Phát triển đại lý hải quan cả về lượng và chất
Đại lý hải quan có vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông quan nhanh hàng hoá, tránh được những vi phạm trong quá trình làm thủ tục hải quan và tiết kiệm được chi phí. Trong bối cảnh phát triển thương mại hiện nay, cần phát triển đại lý hải quan cả về lượng và chất để nâng cao vai trò của dịch vụ này trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Chiều ngày 10/10, Viện Nghiên cứu Hải quan (Tổng cục Hải quan) tổ chức Hội thảo Phát triển đại lý hải quan: Thực trạng và giải pháp. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng chủ trì Hội thảo.
Khâu quan trọng trong chuỗi giao nhận hàng hoá
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng, ở hầu hết các quốc gia, đại lý hải quan là một loại hình dịch vụ rất phát triển trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đây là một khâu trong chuỗi dịch vụ giao nhận hàng hóa mà nhiều nước đã áp dụng hiệu quả. Hiện nay, các quốc gia phát triển trên thế giới gần như 100% đã áp dụng thông quan điện tử, các thủ tục đều được thực hiện trên hệ thống tự động hóa nên hệ thống đại lý khai thuê hải quan cũng mang tính đặc thù và phát triển chuyên nghiệp hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Tại Việt Nam, so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, hoạt động đại lý hải quan hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đặt ra, tỷ lệ tờ khai đại lý được ủy quyền nộp thuế thay hoàn toàn cho chủ hàng chiếm tỉ lệ rất thấp, mức độ tin cậy của đại lý chưa được đánh giá ở mức cao. Phần lớn đại lý làm thủ tục hải quan chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vai trò của mình nên chưa có đầu tư cho hoạt động đại lý hải quan như trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động...
Theo Phó Tổng cục trưởng, Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu tiếp tục xây dựng và phát triển đại lý làm thủ tục hải quan chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, toàn diện và đa dạng hơn; hướng tới thực hiện áp dụng công nhận chế độ ưu tiên cho đại lý làm thủ tục hải quan; từng bước thực hiện tự động hóa quản lý hoạt động khai hải quan của các đại lý làm thủ tục hải quan, nhân viên được cấp thẻ thông qua việc kiểm soát việc làm thủ tục hải quan. Điều này đòi hỏi, cơ quan hải quan và đại lý thủ tục hải quan, các doanh nghiệp có hàng hoá xuất nhập khẩu cần chung tay nghiên cứu hướng đến phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đại lý thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đại lý hải quan.
Đại diện Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan cho biết, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay đã hỗ trợ các doanh nghiệp, đại lý hải quan và nhân viên đại lý hải quan trong hoạt động và phát triển, đã tạo thuận lợi hoạt động đại lý hải quan. Theo xu hướng điện tử hóa, bên cạnh việc nộp hồ sơ giấy, hiện nay doanh nghiệp/đại lý hải quan có thể nộp hồ sơ, chứng từ điện tử có xác nhận bằng chữ ký số qua Cổng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính. Việc này giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp đồng thời, doanh nghiệp cũng cập nhật được tình trạng hồ sơ trên hệ thống.
Số liệu Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan cung cấp, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có 156 đại lý làm thủ tục hải quan đứng tên trên tờ khai thay cho chủ hàng thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, trong tổng số 1.099 đại lý hải quan đang hoạt động, chiếm gần 14,2% trên tổng số đại lý làm thủ tục hải quan. Trong đó, số lượng tờ khai xuất nhập khẩu của đại lý làm thủ tục hải quan thực hiện là 503.734 tờ khai chiếm 6,11% trên tổng số 8.241.170 tờ khai xuất nhập khẩu toàn ngành, với kim ngạch xuất nhập khẩu là 26,54 triệu USD, chiếm 5,81% trên tổng số 450,75 triệu USD kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn Ngành. Như vậy, số lượng đại lý làm thủ tục hải quan còn khá khiêm tốn.
Chia sẻ về tính tuân thủ pháp luật của đại lý hải quan, đại diện Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho hay, qua số liệu thống kê trên Hệ thống quản lý vi phạm, các hành vi vi phạm chủ yếu của đại lý hải quan là không tuân thủ các quy định về thủ tục như: không đảm bảo thời gian nộp hồ sơ chứng từ, khai báo sai về tên hàng, mã số, định mức, thuế suất; hành vi không chấp hành quy định về thời hạn lưu giữ hàng hóa trong kho ngoại quan, địa điểm thu gom hàng lẻ… Đây là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ tuân thủ của doanh nghiệp.
Có cơ chế "cân, đong, đo, đếm"
Theo ông Nguyễn Quốc Huy – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải quan, để đại lý hải quan tại Việt Nam phát triển cả về lượng và chất, phát huy được vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thì cần đánh giá rõ bản chất, vai trò, vị trí của đại lý hải quan trong quy trình làm thủ tục hải quan, trong chuỗi cung ứng. Từ đó, giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các đại lý hải quan hoạt động với tư cách cá nhân tự do, với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đại lý hải quan được cấp phép đầy đủ và những người chỉ làm dịch vụ khai thuê hải quan. Đồng thời, cần có những chính sách ưu tiên, ưu đãi, tạo thuận lợi đối với việc thực hiện thủ tục thông qua đại lý hải quan. Từ đó, đưa ra chủ trương phát triển hoạt động đại lý hải quan tại Việt Nam theo định hướng, lộ trình cụ thể.
Về vấn đề này, TS. Bùi Thái Quang - Viện trưởng Viện Hải quan - Thuế - Kho bạc, Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội cho rằng, việc triển khai áp dụng chế độ ưu tiên đối với đại lý hải quan như: khi doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện về tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế, kim ngạch, các điều kiện khác... thì được công nhận là đại lý hải quan ưu tiên. Doanh nghiệp cũng có thể được miễn kiểm tra chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế, được ưu tiên thực hiện thủ tục hải quan trước... Chủ hàng hóa, chủ phương tiện cũng được hưởng chế độ ưu tiên khi ủy quyền cho đại lý ưu tiên.
TS. Bùi Thái Quang nhấn mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sử dụng công nghệ thông tin và ứng dụng chuyển đổi số trong quy trình làm việc là giải pháp không thể thiếu nhằm nâng cao hiệu suất và hiệu quả hoạt động của đại lý hải quan. Việc sử dụng phần mềm quản lý khai báo hải quan điện tử, kết hợp với các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain, không chỉ cải thiện khả năng quản lý dữ liệu mà còn giúp đại lý hải quan cung cấp dịch vụ kịp thời và chính xác cho khách hàng. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, khi yêu cầu về hiệu quả và tốc độ trong các quy trình xuất nhập khẩu ngày càng cao.
Theo Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng, hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ lớn. Các chính sách có những thay đổi, hoàn thiện cả về pháp luật hải uquan, ngoại thương... Do đó, đại lý hải quan sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc khai báo hải quan. Thông qua đại lý hải quan, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng sẽ thuận tiện hơn.
Để phát triển đại lý hải quan, cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như: rà soát các quy định pháp luật cho phù hợp thực tiễn; có cơ chế "cân, đong, đo, đếm" được các đại lý này xoay quanh tiêu chí, bộ tiêu chí tuân thủ pháp luật hải quan; quyết tâm ngăn chặn tình trạng "khai thuê" không chính danh. Cùng với đó, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng thi cấp chứng chỉ đại lý. "Đại lý hải quan phải để doanh nghiệp tin tưởng được làm thủ tục hải quan chính xác, muốn thế nhân viên làm đại lý hải quan phải được đào tạo, cập nhật để tránh sai sót, nhất là hiện nay có nhiều thay đổi trong các luật chuyên ngành", Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận để làm rõ thực trạng đại lý hải quan hiện nay. Từ đó, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng những giải pháp nhằm hướng tới phát triển đại lý hải quan trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Từ đó, góp phần mang lại cơ hội cho doanh nghiệp vươn ra thị trường thế giới, thúc đẩy xuất nhập khẩu tăng trưởng.