Phát triển bền vững các ngành sản xuất - Ứng dụng chuyển đổi số
Thực hiện chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết đối với các nhà sản xuất trên thế giới. Tại Việt Nam, quá trình này đã và đang được nhiều doanh nghiệp (DN) thực hiện với kết quả bước đầu khả quan.
Hướng đi tất yếu
Chia sẻ tại hội thảo về chuyển đổi số trong các ngành sản xuất diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, TS. Trần Viết Huân - Chuyên gia chuyển đối số của Microsoft Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) - cho biết: Chuyển đổi số là hướng đi tất yếu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và trong quá trình chuyển đổi số dữ liệu là quan trọng nhất. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, vào năm 2020, sẽ có 70% nhà sản xuất đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc ứng dụng này sẽ giúp họ tăng 30% doanh thu, giảm 30% chi phí.
Liên quan đến vấn đề này, GS.,TS. Hồ Tú Bảo - chuyên gia của Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản - thông tin: Để làm ra máy có những chức năng thông minh, yếu tố cơ bản là khai thác dữ liệu. Ứng dụng trong sản xuất hay mọi lĩnh vực của đời sống đều cần dữ liệu để ra những quyết định, vì vậy trí tuệ nhân tạo (AI) là phổ biến nhất.
Mặc dù vậy, theo GS -TS. Hồ Tú Bảo, hầu hết các DN Việt còn rất yếu trong việc xây dựng nguồn dữ liệu. Ngoài ra, còn nhiều rào cản khiến các DN Việt Nam chưa sẵn sàng để chuyển đổi như hạ tầng số chưa được nhận thức ở mọi cấp, dữ liệu quốc gia và địa phương còn thiếu...
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao - nêu quan điểm, DN Việt ngại chuyển đổi số bởi vấp phải các vấn đề về chi phí, nhân lực vận hành hệ thống công nghệ và vấn đề bảo mật dữ liệu khi vận hành hệ thống.
Những bước đi thành công
Là DN ứng dụng thành công AI vào sản xuất, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - chia sẻ: Công ty đã tìm đến giải pháp AI nhằm cắt giảm lao động. Đơn cử trước đây, nếu chưa áp dụng AI, một ao tôm cần tới 2 người quản lý, khi áp dụng AI thì 1 người sẽ quản lý được 50 ao tôm. Ngoài ra, khi áp dụng công nghệ này, việc phân loại tôm chính xác hơn dựa trên xác định màu sắc, lượng nước trong con tôm thông qua máy quét thay vì phân loại thủ công như trước đây.
Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) là DN dệt điển hình về "số hóa" trong sản xuất. Theo ông Đặng Triệu Hòa - Chủ tịch HĐQT STK - từ nhiều năm trước, STK đã chú trọng đầu tư hệ thống thông tin quản lý nguồn lực DN (ERP). Hệ thống này giúp STK hợp lý hóa quy trình kinh doanh, thúc đẩy sự hợp tác của các phòng, ban, tối đa hóa hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường và kiểm soát chặt chẽ tình hình tài chính. Hiện, STK đang tiếp tục hành trình hướng tới tích hợp và kết nối lại toàn bộ quy trình trong nhà máy thông qua hệ thống POC và trên nền tảng công nghệ này tiến hành phát triển thêm các Apps...
Sự đầu tư bài bản đã giúp doanh thu, lợi nhuận của STK tăng đều qua từng năm. Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay, dù thị trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, song với sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh, STK vẫn đạt kết quả ấn tượng: Doanh thu 6 tháng ước đạt 1.179 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 83 tỷ đồng.