Phát triển bền vững thương mại điện tử tại Việt Nam
Mặc dù tiềm năng phát triển lớn nhưng tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam chưa đạt kết quả như kỳ vọng do thói quen và niềm tin mua bán hàng trên mạng, cũng như việc thanh toán tiền hàng trực tuyến chưa phổ biến. Đây cũng là thách thức đối với việc phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Để hóa giải thách thức này, cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển thương mại điện tử Việt Nam lành mạnh, bền vững.
Phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam
Định nghĩa về thương mại điện tử
Hiện nay, trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về thương mại điện tử (TMĐT). Liên Hợp quốc đưa ra định nghĩa: “TMĐT là việc thực hiện toàn bộ hoạt động kinh doanh bao gồm marketing, bán hàng, phân phối và thanh toán thông qua các phương tiện điện tử”.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cho rằng: “TMĐT là việc làm kinh doanh thông qua mạng internet, bán những hàng hoá và dịch vụ có thể được phân phối không thông qua mạng hoặc những hàng hoá có thể mã hoá bằng kỹ thuật số và được phân phối thông qua mạng hoặc không thông qua mạng”.
Trong khi đó, theo Tổ chức Thương mại Thế giới: “TMĐT bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng internet, nhưng được giao nhận có thể hữu hình hoặc giao nhận qua internet dưới dạng số hoá”.
So với các hoạt động thương mại truyền thống, TMĐT có một số điểm khác biệt cơ bản sau: Các bên tiến hành giao dịch trong TMĐT không tiếp xúc trực tiếp với nhau và không đòi hỏi phải biết nhau từ trước; Các giao dịch thương mại truyền thống được thực hiện với sự tồn tại của khái niệm biên giới quốc gia, còn TMĐT được thực hiện trong một thị trường không có biên giới (thị trường thống nhất toàn cầu).
Trong hoạt động giao dịch TMĐT có sự tham gia của ít nhất 3 chủ thể, trong đó có một bên không thể thiếu được là người cung cấp dịch vụ mạng, các cơ quan chứng thực. Thông thường nền tảng ứng dụng TMĐT gồm: Thư điện tử; trang thông tin điện tử; mạng xã hội; kênh di động; các ứng dụng cho thiết bị di động; kênh truyền hình.
Kết quả phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam
Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Điều này đã dẫn tới tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, TMĐT Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định. Có thể thấy, trong 7 năm qua, TMĐT Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%.
Cụ thể, nếu như năm 2015, TMĐT bán lẻ Việt Nam mới chỉ đạt 5 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2014, thì đến năm 2018, con số này đã đạt mức 8,06 tỷ USD (tăng 30% so với năm 2017). Năm 2019, TMĐT Việt Nam chính thức vượt mốc 10 tỷ USD, đạt 11,8 tỷ USD vào năm 2020, tiếp tục tăng lên 13,7 tỷ USD vào năm 2021.
Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam 2022, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ (B2C) của Việt Nam ước tính đạt 16,4 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước. Ước tính có khoảng 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị 260-285 USD/người.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có thị trường TMĐT phát triển, trong đó đứng đầu Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 25%/năm. Theo “Sách trắng TMĐT Việt Nam 2022”, có đến 74,8% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm, 65% người dùng sử dụng internet cho mục đích tìm kiếm thông tin mua hàng, với tỷ lệ người dùng có thời lượng truy cập internet từ 3 - 5 tiếng/ngày là 35%. Các mặt hàng được người tiêu dùng trực tuyến ưa thích là quần áo, giầy dép, mỹ phẩm (70%); sách, văn phòng phẩm, quà tặng, thiết bị đồ gia dụng (49%); đồ công nghệ và điện tử (48%)… Giá trị mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng trên 5 triệu đồng chiếm tỷ lệ cao nhất là 45%, từ 3 - 5 triệu đồng chiếm 22%, từ 1 - 3 triệu đồng chiếm 26%. Kết quả này cho thấy, ngày càng có nhiều người tiêu dùng yêu thích hình thức mua sắm trực tuyến.
Sự tăng trưởng bứt phá của TMĐT đã giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Đây là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế của thế giới, nhất là trong bổi cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Báo cáo của Google, Temasek và Bain (2022) dự báo, tốc độ tăng trưởng quy mô TMĐT hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam cho cả giai đoạn 2015 - 2025 là 29%. Khi đó, quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ ba trong khối ASEAN. Tuy nhiên, chỉ số TMĐT những năm qua cho thấy, phần lớn hoạt động TMĐT diễn ra ở hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Hoạt động kinh doanh trực tuyến tại 3 thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ chiếm tỷ lệ thấp và có nguy cơ suy giảm so với 2 thành phố dẫn đầu. Theo đó, năm 2022, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm 22% dân số, nhưng chiếm trên 75% giao dịch TMĐT của cả nước. Điều này có nghĩa là 61 địa phương còn lại chiếm 78% dân số, nhưng chỉ đóng góp chưa tới 25% quy mô TMĐT. Đáng chú ý, tỷ trọng 75% này ổn định trong cả giai đoạn 2016 - 2022 và chưa có dấu hiệu thay đổi trong những năm tới.
Không chỉ khác biệt lớn về tỷ lệ doanh nghiệp (DN) tham gia sàn mà hiệu quả kinh doanh trên sàn TMĐT của các DN ở 2 thành phố lớn nhất cả nước cũng cao hơn nhiều so với các địa phương. Số liệu này không gây ngạc nhiên vì các DN ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vừa năng động, vừa chiếm trên một nửa tổng số DN của cả nước.
Để phát triển bền vững thương mại điện tử ở Việt Nam
Bên cạnh khắc phục những khó khăn, thách thức trong phát triển TMĐT cần tập trung khắc phục những “lỗ hổng” lo ngại của người tiêu dùng khi thực hiện mua sắm qua sàn TMĐT:
Một là, giá cả và chất lượng hàng hóa.
Để cải thiện nỗi lo về giá cả và chất lượng hàng hóa, cần phải tăng cường trách nhiệm của người bán đối với các sản phẩm cung ứng cho khách hàng. Theo Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT thì đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu lầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng. Nghĩa là người bán cần cung cấp thông tin trung thực, chính xác về hàng hóa, dịch vụ, từ đó, khách hàng có được những thông tin cần thiết và quyết định chọn hay không chọn hàng hóa, dịch vụ đó.
Bên cạnh đó, thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện nhãn hàng theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt. Ngoài ra, người tiêu dùng cần cẩn trọng tìm hiểu trước khi mua hàng hóa, dịch vụ.
Hai là, bảo mật thông tin khách hàng.
Hiện nay, an ninh mạng và bảo mật thông tin cá nhân trong các giao dịch TMĐT ở Việt Nam được xem là vấn đề nan giải cho các nhà quản lý doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, để việc bảo vệ thông tin cá nhân trong TMĐT được thực hiện hiệu quả thì khuôn khổ pháp lý phải được quy định rõ ràng và hoàn thiện. Tuy nhiên, điều này lại không hề dễ dàng bởi thực tế mặc dù đã có quy định về Luật An ninh mạng năm 2018, nhưng trong văn bản quy phạm pháp luật lại không đề cập nhiều quy định liên quan về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân đối với đối tượng cụ thể là người tiêu dùng khi tham gia vào TMĐT. Vì vậy, trong thời gian chờ pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này thì trách nhiệm bảo mật thông tin khách hàng thuộc về cả người tiêu dùng và DN TMĐT.
Đối với người tiêu dùng, khi mua hàng qua sàn TMĐT cần phải nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của mình, chỉ cung cấp những thông tin thật sự cần thiết trong việc giao dịch, mua bán hàng hóa trên TMĐT, đặc biệt, cần lựa chọn sàn TMĐT uy tín, minh bạch trong việc bảo mật thông tin của khách hàng. Đối với DN TMĐT cần xây dựng hệ thống bảo mật thông tin khách hàng an toàn. Bên cạnh đó, DN cần hạn chế việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp những không tin không thật sự cần thiết khi họ mua sắm hàng hóa, dịch vụ trên các sàn TMĐT.
Ba là, hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển TMĐT.
Hiện nay, TMĐT là một lĩnh vực mới phát triển tại Việt Nam. Đây còn là lĩnh vực rất đặc thù, đó là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy, việc rà soát, hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực TMĐT phù hợp với thực tiễn hội nhập quốc tế hiện nay là cần thiết.
Bốn là, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin.
Việc hoàn thiện, đồng bộ và nâng cao hạ tầng công nghệ sẽ giúp bảo mật thông tin trên mạng được an toàn, thuận lợi cho khách hàng. Hạ tầng công nghệ chính là những con đường cao tốc kết nối để cho các yếu tố phát triển của TMĐT lưu thông trong đó. Việc thực hiện này đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên, các bộ ngành và địa phương mới có thể tạo nên một hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ cho phát triển TMĐT trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến phương thức thanh toán điện tử đang ngày càng phát triển với hàng loạt các ứng dụng thanh toán của các ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng còn đang e ngại về tính tiện dụng và độ bảo mật của phương thức thanh toán này. Thêm vào đó, sự quản lý trên phương diện tài chính tiền tệ còn chưa thực sự đầy đủ, chưa nhất quán, đặc biệt là trong giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới còn nhiều bất cập chưa giải quyết được.
Để phát triển TMĐT phù hợp với bối cảnh hội nhập thì việc chú trọng hoàn thiện hạ tầng thanh toán trực tuyến là yêu cầu tất yếu. Để làm được việc này, ngoài việc các ngân hàng, các trung gian thanh toán hoàn thiện về mặt hạ tầng thanh toán, cần có những biện pháp cụ thể để từng bước thay đổi nhận thức và thói quen người tiêu dùng đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Năm là, hoàn thiện hạ tầng logistics.
Logistics là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của TMĐT và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí đơn hàng giao dịch TMĐT. Ngoài ra, hạ tầng và năng lực logistics còn tác động tới thành công hay thất bại của một đơn hàng, từ đó tác động tới sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Từ ý nghĩa thực tiễn này, việc phát triển, hoàn thiện hạ tầng logistics cần tiếp tục được quan tâm triển khai đồng bộ trong thời gian tới.
Kết luận
Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn, cần phải phát triển mạnh mẽ hơn hoạt động của TMĐT, chỉ có như vậy mới giúp các DN Việt Nam trụ vững trong xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại. Việt Nam cần phải có sự phát triển toàn diện các giải pháp ở tầm vi mô và vĩ mô trong hoạt động phát triển TMĐT.
TMĐT ngày càng giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế số hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh hậu COVID-19. Do đó, các doanh nghiệp TMĐT cần tích cực thay đổi để khắc phục những hạn chế, vượt qua thách thức nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Mặt khác, về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần có các chính sách phù hợp nhằm tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp TMĐT.
Tài liệu tham khảo:
- Hiệp hội Thương mại điện tử (2021), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2021 tăng trưởng vững chắc;
- Dương Ngọc Hồng (2020), “Thương mại điện tử trong phát triển kinh tế tại Việt Nam”, Tạp chí Tài chính Online, truy cập ngày 02/05/2022;
- Phúc Minh (2021), Thanh toán không dùng tiền mặc vì sao vẫn khó, VnEconomy, truy cập ngày 29/06/2022;
- Ngô Tấn Vũ Khanh (2021), Thách thức với thương mại điện tử trong bối cảnh bình thường mới;
- Nguyễn Văn Hùng (2014), Thương mại điện tử, NXB Tài chính, Hà Nội.