Phát huy vai trò của lãnh đạo nữ ở các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay
Ngày nay, vai trò của nữ giới được đánh giá cao trong mọi hoạt động của xã hội, sự đa dạng về giới đã góp phần cải thiện kết quả kinh doanh và thu hút nhân tài dễ dàng hơn. Tuy nhiên, định kiến xã hội và yếu tố truyền thống cùng với các đặc điểm về giới mà vị trí xã hội của nữ giới vẫn chưa được nhìn nhận một cách tích cực nhất. Bài viết đưa ra một số luận cứ khoa học và phân tích các rào cản hạn chế vai trò của nữ giới trong các hoạt động xã hội ngày nay, đặc biệt sự nhìn nhận vai trò của nữ giới trong lãnh đạo quản lý điều hành kinh doanh của các doanh nghiệp, phát huy và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong xã hội nhằm góp phần phát triển đất nước và giảm bất bình đẳng trong xã hội ngày nay.
Đặt vấn đề
Trên thế giới, sự hiện diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) ngày càng tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng còn chậm. Ngày nay, nhiều phụ nữ nắm giữ các vị trí điều hành trong một số lĩnh vực nhưng nam giới vẫn chiếm ưu thế trong các vị trí xã hội. Ở Hoa Kỳ, nghiên cứu của Stetler (2002) cho thấy, sự hiện diện của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo DN xấp xỉ là 40%, nhưng chỉ có 0,5% trong số đó ở các vị trí quản lý cao nhất. Ở Đức, tỷ lệ nữ giữ vai trò quản lý chiếm 25%, ở Úc tỷ lệ này là 43%; ở Ấn Độ có khoảng 4%; Tại Sri Lanka chỉ có khoảng 0,09% phụ nữ đang làm việc ở cấp cao trong các DN mặc dù có đến 32,8% lao động là phụ nữ.
Năm 2007, Việt Nam ký kết Công ước về xóa bỏ mọi hình thức đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Luật Bình đẳng giới chính thức có hiệu lực (ngày 01/7/2007). Phụ nữ ở Việt Nam chiếm 50% dân số và cung cấp hơn 50% lực lượng lao động của xã hội. Ngày nay, vai trò của người phụ nữ đã được nâng cao trong xã hội và ngày càng có nhiều tấm gương phụ nữ thành công trong công việc, đặc biệt có nhiều doanh nhân nữ thành đạt và có nhiều đóng góp có giá trị cho sự phát triển của xã hội và xu hướng đó đã xóa tan những định kiến về vai trò của người phụ nữ trong xã hội, thừa nhận vai trò của người phụ nữ không thua kém nam giới trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường giai đoạn hội nhập, để phụ nữ tiếp tục có những đóng góp có giá trị cho xã hội thì cần có những chính sách quan tâm và giải pháp phù hợp. Bài viết này nhằm làm rõ thêm vai trò của nữ giới trong giai đoạn hiện nay ở các DN.
Vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo quản lý
Các trường phái lý thuyết cho rằng việc quản trị điều hành lãnh đạo giữa nam và nữ có sự khác nhau về năng lực và phẩm chất. Nam giới được cho là có tính hiếu thắng và tính cạnh tranh cao hơn nữ giới. Nghiên cứu của Rosener (1990) chỉ ra rằng, nam giới có xu hướng chỉ huy và kiểm soát có tính chất cạnh tranh. Nam giới thích được coi là người ra quyết định và có xu hướng miễn cưỡng tham gia thảo luận các vấn đề với đồng nghiệp và nhân viên hoặc là đối tác, là người chỉ đạo và thể hiện định hướng các nhiệm vụ. Trong khi đó, các nhà quản lý nữ lại nghiêng về các mô hình chuyển đổi bằng cách sử dụng các kỹ năng giữa các cá nhân, họ tích cực tham gia thảo luận với những người có liên quan để đạt được các quyết định đồng thuận và tránh đối đầu bằng cách sử dụng sự khích lệ và thỏa hiệp. Họ quan tâm đến sự hiểu biết về tâm lý con người, thường tìm cách phát triển và áp dụng phương pháp tiếp cận có sự tham gia của đồng nghiệp và các đối tác liên quan (Rigg và Sparrow, 1994; Flanders, 1994; Silva và Mendis, 2017).
Ở Việt Nam, theo Career Buider (2022), tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý đã tăng lên nhưng nhìn chung tỷ lệ này còn thấp so với lực lượng lao động của cả nước. Một số tổ chức vẫn còn khoảng cách khá xa giữa nam và nữ tham gia đảm trách các vị trí công việc trong xã hội. Xét về mặt kiến thức và trình độ của nữ giới, họ đã có sự tiến bộ ngang bằng thậm chí còn vượt xa so với nam giới, họ đã có thể tham gia các vị trí công việc không thua kém nam giới trong các hoạt động thậm chí đảm nhận các vị trí lãnh đạo quản lý trong các cơ quan, đơn vị hoặc DN.
Có thể thấy rằng, với đặc điểm về giới, vai trò của người phụ nữ tham gia lãnh đạo có thể gặp phải những khó khăn và hạn chế nhất định. Tuy nhiên, khi phụ nữ tham gia vào các hoạt động quản lý họ đã mang lại hiệu quả cho các tổ chức và đơn vị. Có một số yếu tố hạn chế đối với vai trò quản lý của nữ giới bao gồm các quan niệm xã hội, sự ràng buộc kép về hành vi, trách nhiệm chăm sóc gia đình… (Vũ Minh Tú, 2018). Ngược lại, cũng có những thành công có thể kể đến như định hướng thành tích với quan điểm cho rằng phụ nữ châu Á thể hiện ý chí sẵn sàng làm việc và tận tâm với công việc, họ cố gắng cống hiến cho công việc ngày càng tốt hơn. Yếu tố về định hướng học tập được quan tâm trong nghiên cứu về vai trò của nữ giới, họ luôn ý thức nâng cao kỹ năng học tập, cố gắng rèn luyện trau dồi tri thức và tham gia các hoạt động cộng đồng, nhóm để có thể học từ đồng nghiệp hoặc đối tác (Johnson và cộng sự, 2008).
Theo quan điểm của Aryye (1992) các nhà lãnh đạo nữ ở Mỹ có xu hướng học theo mẫu hình thành công của các nhà lãnh đạo tiêu biểu hay họ thần tượng đối với phụ nữ tiêu biểu. Nữ giới ở Singapore lại học theo mẫu hình thành công của các nhà lãnh đạo là nam giới nhiều hơn. Một số quốc gia khác như Ấn Độ hay Trung Quốc thì mẫu hình giúp phụ nữ thành công hơn trong công việc đó là hình tượng về vai trò của người mẹ và yếu tố truyền thống cũng là một trong những yếu tố giúp lãnh đạo nữ thành công. Thông thường người phụ nữ thành công thì họ có người mẹ rất thành đạt trong vai trò lãnh đạo một số ngành nghề nào đó trong xã hội (Vũ Minh Tú, 2018).
Vấn đề nêu ra rằng, sự hiện diện của các nữ lãnh đạo ở hầu hết các vị trí trong lĩnh vực kinh doanh thì điều gì cản trở nữ giới vươn tới các vị trí lãnh đạo cấp cao trong các DN? Phụ nữ có tố chất lãnh đạo kém hơn nam giới không? Áp lực xã hội từ thế giới bên ngoài có cản trở họ vươn lên bậc thang vị trí cao trong các DN?
Gần đây, một số nghiên cứu cho rằng trong quản lý điều hành kinh doanh của các DN có nữ giới quản lý, lãnh đạo được đánh giá là mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn (ILO, 2019). Sự đa dạng về giới đã góp phần cải thiện kết quả kinh doanh và thu hút nhân tài tốt hơn. Theo báo cáo của ILO (2019) thực hiện khảo sát với 13.000 DN ở 70 quốc gia cho thấy, có 57% DN cho biết đa dạng về giới giúp cải thiện kinh doanh, ¾ DN ghi nhận lợi nhuận tăng lên 5-20% (trong đó phần lớn công ty tăng lợi nhuận từ 15-20%). Cùng với quan điểm đó, tại một báo cáo về vai trò của nữ giới trong sự phát triển bền vững của các DN cho biết, có đến 40% đối tượng được khảo sát tại các DN thì có 30% cấp quản lý lãnh đạo là nữ giới. Tại Việt Nam, phụ nữ đã tự tin hơn khi tham gia đảm trách điều hành các DN và có thể thành công hơn ở các vị trí cao như giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch tập đoàn hay hội đồng quản trị. Khả năng lãnh đạo hiệu quả được công nhận là một trong những yếu tố quan trọng giúp nhân viên của họ luôn có động lực và cam kết với tổ chức trong quá trình tham gia làm việc. Thành công của các tổ chức đã coi sự hiểu biết và thúc đẩy sự lãnh đạo hiệu quả là một trong những yếu tố quan trọng giúp họ đối phó với các rủi ro và thành công với áp lực trong môi trường có tính cạnh tranh như ngày nay.
Phát huy vai trò của lãnh đạo nữ trong các doanh nghiệp hiện nay
Theo số liệu của Tổ chức tài chính quốc tế IFC (2017) vai trò của phụ nữ là các doanh nhân đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong các lĩnh vực, đã tạo ra phong cách lãnh đạo mềm dẻo, linh hoạt và đạt hiệu quả hơn so với nam giới. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xảy ra, hầu hết DN phải đối diện nhiều khó khăn và trở ngại, vai trò của lãnh đạo nữ càng thể hiện rõ trong việc dẫn dắt các vượt qua khó khăn thử thách trước bối cảnh của đại dịch. Vai trò của lãnh đạo nữ lại càng nỗ lực nhiều hơn so với nam giới, họ cần có sự chủ động thích ứng với sự thay đổi của thị trường và đó luôn là thách thức lớn cho các lãnh đạo nữ và đặc biệt vai trò của lãnh đạo nữ quản lý các DN. Theo số liệu của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cứ 4 DN tư nhân thì có 1 DN có nữ giới tham gia quản lý, họ đã đóng góp 40% của cải cho nền kinh tế (Ngọc Quỳnh, 2022). Nhiều tấm gương nữ doanh nhân tiêu biểu thành đạt có nhiều đóng góp lớn trong công cuộc chống dịch và điều hành dẫn dắt DN thành công vượt qua các rào cản và thử thách trong bối cảnh tình hình mới như hiện nay.
Ngày nay, vai trò quản trị của nữ giới đã được đánh giá cao, trong quá trình điều hành DN, nữ lãnh đạo có có thể truyền nhiệt huyết làm việc cho cấp dưới nhiều hơn, họ sẵn sàng chia sẻ quyền lực để cùng hướng đến hiệu quả của mục tiêu đề ra. Do vậy, việc dẫn dắt các DN vượt qua khó khăn trở ngại tuy có nhiều thách thức nhưng hoàn toàn có thể hoàn thành tốt vai trò của họ. Phong cách lãnh đạo của nữ giới và nam giới có thể khác nhau ở một mức độ nào đó, tuy nhiên không thể phủ nhận nữ giới đã có sự nỗ lực vượt trội và có thể đảm trách các vị trí cao trong xã hội và đạt được hiệu quả tốt trong công tác quản lý, quản trị tại các DN.
Một số vấn đề cần tháo gỡ
Có thể thấy rằng vai trò của lãnh đạo nữ trong giai đoạn hiện nay đã có nhiều đóng góp có giá trị cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những khó khăn đến từ nhiều phía, khiến lãnh đạo nữ trong các DN vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ, cụ thể:
Thứ nhất, quan tâm các chính sách về giới, cần xóa bỏ tình trạng thiên vị giới để đảm bảo về bình đẳng giới để phụ nữ được phát huy trong xã hội. Quan tâm đến các chính sách phát triển đội ngũ, thúc đẩy sự tự tin, tạo điều kiện và động lực cho phụ nữ phát triển, giúp phụ nữ tiếp cận được các thông tin tri thức và thành tựu của khoa học công nghệ trong quá trình đổi mới của đất nước nhằm hướng đến sự phát triển bền vững và công bằng xã hội.
Thứ hai, thay đổi nhận thức về vai trò đóng góp của phụ nữ trong mọi hoạt động, nhận thức được tầm quan trọng của hiệu quả công việc nhằm đảm bảo được cân bằng tỷ lệ lao động quản lý giữa nam và nữ. Cần thay đổi nhận thức về giới tính để phụ nữ có thể tham gia đảm nhận các vị trí quan trọng trong xã hội.
Thứ ba, có sự nỗ lực và thay đổi tư duy nhận thức của phụ nữ về môi trường trong giai đoạn hiện nay, phát huy tính sáng tạo khả năng thích ứng với các rào cản của xã hội, khả năng học hỏi nâng cao kiến thức về quản lý, phát huy tinh thần để thích ứng với mọi hoàn cảnh có nhiều biến đổi trong giai đoạn hiện nay.
Thứ tư, trong gia đình cần có sự chia sẻ ủng hộ của các thành viên để người phụ nữ tự tin tham gia vào các hoạt động xã hội, giúp họ cân bằng được vai trò trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình và vai trò đóng góp cho xã hội.
Kết luận
Trong mọi thời đại, vai trò của người phụ nữ không thể thiếu trong các hoạt động của xã hội. Lịch sử đã chứng minh khả năng lao động của họ và những kết quả đạt được đã đóng góp phần lớn giá trị cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo và tạo động lực thúc đẩy phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội vừa là động lực góp phần giảm bất bình đẳng giới theo Công ước về xóa bỏ mọi hình thức đối xử với phụ nữ và thực hiện về Luật Bình đẳng giới, vừa góp phần bảo đảm công bằng và phát triển xã hội.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Nhung (2022), Vai trò của nữ giới trong kinh doanh và quản lý. https://trithucxanh.vn/post/vai-tro-cua-phu-nu-trong-kinh-doanh-va-quan-ly-ky-2;
2. Vũ Minh Tú (2018), Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo quản lý của Doanh nghiệp: Lý luận và thực tiễn tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học Học viện khoa học phụ nữ Việt Nam. Số 3, 2018;
3. ILO (2019), Phụ nữ làm lãnh đạo mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn. https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/newsitems/WCMS_703470/lang--vi/index.htm;
4. IFC (2017), Báo cáo Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Nhận thức và Tiềm năng;
5. Ngọc Quỳnh (2022), Doanh nghiệp do nữ làm chủ thay đổi để thích ứng và phát triển. https://bnews.vn/doanh-nghiep-do-nu-lam-chu-thay-doi-de-thich-ung-va-phat-trien/235609.html;
6. Careerbuilder (2022), Việt Nam cần nhiều phụ nữ lãnh đạo trong doanh nghiệp.https://careerbuilder.vn/vi/talentcommunity/viet-nam-can-nhieu-phu-nu-lanh-dao-trong-doanh-nghiep-hon.35A51B80.html;
7. Thanh Thủy (2021), https://baochinhphu.vn/trao-quyen-cho-phu-nu-gop-phan-thuc-day-doanh-nghiep-phat-trien-102304533.htm;
8. Aryee, S. (1992), Antecedents and outcomes of work-family conflict among married professional women: Evidence from Singapore. Human Relations.