Phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ, tạo động lực thu hút vốn FDI chất lượng cao

TS. Phạm Thị Tường Vân - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước PGS.,TS. Phạm Tiến Đạt - Trường Đại học Tài chính – Marketing

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm 6 tỉnh/thành: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Bài viết khái quát về cơ sở hạ tầng giao thông của Vùng, từ đó, đánh giá những tiềm năng, lợi thế cũng như thực trạng và đề xuất các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông cho Vùng nhằm tạo động lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Vùng.

Đặt vấn đề

Vùng Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế - xã hội trọng điểm của cả nước, đây là nơi thường được Chính phủ chọn thực hiện thí điểm các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ để đạt các mục tiêu phát triển đã đề ra. Mặc dù Vùng đã có những đóng góp, vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của cả nước nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức và bộc lộ nhiều hạn chế.

Mạng lưới kết cấu hạ tầng nội Vùng và liên Vùng còn thiếu và chưa đồng bộ, chênh lệch về phát triển giữa các địa phương trong Vùng chưa được rút ngắn; liên kết trong Vùng vẫn còn hạn chế, chưa thực chất và hiệu quả; Xây dựng không gian kinh tế Vùng chưa hiệu quả, nguồn lực bị phân tán; Lợi ích kinh tế của từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí còn cạnh tranh nhau, làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn Vùng.

Ngoài ra, các vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, úng ngập cục bộ tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương trong Vùng chưa được giải quyết. Chính vì vậy, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ việc cần đổi mới cách thức hoạt động, điều phối và phương thức liên kết giữa các địa phương trong Vùng nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong Vùng, đồng thời phát huy hiệu quả hơn nữa sức mạnh tổng hợp của toàn Vùng.

Qua đó có thể thấy, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông nhằm tạo động lực thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Vùng là cần thiết.

Thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ

Vùng Đông Nam Bộ có địa hình rộng, đa dạng, thuận lợi phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, xây dựng hệ thống giao thông - vận tải. Các tỉnh, thành trong vùng liên kết, tiếp giáp với nhiều vùng khác, như Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long; biển Đông, kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; Campuchia.

Vùng có diện tích 23.551 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước, dân số hơn 19 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước, trong đó có hơn 15 triệu người ở khu vực đô thị, tỷ lệ đô thị hóa hơn 67%, cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội và cao hơn nhiều tỷ lệ đô thị hóa bình quân chung của cả nước trong năm 2023 (Tổng cục Thống kê, 2023). Vùng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước với vùng động lực TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu. Tốc độ tăng trưởng ở Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 đến nay duy trì trung bình 7-8% mỗi năm. Năm 2023, Vùng đóng góp khoảng 1/3 GDP, hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước, 4/6 địa phương trong Vùng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (Tổng cục Thống kê).

Tính đến tháng 1/2024, Vùng đã thu hút gần 20.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký khoảng 183 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng số dự án FDI và khoảng 38% vốn FDI vào Việt Nam. Tính đến tháng 7/2024, TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu trong thu hút FDI với tổng số vốn đăng ký đạt gần 1,55 tỷ USD, chiếm gần 8,6% tổng vốn đầu tư cả nước (trong đó số dự án mới chiếm 38,8% và góp vốn mua cổ phần chiếm gần 71,5% tổng số dự án). Đứng thứ hai là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tiếp trong 7 tháng đầu năm 2024 đã vượt lên dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với số vốn đăng ký cấp mới hơn 1.533 triệu USD (20 dự án), vượt qua số vốn thu hút trong cả năm 2023. Thu hút các dự án FDI vào các khu công nghiệp Đồng Nai vượt kế hoạch đề ra trong năm 2024 với số vốn đạt 834 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2024.

Với tiềm năng phát triển lớn, là cửa ngõ quốc tế với vai trò, vị trí chiến lược quan trọng về mọi mặt, Vùng đã đạt được kết quả phát triển kinh tế- xã hội tích cực trong nhiều năm qua. Để khai thác có hiệu quả các lợi thế của Vùng trong thu hút FDI nhằm duy trì và phát triển mạnh mẽ kinh tế trong Vùng, yếu tố cơ sở hạ tầng giao thông là một trong những mắt xích đặc biệt quan trọng.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Vùng về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, tạo hiệu ứng lan tỏa cho các địa phương trong Vùng và các vùng lân cận; từng bước tiến đến mục tiêu “hoàn thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng khung kết nối vùng và liên vùng, bao gồm khoảng 850km đường bộ cao tốc, các tuyến đường sắt kết nối vùng, đường sắt đô thị, các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển quốc tế, các cảng hàng không, đường thủy nội địa…” đề ra tại Quyết định số 370/QĐ-TTg. Hệ thống giao thông đường bộ đang ngày càng hoàn thiện, đã và đang xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc, đường vành đai và đường ven biển.

Về hạ tầng giao thông đường bộ: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực Đông Nam bộ đang đối mặt với tình trạng quá tải, thiếu kết nối đồng bộ trong khi nguồn lực đầu tư chỉ đạt được khoảng 25-27% so với nhu cầu theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Do đó, một trong những ưu tiên hàng đầu của Vùng là đầu tư mới hoặc nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai nhằm gia tăng kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông toàn khu vực. Hiện tại, các tỉnh trong Vùng đang triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng. Ngoài các tuyến quốc lộ vẫn được coi là trục giao thông chính, nhiều tuyến giao thông trọng điểm quốc gia đã được xây dựng và ngày càng mở rộng, giảm bớt tình trạng quá tải về giao thông, đáp ứng nhu cầu giao thương không chỉ của các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ, kết nối các địa phương với TP.Hồ Chí Minh – vùng lõi, mà còn kết nối với các địa phương thuộc các vùng lân cận. Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây kết nối 3 tỉnh Bình Thuận – Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh, giảm tải cho quốc lộ 1. Đến 2030, một số tuyến cao tốc tiếp tục được khởi công xây dựng gồm Biên Hòa – Vũng Tàu (Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu), Dầu Giây – Liên Khương kết nối Đồng Nai với Lâm Đồng, Cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một (Bình Dương) – Chơn Thành (Bình Phước) – Gia Nghĩa (Đăk Nông), TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài (Tây Ninh), Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Ngoài ra, các địa phương trong Vùng còn đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh; Cầu; Đường ven biển và hệ thống đường vành đai…góp phần nâng cấp về cơ sở hạ tầng giao thông cho toàn Vùng.

Về hạ tầng giao thông đường hàng không: Giao thông hàng không của Vùng chiếm hơn 700.000 tấn/ tổng lưu lượng hàng không quốc tế, chiếm hơn 1 triệu tấn/tổng lưu lượng hàng không nội địa cả nước. Tuy nhiên, hiện tại Vùng Đông Nam Bộ chỉ có duy nhất một sân bay là Sân Bay Tân Sơn Nhất nên tình trạng quá tải trong nhiều năm dẫn đến hệ lụy về chất lượng dịch vụ, mất an toàn an ninh. Dự án sân bay Long Thành được thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 đang được triển khai theo 3 giai đoạn, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2035 sẽ tạo thuận tiện hơn cho vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường hàng không.

Về hạ tầng giao thông đường thủy: Vùng Đông Nam Bộ là trung tâm cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, đảm nhận hơn 60% khối lượng hàng container và 45% tổng khối lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Hiện nay, hệ thống cảng biển của Vùng gồm có cảng cửa ngõ quốc tế (loại IA) Bà Rịa - Vũng Tàu; cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I) TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương là cảng biển địa phương (loại II) và 6 luồng hàng hải công cộng đang hoạt động. Cụm cảng biển lớn nhất cả nước là Tân Cảng Cát Lái và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với đa dạng các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và hệ thống kho bãi. Nhiều cảng biển trong Vùng đã được triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch đồng bộ hiện đại; nhiều luồng sông được cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên hạ tầng kết nối cảng biển lại chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến làm tăng chi phí vận tải, logistics: Trung tâm phân phối còn phân bổ rời rạc; Hoạt động gắn với dịch vụ vận tải cảng biển chưa được quan tâm đầu tư đúng mức (Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải, 2021); Vận tải thủy nội địa của Vùng có năng lực xếp dỡ thấp, sử dụng công nghệ bốc xếp lạc hậu, hệ thống cầu bến thô sơ.

Về hạ tầng giao thông đường sắt: Với nhiều lợi thế về chi phí, thời gian thông quan, trung gian chung chuyển hàng hóa, liên vận quốc tế, giao thông đường sắt vẫn đóng vai trò quan trọng, tạo động lực tăng trưởng cho Vùng. Hiện tại, nhiều tuyến đường sắt trong Vùng đang được nâng cấp; các dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên, Bến Thành-Tham Lương được đẩy nhanh tiến độ; tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa -Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành, Bàu Bàng – Mộc Bài đang được nghiên cứu để triển khai. Vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần (Bình Dương) được khởi động từ đầu năm 2024 sang Hà Nam (Trung Quốc) đã mở ra cơ hội phát triển vận tải đường sắt đến nhiều thị trường quốc tế. Hệ thống đường sắt đô thị tại TP. Hồ Chí Minh dự kiến tăng thêm 183 km đường sắt vào năm 2030 đưa năng lực vận tải công cộng của đường sắt đô thị chiếm 15-20%. Tuy nhiên, Vùng Đông Nam Bộ vẫn thiếu tuyến đường sắt quốc gia nối từ các trung tâm công nghiệp xuống các cụm cảng (cảng biển lớn, cảng cạn, cảng thủy nội địa), kết nối các khu kinh tế, khu du lịch,… và kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia.

Bên cạnh những nỗ lực của các địa phương trong Vùng và những kết quả, thành công đã đạt được, Vùng Đông Nam Bộ vẫn được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng do vẫn còn những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông của Vùng.

Thứ nhất, thiếu liên kết trong quy hoạch và định hướng phát triển của các địa phương; thiếu liên kết trong quản lý, điều hành của các địa phương, đồng thời không có cơ chế hiệu quả cho quản trị vùng; chưa đầu tư mạnh mẽ, cơ chế quản lý cho các dự án hạ tầng trọng điểm liên kết Vùng; nhiều dự án, mạng lưới kết cấu hạ tầng nội vùng và liên vùng còn thiếu, chưa hoàn thiện cũng như chưa đồng bộ, chênh lệch về phát triển giữa các địa phương trong vùng chưa được rút ngắn; liên kết trong vùng vẫn còn hạn chế, chưa thực chất và hiệu quả.

Thứ hai, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Vùng đang đối mặt với tình trạng quá tải. Cụ thể, hướng hàng không - bay Tân Sơn Nhất thì đang quá tải. Các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh chưa hoàn chỉnh; tiến trình xây dựng đường sắt đô thị tại TP.Hồ Chí Minh còn chậm nên chưa giải quyết triệt để được ùn tắc giao thông nội đô... Đây là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp, kìm hãm việc thu hút vốn đầu tư cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Vùng.

Thứ ba, nhiều dự án hạ tầng giao thông đang chậm tiến độ và chậm tiến độ giải ngân. Trong điều kiện một số dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, gặp khó khăn, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thủ tục cấp mỏ vật liệu xây dựng chưa được xử lý dứt điểm, điều kiện thời tiết bất lợi cuối năm... là những yếu tố tiềm ẩn thách thức đối với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2024.

Thứ tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông chưa đa dạng tập trung chủ yếu vẫn là ngân sách nhà nước dễ dẫn đến tình trạng thiếu vốn đầu tư nhất là trong bối cảnh Vùng đang khát vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông như hiện nay. Việc kêu gọi các nguồn vốn khác để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết và cần có cơ chế, các giải pháp đột phá để thu hút nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Giải pháp phát triển hạ tầng giao thông Vùng tạo động lực thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao

Thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông vùng tạo động lực thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, cần chú trọng các giải pháp sau:

Thứ nhất, quy hoạch mạng lưới đường bộ thông qua các phương thức khác nhau: (i) Về việc phát triển hạ tầng hàng không Đông Nam Bộ cần tiếp tục nâng cao khả năng phục vụ và giải quyết quá tải, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho vùng này. Vùng sớm đưa vào khai thác nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, dự án Sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (dự kiến hoàn thành vào năm 2026) và các cải tiến tại Cảng hàng không Côn Đảo; (ii) Vùng cần tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng cảng biển để hình thành trung tâm logistic hiện đại nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu, giao thương và du lịch khu vực, đồng thời tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển kinh tế bền vững của Đông Nam Bộ; (iii) Quy hoạch, nâng cấp và khai thác hiệu quả đường sắt Vùng. Quy hoạch và nâng cấp hệ thống đường sắt Vùng đang được đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và tối ưu hóa mạng lưới giao thông. Một trong những điểm trọng yếu là việc nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam và khu đầu mối TP. Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa và hỗ trợ phát triển kinh tế vùng.

Thứ hai, nâng cấp, cải tạo, phát triển mạng lưới hạ tầng. Về đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, quản lý đô thị, nghiên cứu, thực hiện đầu tư có trọng tâm trọng điểm các đô thị có khả năng chống chịu, giảm phát thải, đô thị xanh, thông minh, có bản sắc và hoàn thiện hạ tầng đô thị.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Tiếp theo đó là việc tăng cường rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo về mâu thuẫn của các quy định pháp luật. Đồng thời, cần tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, gắn cải cách hành chính với xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến chuyển đổi số; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế gắn kết các hình thức nhượng quyền hoặc cho phép tư nhân tham gia kinh doanh cơ sở hạ tầng để tạo nguồn thu tái đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng mới. Việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có nhu cầu vốn lớn, lợi nhuận không cao, thời gian hoàn vốn kéo dài. Do đó, cần xem xét một số chính sách, giải pháp tạo sự hấp dẫn cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thứ năm, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Đẩy nhanh lộ trình thực hiện quy hoạch khi có đủ nguồn lực, trường hợp huy động được nguồn lực, cho phép triển khai sớm hơn đối với các dự án đã có trong quy hoạch, không phụ thuộc thời kỳ quy hoạch. Huy động, sử dùng vốn viện trợ để lập dự án tiền khả thi, dự án khả thi đối với các dự án kêu gọi đầu tư để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư.

Thứ sáu, phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, quy định rõ trách nhiệm của địa phương về công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Hoàn thiện thể chế, chính sách, ban hành Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó giao cho địa phương được tham gia đầu tư các tuyến quốc lộ, cao tốc trên địa bàn; phân quyền địa phương quản lý hạ tầng giao thông đô thị.

Thứ bảy, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để xây dựng hạ tầng giao thông thông minh, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng hệ sinh thái mới để thúc đẩy phát triển. Chính sách kêu gọi đầu tư kiên định thu hút đầu tư có chọn lọc các doanh nghiệp có công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, ưu tiên kinh tế số, kinh tế xanh nhằm tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế -xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần phát triển hệ sinh thái mới, vươn tầm quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 7/2024 của TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước;
  2. Tổng cục Thống kê, Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 7/2024;
  3. Thy Hang (2023), Logistics Vùng Đông Nam Bộ (Bài 1): Nhiều điểm nghẽn “kìm chân”, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng An Giang, http://tbtagi.angiang.gov.vn/logistics-vung-dong-nam-bo-bai-1-nhieu-diem-nghen-kim-chan-95868.html;
  4. Lê Hoàng (2024), Để giữ vị thế, Vùng cần tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, Kinh tế Sài Gòn Online, https://thesaigontimes.vn/de-giu-vi-the-vung-dong-nam-bo-can-tai-cau-truc-mo-hinh-tang-truong/;
  5. Lê Quân (2024), các tỉnh Đông Nam Bộ chọn dự án FDI nhỏ nhưng chất lượng, báo Đầu tư Online, https://baodautu.vn/cac-tinh-dong-nam-bo-chon-du-an-fdi-nho-nhung-chat-luong-d217196.html.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2024