Phát huy vai trò của thuế bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Lê Thị Loan, Đào Thanh Phương - Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí (Bộ Tài chính)

Phát triển kinh tế gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Những thập niên gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, vấn đề môi trường trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chính sách thuế bảo vệ môi trường được xác định là một công cụ kinh tế hiệu quả. Thời gian qua, thuế bảo vệ môi trường đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vai trò của thuế bảo vệ môi trường

Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) ra đời không chỉ có ý nghĩa tạo nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) mà có vai trò là một trong những công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đối với mục tiêu phát triển kinh tế

Vai trò của thuế BVMT được thể hiện qua các khía cạnh sau:

Một là, tạo nguồn thu cho NSNN để thực hiện các nhiệm vụ chi cho kinh tế - xã hội của đất nước.

Cùng với các chính sách thu hiện hành, thuế BVMT đã góp phần động viên sự đóng góp hợp lý của xã hội vào NSNN để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có chi giải quyết các vấn đề môi trường, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho Nhà nước. Đây là ưu điểm lớn của việc sử dụng thuế BVMT so với các biện pháp hành chính khác. Hàng năm, nhu cầu tài chính chi cho công tác BVMT rất lớn, do sức ép về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Việc áp dụng thực hiện thuế BVMT đem lại nguồn thu cho NSNN và do đó một phần giải quyết được những khó khăn về nhu cầu tài chính cho công tác BVMT.

Tỷ trọng số thu thuế BVMT trong tổng thu NSNN những năm qua có xu hướng tăng, từ chỗ chỉ chiếm dưới 2% trong giai đoạn đầu khi thuế BVMT mới được thi hành (2012-2014) lên trên 4% trong giai đoạn 2019-2021. Điều này cho thấy, vai trò của thuế BVMT đóng góp vào nguồn thu NSNN ngày một tăng, do đó góp phần chuyển dịch cơ cấu thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng thu nội địa.

Hai là, thuế BVMT là một công cụ hiệu quả của chính sách tài khóa để thực thi giải pháp ổn định thị trường xăng dầu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế.

Sự gia tăng chi phí của hàng hóa, nhiên liệu đầu vào trong đó có giá xăng dầu thời gian qua đã gây áp lực đến lạm phát. Để kiểm soát lạm phát, một trong những biện pháp được Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện thành công thời gian qua là áp dụng biện pháp điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu. Việc điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu linh hoạt trong điều kiện lạm phát, giá cả và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao đã có s“tác dụng kép” vừa giúp giảm chi phí, giá thành hàng hóa, dịch vụ, góp phần giúp doanh nghiệp, người dân vượt khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, vừa góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế do giá xăng dầu tăng cao, từ đó kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Ba là, thuế BVMT là công cụ tài khóa hiệu quả để hỗ trợ cho những đối tượng bị tổn thất do ảnh hưởng bởi những sự kiện bất khả kháng, góp phần hạn chế những tổn thất từ những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững.

Có thể kể đến ví dụ tiêu biểu là đại dịch COVID-19 xảy ra đã gây thiệt hại không nhỏ đến nền kinh tế, trong đó ngành Hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất nặng nề. Trong bối cảnh đó, việc giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay đã giảm bớt gánh nặng, hỗ trợ, phục hồi ngành Hàng không từ đó góp phần tránh những tổn thất, ảnh hưởng tới quá trình phát triển bền vững nền kinh tế.

Đối với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Vai trò của thuế BVMT thể hiện trên các mặt:

Thứ nhất, thuế BVMT là công cụ kinh tế hữu hiệu trong lĩnh vực BVMT của Nhà nước.

Theo Luật BVMT, thuế BVMT là một trong những công cụ kinh tế để tác động làm thay đổi hành vi, ứng xử của người dân và doanh nghiệp đối với môi trường theo hướng hạn chế những hoạt động gây hại cho môi trường. Theo lý thuyết kinh tế, thuế BVMT giúp đạt hiệu quả BVMT nhanh hơn so với biện pháp hành chính do tác động trực tiếp vào lợi ích kinh tế của các chủ thể trong quan hệ quản lý môi trường nên việc sử dụng thuế BVMT sẽ đảm bảo các chủ thể này thực thi pháp luật hiệu quả.

Nghĩa vụ đóng thuế BVMT sẽ tạo động cơ thúc đẩy người gây ô nhiễm tìm phương pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường để đảm bảo lợi ích kinh tế. Do đó, thuế BVMT là công cụ kinh tế đem lại hiệu quả giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hai là, thuế BVMT góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, tiêu dùng sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường, từ đó nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội.

Thuế BVMT được xây dựng trên nguyên tắc người sử dụng sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường phải chịu thuế để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường. Điều này buộc các chủ thể gây ô nhiễm và các chủ thể có liên quan phải chịu trách nhiệm về chi phí đối với môi trường do hoạt động gây ô nhiễm của mình tạo ra. Khi thực hiện nghĩa vụ thuế BVMT sẽ làm các chủ thể thay đổi thái độ đối với môi trường sống và có trách nhiệm hơn với hành vi của mình đối với môi trường.

Vì lợi ích kinh tế, các chủ thể sẽ có xu hướng hạn chế sử dụng (hoặc sử dụng tiết kiệm hơn) các hàng hóa tác động xấu đến môi trường; dần dần chuyển sang lựa chọn các sản phẩm thân thiện, ít tác động xấu đến môi trường hơn, từ đó giảm thiểu nguy cơ gây hại môi trường. Điều này gián tiếp tác động đến nhà sản xuất quan tâm hơn đến áp dụng các công nghệ sạch; nghiên cứu, sử dụng, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường và thực hiện kiểm soát ô nhiễm, góp phần giảm phát thải tại nguồn.

Các thách thức và yêu cầu đặt ra

Chính sách thuế BVMT trong thời gian tới cần được tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò để góp phần giải quyết những thách thức trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cụ thể:

- Thách thức về thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế: Giai đoạn phát triển 2023-2030, nền kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với những khó khăn từ nội tại trước đó cũng như nhiều nguy cơ còn tiềm ẩn. Dịch COVID-19 và những tác động kéo theo, giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát, tăng trưởng chậm hơn dự kiến ở các thị trường xuất khẩu lớn, tình trạng bất ổn toàn cầu dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại và đà phục hồi chưa chắc chắn, giảm dư địa tài khóa, cùng với tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu là một yếu tố khác đóng góp vào những thách thức đối với Việt Nam trong việc duy trì tốc độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, khiến cho nhiều mục tiêu phát triển bền vững khó có khả năng đạt được vào năm 2030. Trong bối cảnh đầy thách thức như vậy, việc sử dụng chính sách thuế BVMT như một công cụ tài khóa hiệu quả để hỗ trợ, kích thích phát triển ngành sản xuất thân thiện với môi trường là điều cần thiết.

- Thách thức về giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định bảo vệ, cải thiện môi trường là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và đề ra nhiệm vụ cụ thể là: Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đồng thời, Chính phủ cũng đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Theo đó, việc giảm cường độ phát thải là yêu cầu then chốt để đạt được đồng thời mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và tăng trưởng kinh tế cao. Điều này đòi hỏi Việt Nam sẽ phải nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, việc hướng đến xây dựng chiến lược chính sách tài chính xanh, bền vững đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa vai trò công cụ kinh tế về thuế BVMT đối với hoạt động BVMT trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nâng cao vai trò của thuế bảo vệ môi trường

Luật Thuế BVMT đã quy định được nhiều vấn đề, điều chỉnh cơ bản những sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng có tác động xấu tới môi trường. Tuy nhiên, đối chiếu với mục tiêu phát triển kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường thời gian tới thì vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Giải pháp được đưa ra theo nhóm mục tiêu cho thời gian tới như sau:

- Nhóm giải pháp để phát huy hiệu quả vai trò của thuế BVMT trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế:

Thứ nhất, cần xây dựng nguyên tắc điều chỉnh khung và mức thuế đảm bảo tính linh hoạt hơn, lộ trình điều chỉnh mức thuế cần đảm bảo phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Căn cứ xác định khung mức thuế, việc xác định mức thuế cụ thể là vấn đề cốt lõi và phức tạp, phải được dựa trên những luận cứ khoa học chặt chẽ, căn cứ thực tiễn xác đáng để cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu BVMT trong từng thời kỳ (cần áp dụng mức thuế cao đối với những sản phẩm gây ô nhiễm mà có sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế, cần cân nhắc áp dụng mức thuế hợp lý đối với những sản phẩm chưa có sản phẩm khác thay thế tránh tăng giá gây bất lợi cho sản xuất, tiêu dùng, đảm bảo sức cạnh tranh của môi trường đầu tư).

Thứ hai, nghiên cứu chính sách ưu đãi thuế BVMT cho những nhiên liệu thân thiện với môi trường để tạo động lực thu hút người dân chuyển sang sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhiên liệu hóa thạch, từ đó góp phần thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường để góp phần giảm phát thải ô nhiễm.

- Nhóm giải pháp để nâng cao vai trò của thuế BVMT trong thực hiện mục tiêu BVMT, giảm thiểu ô nhiễm môi trường:

Thứ nhất, cần đánh giá toàn diện tính hiệu quả của chính sách thuế BVMT trong việc thực hiện mục tiêu BVMT, giảm thiểu ô nhiễm. Trong trường hợp việc tăng giá sản phẩm, hàng hóa thông qua thuế BVMT đem lại ít hiệu quả thì cần cân nhắc áp dụng mức thuế cao hơn mới có thể tác động làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế BVMT, trong đó cần sớm lấp những khoảng trống pháp lý về thuế BVMT đối với những sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nhưng hiện chưa thu thuế (tập trung đánh thuế đối với những loại có mức phát thải gia tăng cao, mức độ ô nhiễm lớn để giảm thiểu phát thải).

Thứ ba, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của các sản phẩm, hàng hóa. Các thông tin, dữ liệu này có vai trò quan trọng trong việc tạo căn cứ khoa học, thực tiễn để phục vụ công tác mở rộng đối tượng chịu thuế, xác định khung và mức thuế.

Thứ tư, bên cạnh các giải pháp nêu trên, để thuế BVMT thành công trong việc điều chỉnh hành vi tiêu dùng cần kết hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp khác như tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức; hỗ trợ, ưu đãi sản xuất, sử dụng sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường… Giảm thiểu ô nhiễm môi trường là mục tiêu của những nỗ lực làm thay đổi hành vi. Thuế BVMT sẽ phát huy hiệu quả cao hơn khi chính sách được đồng bộ với các chính sách khác về chống ô nhiễm và BVMT. 

Tài liệu tham khảo

  1. Quốc hội, Luật Bảo vệ môi trường,
  2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030,
  3. Bộ Tài chính, Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Thuế bảo vệ môi trường.
  4. Hoàn thiện pháp luật về thuế BVMT, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2227.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2023