Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển
Sáng 15/2, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể (KTTT) và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, cần đánh giá khách quan, cụ thể tình hình thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW và Luật HTX năm 2012; chỉ rõ những kết quả đã làm được, những nội dung chưa làm được và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan…
Luật HTX năm 2012 là khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực HTX. Việc chuyển đổi, tổ chức lại các HTX theo quy định của Luật HTX cơ bản được hoàn thành, nhiều HTX được thành lập. Đến 31/12/2021, cả nước có 27.342 HTX, tăng 16.420 HTX (gấp 2,5 lần) so với năm 2001; thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.
Tuy nhiên, khu vực KTTT vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân; chưa đạt mục tiêu hoặc thực hiện chưa đầy đủ mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra. Liên tục trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT, HTX đạt thấp, chỉ bằng khoảng ½ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp của KTTT vào GDP cả nước giảm liên tục từ 8,06% năm 2001 xuống còn 3,62% năm 2020. Việc phát triển của khu vực KTTT so với mục tiêu mà Nghị quyết đề ra là "phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, tiến tới tỷ có trọng ngày càng lớn trong GDP của nền kinh tế", là không đạt được.
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về KTTT và Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012đã thảo luận, đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KTTT trong thời gian tới đó là: Thống nhất và nâng cao nhận thức về KTTT; Tăng cường vai trò của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các bộ ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX; Hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để KTTT phát triển; Kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về KTTT.
Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT. Giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng của KTTT như: nợ tồn đọng kéo dài trong HTX; giải quyết rõ ràng, minh bạch các quan hệ về tài sản của HTX cũ, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai. Củng cố và đổi mới các tổ chức kinh tế hợp tác hiện có đồng thời mở rộng và hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác mới. Xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới, dựa trên nhu cầu hợp tác tự nguyện của các thành viên, vì lợi ích của thành viên, HTX và cộng đồng....
Khẳng định tiềm năng phát triển trong thời gian tới của KTTT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, các tỉnh, thành phố coi trọng công tác thu thập dữ liệu thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu trong đó có số liệu về KTTT, kinh tế HTX nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạch định chính sách, quy hoạch. Lưu ý hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho KTTT, đặc biệt là HTX vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Cần xác định rõ bối cảnh phát triển mới, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của khu vực KTTT, HTX trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách phù hợp với diễn biến mới, phù hợp thực tiễn Việt Nam. Hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng mô hình quản trị KTTT, HTX tiên tiến, kế thừa thuyền thống nhằm tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học và công nghệ, huy động nguồn vốn, nâng cao năng lực quản trị, vấn đề bao bì, mẫu mã, thị trường…