Tỉnh Trà Vinh:

Phát huy nội lực các tổ chức kinh tế tập thể

Theo Hà Thanh/Báo Trà Vinh

Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, nòng cốt là hợp tác xã (HTX), dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh. Ở TP. Trà Vinh, kinh tế tập thể đã góp phần huy động các nguồn lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu đang được ngành nông nghiệp hướng đến và nhân rộng cho nông dân. Ảnh Hữu Huệ
Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu đang được ngành nông nghiệp hướng đến và nhân rộng cho nông dân. Ảnh Hữu Huệ

Nhiều năm qua, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Nghị quyết số 13-NQ/TW); Kết luận số 56-KL/TW, ngày 22/02/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 09/9/2014 của Tỉnh ủy Trà Vinh “về xây dựng và phát triển kinh tế tập thể tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015-2020”... tình hình kinh tế tập thể tiếp tục có những chuyển biến tích cực, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực.

Hiện nay, TP. Trà Vinh có 16 HTX và 04 Quỹ tín dụng nhân dân với gần 4.000 thành viên. Trong đó, có 10 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản; 06 HTX phi nông nghiệp. Tổng số vốn hoạt động của HTX là 7,399 tỷ đồng (tăng 104 triệu đồng so năm 2020). Có 41 tổ hợp tác (THT) hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt (18 THT), chăn nuôi (10 THT), khai thác thủy sản (11 THT), các lĩnh vực khác (02 THT).

Hoạt động của các HTX nông nghiệp chủ yếu thực hiện một số khâu dịch vụ hỗ trợ cho thành viên như: bơm tát tập trung, dịch vụ làm đất, thu hoạch, cung ứng cây giống, con giống thông qua việc thuê chung, mua chung; đồng quản lý, tiêu thụ sản phẩm và quản lý lịch thời vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới trong nông nghiệp... tuy doanh thu và lợi nhuận không cao, nhưng hoạt động của các HTX nông nghiệp đã hỗ trợ thiết thực trong việc giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm hàng hóa, giúp thành viên tiết kiệm được thời gian, tự tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Hoạt ở động lĩnh vực phi nông nghiệp, HTX xây dựng môi trường Trà Vinh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 09 lao động, thu nhập bình quân 4,8 triệu đồng/lao động/tháng. HTX vận tải Trà Vinh có phương án kinh doanh tốt, tình hình hoạt động khá ổn định, khai thác tốt nhu cầu hợp đồng du lịch tham quan của Nhân dân, góp phần tăng thu nhập cho thành viên và người lao động khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.

Các THT hoạt động cơ bản phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các THT trên địa bàn TP. Trà Vinh tuy có doanh thu nhưng chưa cao, cán bộ quản lý THT chủ yếu là hộ gia đình, trình độ quản lý còn hạn chế, chưa qua bồi dưỡng, chủ yếu quản lý theo kinh nghiệm, ít, nhiều ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của THT.

Năm 2022, TP. Trà Vinh đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, bà Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND TP. Trà Vinh cho biết: TP. Trà Vinh tiếp tục phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức, loại hình, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành, các lĩnh vực. Tập trung chỉ đạo củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các HTX, khắc phục những hạn chế, yếu kém dể nâng cao chất lượng hoạt động của THT, HTX. Tập trung phát triển lực lượng sản xuất các trong HTX nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế của địa phương. Tạo sự chuyển biến tích cực trong kinh tế tập thể, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Theo đó, TP. Trà Vinh đang tập trung nhiều giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế tập thể. Cùng với việc tuyên truyền, tập huấn Luật HTX năm 2012, nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX; huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể; TP. Trà Vinh đã và đang tích cực phát huy nội lực của các tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX theo Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ưu tiên ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025 (theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ) và Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025” (theo Quyết định số 167/QĐ-TTg, ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ THT, HTX như: chính sách về đất đai, tín dụng, khoa học - công nghệ, thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình HTX kiểu mới... tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển hiệu quả và bền vững.

Năm 2022, TP. Trà Vinh tập trung phát triển kinh tế tập thể, phấn đấu đạt 05 chỉ tiêu quan trọng:

- Đến cuối năm, có 02 HTX đạt 08 tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có ít nhất 50% HTX hoạt động khá, không có HTX hoạt động yếu kém.

- Phát triển mới 05 THT với 50 thành viên. 100% THT có đăng ký và hoạt động đúng theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP của Chính phủ về THT.

- Doanh thu bình quân HTX phi nông nghiệp đạt từ 550 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt từ 100 triệu đồng/năm. Đối với HTX nông nghiệp doanh thu đạt từ 250 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt từ 50 triệu đồng/năm.

- Thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong HTX đạt từ 40 triệu đồng/năm.

- Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ đại học đạt trên 70%; trình độ trung cấp đạt trên 30%; có khoảng 90% cán bộ quản lý HTX được đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức quản trị kinh doanh, quản lý HTX.