Phát triển BHXH tự nguyện: Cần giải pháp đột phá

Lê Hà

Tính đến tháng 6/2019, cả nước có khoảng 420.000 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Con số này là khá khiêm tốn so với dư địa trên 30 triệu người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tiềm năng. Để tăng diện bao phủ BHXH tự nguyện trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá…

Mới có 420 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2008 có khoảng 6.110 người tham gia BHXH tự nguyện (năm 2008 là năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện). Bảy năm sau đó, đến năm 2015, số người tham gia là hơn 217 nghìn người, năm 2016 con số này giảm xuống còn hơn 202 nghìn người, do thay đổi về chính sách dẫn đến cán bộ không chuyên trách ở cấp xã chuyển từ tham gia BHXH tự nguyện sang BHXH bắt buộc. Tính đến tháng 6/2019 có 420.000 người tham gia BHXH tự nguyện.

Số liệu trên cho thấy, sau hơn 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến mục tiêu phát triển BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH.

Phân tích nguyên nhân dẫn tới số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn đối với người dân.

Người dân thường so sánh, BHXH bắt buộc có 5 chế độ nhưng BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, hầu hết người dân chưa biết, hưởng 5 chế độ vì người tham gia phải đóng tiền cho 5 chế độ, hưởng 2 chế độ vì người dân chỉ đóng tiền cho 2 chế độ. Khác biệt cơ bản này đã tạo ra sự khập khễnh, so sánh, làm giảm tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện.

Một nguyên nhân khác là từ năm 2008 đến hết năm 2017, người dân tham gia BHXH tự nguyện chưa được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH; Quy định về điều kiện thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khá khắt khe (phải đủ 20 năm) dẫn đến tình trạng nhiều người có thời gian đóng BHXH dài, thậm chí gần đủ 20 năm nhưng vẫn rời khỏi hệ thống bằng việc hưởng BHXH một lần mà không đóng tiếp để hưởng lương hưu.

Bên cạnh đó, chính sách BHXH tự nguyện chỉ thực hiện hai chế độ là hưu trí, tử tuất nên chưa đáp ứng được nhu cầu của những người có khả năng tham gia nhiều chế độ hơn; công tác tổ chức dịch vụ về BHXH để người dân tiếp cận chưa hấp dẫn, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện

BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức, người tham gia được tự nguyện lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1/1/2018; Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1/1/2018 trở đi; Người không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, tổ, khu phố; Người lao động giúp việc gia đình; Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng lương; Nông dân, lao động tự tạo việc làm gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình…

Người tham gia BHXH tự nguyện hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng, do bản thân lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Về phương thức đóng, người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn đóng hàng tháng, 3 tháng đóng 1 lần, 6 tháng đóng 1 lần, 12 tháng đóng 1 lần, hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm 1 lần.

Đặc biệt, đối với trường hợp đóng 1 lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Trên thực tế, hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% với người thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm.

Để đăng ký tham gia, người tham gia BHXH tự nguyện lập, kê khai và nộp hồ sơ, nộp tiền cho đại lý thu hoặc cho BHXH cấp huyện nơi cư trú theo mức đóng và phương thức đóng đã đăng ký, nhận biên lai thu tiền đóng BHXH từ đại lý thu hoặc cơ quan BHXH và nhận hồ sơ trong thời hạn 5 ngày, nhận thông báo mã số BHXH, kết quả đóng BHXH từ cơ quan BHXH hoặc tại đại lý thu…

Cần giải pháp đột phá

Theo mục tiêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH, đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội.

Đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngành BHXH đang tích cực triển khai các giải pháp đột phá để thực hiện cải cách chính sách BHXH; trong đó, từng bước phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Đồng thời, thực hiện tốt chế độ BXHH tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH kịp thời, đầy đủ đến người tham gia; đơn giản hóa quy trình, thủ tục tham gia; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động tiếp cận dịch vụ BHXH qua việc đa dạng các dịch vụ đóng, hưởng thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông, ngân hàng...