Phát triển bền vững nhờ áp dụng công cụ cải tiến năng suất
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công các công cụ cải tiến năng suất như 5S, Kaizen, Lean, TPM, KPI, MFCA, BSC… giúp nâng cao năng suất từ 15 - 30%, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Điển hình như tại Công ty CNC - Vina, nhờ các công cụ cải tiến năng suất, doanh nghiệp đã tăng tỷ lệ các dự án thiết kế hoàn thành đúng tiếp độ giao hàng lên 19%; tỷ lệ đơn hàng lắp rắp cơ đúng tiến độ từ 22% lên 64%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ đơn hàng lắp rắp điện đúng tiến độ từ 11% lên 55%; giảm tỷ lệ tồn kho hàng chính hãng so với kho chung xuống dưới 20%; giảm giá trị hàng lưu kho chính hãng từ 1,586 tỷ đồng/tháng xuống 1,216 tỷ đồng/tháng.
Tương tự, tại Công ty May Hưng Nhân thuộc Tổng Công ty Đức Giang, hàng tồn trên chuyền đã giảm tới 75%; giảm thời gian hàng ra chuyền từ 2 ngày xuống trong trong ngày; thời gian hàng nhập kho từ 5 ngày xuống 1 ngày, năng suất chuyền may tăng 25 - 30%...
Ngày nay, năng suất là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và sự tồn tại lâu dài của một doanh nghiệp, là cơ sở để nâng cao thu nhập, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt cho người lao động.
Năng suất của một doanh nghiệp có thể chịu tác động của nhiều yếu tố. Các yếu tố này có thể chia thành hai nhóm: Nhóm yếu tố bên ngoài (bao gồm môi trường kinh tế thế giới, tình hình thị trường, cơ chế chính sách kinh tế của Nhà nước) và nhóm yếu tố bên trong (bao gồm lao động, vốn, công nghệ, tình hình và khả năng tổ chức quản lý sản xuất). Trong đó, các yếu tố tác động từ bên trong nội bộ tổ chức hoàn toàn có thể thay đổi được nhờ các công cụ cải tiến năng suất như: 5S, Kaizen, Lean, TPM, KPI, MFCA, BSC…
Các công cụ cải tiến này là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ những khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Tùy vào thực trạng của từng doanh nghiệp sẽ áp dụng các công cụ cải tiến khác nhau.
Ví dụ, việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất như Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) giúp doanh nghiệp hình thành được phương pháp và cách thức kiểm soát chi phí đối với các nguyên vật liệu tham gia quá trình sản xuất và giảm lãng phí.
Việc áp dụng BSC hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát tốt mục tiêu chiến lược và quá trình hoạt động thông qua hệ thống KPIs; từ đó giúp các doanh nghiệp nâng cao được chất lượng sản phẩm, giảm thiểu các chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Việc áp dụng mô hình quản lý tinh gọn (Lean), Kaizen, 5S sẽ giúp các doanh nghiệp loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, hướng mọi hoạt động của tổ chức theo hướng tinh gọn. Điều này giúp doanh nghiệp cải tiến, ngăn ngừa sai lỗi, giảm thiểu rủi ro, từ đó nâng cao năng suất...