quý 4). Đồng thời, trong tháng 10 thực hiện thu vào NSNN khoảng 16 nghìn tỷ đồng thuế GTGT và thuế TNDN đã hết thời gian được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ.
Theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, do tình hình giá dầu tăng, nhiều địa phương cũng đã bắt đầu nới lỏng giãn cách, số thu từ thuế TNDN và gia hạn được các DN nộp vào 31/10, do đó, số thu tháng 10 tăng khá so với tháng 8 và 9. Trong tháng 11 và tháng 12 sẽ rà soát các khoản thu để tăng thu cuối năm.
Số thu của các địa phương đạt khá nhưng không đồng đều, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam và các địa phương phải giãn cách, số thu đạt thấp, có 14/63 địa phương số thu dưới 85% dự toán. Vừa qua, Tổng cục Thuế cũng tập trung hỗ trợ hai địa phương trọng điểm thu là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, sắp tới sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương khác để kết thúc 31/12 theo kịch bản điều hành thu sẽ cố gắng đạt được số thu đang báo cáo Quốc hội, cố gắng có trên 55 địa phương hoàn thành dự toán.
Nỗ lực ở mức cao nhất để cán đích
Trong tháng 10, thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 12,95 nghìn tỷ đồng trên cơ sở tổng số thu thuế đạt gần 28 nghìn tỷ đồng; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ là 15 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu cân đối ngân sách từ hoạt động XNK 10 tháng năm 2021 đạt 190,25 nghìn tỷ đồng, bằng 106,6% dự toán, tăng 27,7% so với cùng kỳ.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, sau khi các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách, thì tổng kim ngạch XNK tháng 10 tăng xấp xỉ 2%, kéo theo số thu từ hoạt động XNK tháng 10 tăng so với tháng 9, đạt 28 nghìn tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm 2021, ngành Hải quan bằng nhiều giải pháp khác nhau phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong thu ngân sách từ hoạt động XNK.
Về chi NSNN, Bộ Tài chính cho biết, trong 10 tháng qua, NSNN đã chi 1.149,4 nghìn tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán, riêng chi NSNN tháng 10 đạt 107,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 257,39 nghìn tỷ đồng, bằng 53,9% dự toán Quốc hội quyết định, chi trả nợ lãi đạt 85,37 nghìn tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán và chi thường xuyên đạt gần 798,1 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán. Riêng đối với giải ngân vốn đầu tư phát triển, 10 tháng vừa qua, chi đầu tư phát triển đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt 60,89%, vốn nước ngoài đạt 15,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 65%; 32/50 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%. Bộ Tài chính cho biết, do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 10 tháng có thặng dư, tuy nhiên, cân đối NSTƯ bội chi, NSĐP có thặng dư lớn.
Chỉ đạo công tác điều hành tài chính ngân sách từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian không còn nhiều, do đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị trực thuộc phải thường xuyên rà soát, kiểm tra tiến độ công việc, chủ động, sáng tạo và cố gắng nỗ lực ở mức cao nhất, triển khai hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo kịp thời các vướng mắc trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật. Cùng với đó, kịp thời tham mưu chính sách tài khóa cho Chính phủ trong việc xây dựng các kịch bản điều hành kinh tế, các giải pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng, hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch.
Một số nội dung trọng tâm của các tháng cuối năm được Bộ trưởng nhấn mạnh là quản lý vay ODA hiệu quả; phát hành trái phiếu Chính phủ đủ để bù đắp bội chi; giải quyết dứt điểm ghi thu ghi chi hàng viện trợ không hoàn lại... Đối với các giải pháp thu ngân sách, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị cơ quan Thuế tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đẩy mạnh các giải pháp thu trên nền tảng số, đẩy nhanh việc triển khai hoá đơn điện tử, xây dựng trung tâm dữ liệu hóa đơn điện tử và quản lý bằng trí tuệ nhân tạo.