Phát triển công nghệ ngân hàng số thúc đẩy mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Nguyễn Thị Lan Anh - Trường Đại học Tây Bắc

Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng thực chất là phát triển công nghệ ngân hàng số tại tất cả các ngân hàng thương mại, định chế tài chính phi ngân hàng và các loại hình tổ chức tín dụng khác. Công nghệ số thúc đẩy phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt dựa trên nền tảng của thanh toán điện tử, thanh toán trên các thiết bị di động, thúc đẩy các hoạt động mua sắm hàng hóa, dịch vụ và thanh toán trên mạng Internet của cá nhân, giao dịch điện tử của doanh nghiệp. Thực tế này thấy rất rõ trong những năm qua, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kết quả phát triển thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số

Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025”. Hiện nay, ngành Ngân hàng và các cấp, các ngành khác có liên quan đang đẩy mạnh thực hiện Đề án nói trên Chính phủ (2021-2023).

Trước hết đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, trong những năm gần đây NHNN đã tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho sự ra đời, phát triển các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số, đổi mới tiện ích, ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ.

Mới đây nhất, NHNN đã ban hành quy định mở tài khoản thanh toán trực tuyến dựa trên định danh khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, ban hành áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán, QR Code, thẻ chip, các quy định và biện pháp đảm an ninh, an toàn hệ thống thanh toán và giao dịch thanh toán điện tử của các doanh nghiệp, của người dân…

Toàn bộ hệ thống Ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán, bao gồm; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử, hệ thống các điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS); hệ thống máy giao dịch ngân hàng tự động ATM; hệ thống giao dịch ngân hàng số; hệ thống giao dịch thanh toán bằng phương thức điện tử eKYC và sử dụng mã QR…

Kỹ thuật thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số hiện đại nhất nhưng phù hợp với thực tiễn các NHTM Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam được chú trọng đầu tư, nâng cấp, mở rộng dịch vụ. Một số NHTM đã tiên phong ứng dụng công nghệ số trên thị trường dịch vụ ngân hàng, kết hợp công nghệ xác thực eKYC, Big data và AI (trí tuệ nhân tạo) trong phê duyệt yêu cầu mở thẻ tín dụng hạn mức cao của khách hàng...

Tính đến đầu tháng 5/2023, tất cả các NHTM Việt Nam đang triển khai công nghệ eKYC. Việc mở tài khoản thanh toán eKYC đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Ứng dụng eKYC cũng là một bước tiến mới về công nghệ trong phát triển dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hoạt động TTKDTM (VBNA (2020 - 2023).

Đến nay, trong toàn quốc có khoảng gần 60 bệnh viện triển khai thanh toán viện phí điện tử; 50 NHTM hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố, 98% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 32 NHTM và 10 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện. Doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 94%. Các ví điện tử cũng phối hợp với các NHTM thực hiện thu tiền nước sạch, cước phí viễn thông, bào hiểm nhân thọ…hàng tháng qua ngân hàng (BIDV (2020-2023)

Việc triển khai các biện pháp nói trên đã giúp các dịch vụ thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số tăng trưởng khá cao hàng năm tại Việt Nam.

Thanh toán trên thiết bị di động như: điện thoại di động, Ipad, Laptop đạt tốc độ tăng trưởng mạnh hàng năm, bình quân lên tới 90% về số lượng giao dịch và 150% về giá trị thanh toán. Nhiều NHTM đạt tốc độ tăng trưởng trên 90% giá trị giao dịch thanh toán điện tử được khách hàng thực hiện trên kênh số. Trong cả nước, chỉ từ tháng 3/2021 đến giữa tháng 4/2023 đã có thêm hơn 2,8 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC tại các NHTM, trong tổng số hơn 100 triệu tài khoản của khách hàng thanh toán đang hoạt động tại các NHTM ở Việt Nam (SBV (2020-2023).

Chỉ tính riêng trong năm 2021, so với năm 2020, giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng trên 45% về giá trị; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng gấp hơn 2 lần về số lượng giao dịch và gần 1,5 lần về giá trị tiền sử dụng trong thanh toán (SBV (2020-2023).

Tiếp đó trong năm 2022, doanh số thanh toán của khách hàng qua thiết bị di động: điện thoại thông mình, Latop, Ipad; phương thức QR Code tăng trên 100% so với năm 2021. Tính đến hết năm 2022, gần 75% số người Việt Nam trong độ tuổi trưởng thành có tài khoản tại các NHTM trong cả nước, hầu hết là tại các NHTM trong nước. Bên cạnh đó, người Việt Nam còn có hơn 3,71 triệu tài khoản Mobil Money; trong số đó, khoảng hơn 70% tài khoản loại này thuộc người dân đang sinh sống tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Đặc biệt là hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế, như các dịch vụ công, du lịch, hàng không, y tế, trường học, điện lực, nước sạch, viễn thông, giao thông, bán lẻ xăng dầu, ăn uống, siêu thị, sửa xe, xử phạt hành chính, thuế, hải quan, Bảo hiểm xã hội… để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng. Đáng chú ý là nhiều NHTM Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Tính đến nay, trong cả nước, 100% tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Hiện nay cũng có khoảng 80 NHTM triển khai dịch vụ Internetbanking, 50 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử) (SBV (2020-2023).

Đánh giá chung cho thấy, các kết quả nổi bật đạt được gồm:

Một là, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được NHNN phối hợp cùng các bộ ngành có liên quan hoàn thiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại. Hạ tầng thanh toán của NHNN như: hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; hệ thống chuyển mạch, bù trừ; cũng như của các NHTM và tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện;

Hai là, hệ sinh thái thanh toán điện tử đã được hình thành với sự kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và thương mại điện tử.

Ba là, hầu hết các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam, được nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công, nhiều doanh nghiệp chủ động hợp tác với các NHTM và tổ chức trung gian thanh toán đáp ứng nhu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Bốn là, vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán luôn được cả NHNN, các NHTM và tổ chức trung gian thanh toán quan tâm, đầu tư, đưa ra giải pháp hiệu quả; khách hàng được đặt là vị trí trung tâm ưu tiên trong việc quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, quyền lợi hợp pháp luôn được đảm bảo. Bên cạnh đó, chuyển đổi số tại các NHTM Việt Nam không chỉ giới hạn ở việc số hóa dữ liệu giao dịch mà thông qua đó phải tập trung nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Các NHTM Việt Nam đặt mình vào vị trí của khách hàng để nắm bắt nhu cầu của khách hàng và cung cấp các trải nghiệm số ưu việt trong hành trình trải nghiệm.

Năm là, hiện đại hóa và tự động hóa các giao dịch nội bộ NHTM đang được triển khai mạnh mẽ tại nhiều NHTM. Tốc độ giao dịch được nâng cao, giảm thời gian chờ đợi của khách hàng. Dịch vụ thanh toán điện tử đang phát triển mạnh tại các chợ trong toàn quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam gồm:

Một là, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa kịp thời

Các quy định về Mobile Money, chứng từ điện tử, hồ sơ vay vốn điện tử, sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư điện tử gắn với xác nhận hồ sơ tín dụng khách hàng cá nhân, đăng ký giao dịch đảm bảo điện tử, chữ ký số… chậm được NHNN và một số bộ ngành có liên quan ban hành. Nhiều quy định khác liên quan đến giao dịch ngân hàng điện tử liên quan đến Đề án 06 của Chính phủ đến nay cũng chưa được ban hành.

Hai là, thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới của người dân. Nhiều người dân không có điện thoại thông mình, chậm tiếp cận với công nghệ, nhất là những người lớn tuổi. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thanh toán chưa được phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đơn vị chấp nhận thanh toán chưa có đủ kiến thức cũng như lợi ích thiết thực khi chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt so với tiền mặt, do đó chưa tích cực tham gia.

Ba là, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Do đó, các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao cần tiếp tục được quan tâm và tăng cường.

Kết luận và khuyến nghị

Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng là mục tiêu chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025 và định hướng năm 2030, là giải pháp hiệu quả phát triển TTKDTM thanh toán không dùng tiền mặt theo đề án phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Từ những nội dung phân tích ở trên, để thực hiện thành công đề án TTKDTM, bài viết đề xuất một số giải pháp gồm:

Một là, NHNN cần chủ động tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, cụ thể với các bộ, ngành liên quan tập trung, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy TTKDTM đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ mới. Trong đó trước mắt là các quy định liên quan đến lĩnh vực Fintech Sandbox và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai.

Hai là, ngành Ngân hàng có chiến lược cụ thể tiếp tục đầu tư các nguồn lực cho phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với các dữ liệu ngành, lĩnh vực khác; hình thành các mô hình ngân hàng số, nâng cao công tác an ninh, an toàn bảo mật… Ngành Ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và tăng cường tiện ích, chất lượng dịch vụ đối với hạ tầng thanh toán quốc gia, Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi người dân và doanh nghiệp.

Ba là, cần đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, cho phép ngành ngân hàng khai thác thông tin trên chip thẻ căn cước công dân, đặc biệt là các yếu tố sinh trắc học, qua đó, hỗ trợ định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử, tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng. Bộ Tài chính và Bộ Công thương phối hợp mở rộng sử dụng hóa đơn diện tử, chữ ký điện tử, giao dịch thương mại điện tử.

Bốn là, các NHTM cần chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng ưu tiên kỹ thuật số, hoặc theo mô hình tương tác gắn kết đa kênh tích hợp xoay quanh triển khai nhanh gọn, linh hoạt công nghệ trí tuệ nhân tạo và năng lực máy học.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2021-2023), Cổng thông tin của Chính phủ, http://chinhphu.vn;
  2. BIDV (2020-2023), Báo cáo phân tích thị trường tài chính- Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học, các tháng năm 2020-2023;
  3. SBV (2020-2023), Cổng thông tin điện tử của NHNN, https://www.sbv.gov.vn;
  4. VBNA (2020 - 2023), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, https://www.vbna.org.vn;
  5. TCTK (2020-2023), https://www.gso.gov.vn;
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2023