Phát triển hệ sinh thái công nghệ tài chính tại Việt Nam

Đỗ Hữu Khánh - Lớp CQ59/06.02CLC, Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính

Trên thế giới, các hệ sinh thái công nghệ tài chính đã góp phần thúc đẩy các phát minh công nghệ thông tin, phát triển thị trường tài chính, cải thiện các hệ thống tài chính - ngân hàng và tăng cường trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, ở Việt Nam, mặc dù công nghệ tài chính đã là xu hướng rõ nét nhưng còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Bài viết phân tích bức tranh toàn cảnh công nghệ tài chính và đưa ra một số luận điểm giúp cho việc xây dựng hệ sinh thái công nghệ tài chính vững mạnh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Các yếu tố cơ bản của hệ sinh thái công nghệ tài chính

Công nghệ tài chính (Fintech) là việc áp dụng các công nghệ, đổi mới, sáng tạo và hiện đại cho lĩnh vực tài chính, nhằm mang tới cho khách hàng các giải pháp/dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống (Patrick, 2016).

Các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp của Fintech bao gồm và liên quan đến thanh toán kỹ thuật số, cho vay số, đầu tư số, tiền số, bảo hiểm số (insurtech), các dịch vụ tài chính ngân hàng số khác. Những sản phẩm, dịch vụ và giải pháp này được phát triển trong hệ sinh thái Fintech với các chủ thể gồm Chính phủ, các định chế tài chính truyền thống, khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính, các công ty phát triển công nghệ, và các công ty khởi nghiệp Fintech (Lee và Shin, 2018).

Ba thành tố quan trọng nhất của một hệ sinh thái Fintech bao gồm: Môi trường kinh doanh/ Khả năng tiếp cận thị trường; Chính phủ hỗ trợ pháp lý và khả năng tiếp cận vốn.

Môi trường kinh doanh/khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp

Hệ sinh thái Fintech quốc gia cần tạo ra một lợi thế về chi phí cho doanh nghiệp Fintech, thể hiện thông qua các ưu đãi về thuế, về nhân lực, công nghệ, thiết bị và cơ sở vật chất phải đáp ứng được nhu cầu và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Một yếu tố quan trọng khác là khả năng tích hợp và hiệp đồng của các doanh nghiệp Fintech. Chất lượng của các hạ tầng như: đường xá, ga tàu, mạng viễn thông... sẽ đóng góp lớn đến lợi thế chi phí cho doanh nghiệp Fintech, từ đó tăng cường khả năng phát triển của hệ sinh thái.

Chính phủ hỗ trợ pháp lý

Cơ quan quản lý luôn luôn có sức ảnh hưởng lớn đến tất cả mọi mặt của hệ sinh thái thông qua các chính sách quản lý và điều phối của mình. Vai trò của Chính phủ đối với hệ sinh thái Fintech bao gồm: Người ra chính sách; Nhà kiểm soát và điều phối; Nhà phát triển (các nghiệp vụ, tiêu chuẩn, hạ tầng…); Nhà cung cấp dịch vụ (các dịch vụ thiết yếu).

Khả năng tiếp cận vốn

Thông qua việc nâng cao khả năng tiếp cận vốn, các chủ thể có thể tăng cường đầu tư và tích cực hoạt động trên các nền tảng công nghệ nghệ tài chính: (1) Các cơ quan quản lý có thể đầu tư xây dựng các trung tâm tài chính (Fintech hub) thông qua các quỹ đầu tư khởi nghiệp, khoản vay không hoàn lại hay ưu đãi lãi suất; (2) Các quỹ đầu tư, vườn ươm khởi nghiệp là các nhà đầu tư truyền thống của thị trường Fintech. (3) Các dịch vụ kêu gọi vốn cộng đồng (Crowndfunding) hay cho vay ngang hàng cũng là một kênh kêu gọi vốn hấp dẫn cho doanh nghiệp Fintech.

Phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam thời gian qua

Thị trường Fintech đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam mang lại tiềm năng thị trường lớn cho các công ty công nghệ hỗ trợ ngân hàng số, thanh toán kỹ thuật số, blockchain và tiền điện tử. Quy mô thị trường Fintech Việt Nam xét về giá trị giao dịch được dự báo sẽ tăng từ 34,50 tỷ USD vào năm 2023 lên 63,87 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ CAGR là 2,91% trong giai đoạn 2023-2028. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, thị trường Fintech tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD vào năm 2024, tăng gấp 4 lần so với 4,5 tỷ USD năm 2016 (Nhuệ Mẫn, 2023).

Hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech của Việt Nam có thể được chia thành 5 ngành chính: Thanh toán điện tử, Cho vay, WealthTech (Quản lý tài sản), InsurTech (Công nghệ bảo hiểm) và Neobank (Ngân hàng thế hệ mới).

Thanh toán điện tử vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong các hoạt động đầu tư

Với tốc độ tăng trưởng nhanh của thị trường thương mại điện tử và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao của thị trường Việt Nam, trong số tất cả 5 lĩnh vực, thanh toán kỹ thuật số vẫn là lĩnh vực thu hút được số lượng các công ty khởi nghiệp và các khoản đầu tư nhiều nhất. Tại Việt Nam, thời gian qua, thị trường ví điện tử đã chứng kiến tốc độ phát triển nhanh chóng. Cụ thể, giai đoạn 2018-2023, số lượng và giá trị giao dịch thông qua ví điện tử liên tục đạt mức tăng trưởng hai con số, với tốc độ hàng năm lần lượt là 80,4% và 83,5%. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 11 tháng đầu năm 2023, thanh toán qua kênh điện thoại di động nói chung đạt gần 7,13 tỷ giao dịch với giá trị hơn 49,4 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 61,1% về số lượng và 11,7% về giá trị. Theo nền tảng dữ liệu Statista (Đức), năm 2022, Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về lượng ví điện tử, sau Indonesia và Philippines.

Cho vay - một lĩnh vực hấp dẫn khác đối với các nhà đầu tư

Với dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng Internet cao, trong những năm gần đây, cho vay thay thế (đặc biệt là cho vay ngang hàng peer-to-peer lending) là một loại hình hấp dẫn khác đối với các nhà đầu tư vì tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra, năm 2022 chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt không chỉ giữa các công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ hay tổ chức ngân hàng, mà còn cả các công ty tài chính tiêu dùng như FE Credit và HomeCredit.

Lĩnh vực quản lý tài sản thu hút đầu tư đáng kể

Trong năm 2022, hoạt động đầu tư vào phân khúc này ngày càng trở nên sôi động hơn về cả số lượng và giá trị thương vụ đầu tư. Các thương vụ đầu tư nổi bật trong năm vừa qua thuộc về các doanh nghiệp như Fin hay, Anfin, Infina, Tititada, với tổng số vốn huy động được lên tới 36,5 triệu USD. Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện tại có xu hướng nhìn xa hơn và lên kế hoạch cho tương lai tài chính của họ một cách rõ ràng hơn. Thêm vào đó, thế hệ trẻ đã và đang được giáo dục tốt hơn về quản lý tài sản kỹ thuật số. Những yếu tố này cho thấy một tín hiệu tích cực rằng những dự án khởi nghiệp (startup) đó có thể thu hút được lượng khách hàng rộng lớn hơn trong tương lai.

InsurTech có nhiều dư địa để phát triển

Insurtech được hình thành từ hai cấu phần: thị trường bảo hiểm và trình độ công nghệ ứng dụng trong toàn ngành. Cả hai yếu tố này hiện tại ở Việt Nam đều đang nhỏ hơn rất nhiều so với các thị trường mới nổi khác trong khu vực, với doanh thu từ các sản phẩm công nghệ bảo hiểm chỉ chiếm 2-3% tổng doanh thu thị trường bảo hiểm vào năm 2022. Trong đó, Papaya, The Bank, Medici là những công ty có đóng góp nổi bật trong phân khúc.

Sự trỗi dậy của Neobank vẫn là tâm điểm chú ý trong những năm tới

Neobank là một loại ngân hàng kỹ thuật số, không có phòng giao dịch, không có bất kỳ chi nhánh và thường không liên kết với bất kỳ ngân hàng truyền thống nào. Thay vì hiện diện thực tế tại một địa điểm cụ thể, neobanking hoàn toàn trực tuyến. Tại Việt Nam, quá trình số hóa các ngân hàng diễn ra còn chậm, khả năng tiếp cận kỹ thuật chưa cao cùng với số lượng người dùng chưa sử dụng ngân hàng vẫn còn lớn. Tất cả những nguyên nhân này đang tạo ra dư địa cho Neobank phát triển. Một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp đáng chú ý trong lĩnh vực này là FinFan - Neobank với các giải pháp tối ưu từ “Nền tảng chuyển tiền xuyên biên giới (Cross Border Money Movement Platforms)” cho đến các dịch vụ thanh toán hóa đơn, đầu tư và cho vay.

Một số đề xuất khuyến nghị

Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng việc phát triển Fintech tại Việt Nam cũng gặp phải nhiều hạn chế:

Thứ nhất, vấn đề pháp lý. Các chính sách, cơ chế, chính sách thường xuyên thay đổi, thiếu đồng bộ, thiếu mạch lạc; Không có quy định nào về hoạt động Fintech (dạng sandbox - thử nghiệm có kiểm soát) được công bố; Thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn chung;

Thứ hai, vấn đề dữ liệu. Fintech hiện không có cơ sở dữ liệu nhận dạng cá nhân quốc gia. Dữ liệu kinh doanh còn phân tán, thiếu tính cập nhật, thống nhất và đồng bộ;

Thứ ba, vấn đề an ninh và an ninh mạng: Rủi ro an ninh mạng ở mức cao và khó kiểm soát, đặc biệt là rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, bảo mật dữ liệu, quản lý thông tin khách hàng, tấn công mạng, hack tài khoản... đe dọa đến sự lành mạnh và ổn định của hệ thống tài chính, trong khi nhận thức và giải pháp đối phó Fintech vẫn còn hạn chế.

Từ việc phân tích, đánh giá thực trạng, xu hướng phát triển, tác giả đưa ra những khuyến nghị sau để thúc đẩy sự phát triển của Fintech tại Việt Nam trong thời gian tới:

Về phía Nhà nước

Với những điều kiện hiện tại của thị trường Fintech Việt Nam, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường này cần sớm có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ và thực chất của Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành, trong đó việc hoàn thiện về khung pháp lý là một vấn đề hết sức cấp thiết. Nhà nước cần xây dựng đầy đủ và đồng bộ các quy định về hoạt động, dịch vụ Fintech: (1) Quy định về các sản phẩm, dịch vụ Fintech như thông tin về sản phẩm, các tiêu chuẩn về sản phẩm và đánh giá tín nhiệm các đơn vị tham gia trên thị trường, các chuẩn mực quản trị rủi ro nhằm đảm bảo tính minh bạch và sự an toàn trong việc cung ứng sản phẩm; (2) Quy định về cơ chế quản lí, giám sát đối với Fintech; (3) Ban hành các tiêu chuẩn, quy định về vấn đề chia sẻ và bảo mật dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng, dịch vụ tài chính xuyên biên giới, an toàn hệ thống tài chính; (4) Xây dựng các quy định về liên kết, hệ sinh thái giữa ngân hàng, công ty Fintech công ty công nghệ thông tin lớn, bên thứ 3 và các chuỗi cửa hàng, trang thương mại điện tử; (5) Có cơ chế khuyến khích đào tạo nhân lực, thu hút nhân lực chất lượng cao cho phát triển Fintech; Hưởng lợi từ sự hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế như: ADB, WB... và hợp tác song phương với các cơ quan quản lý các nước để trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích trong việc quản lý các công ty Fintech.

Về phía các doanh nghiệp Fintech

Các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, công ty dịch vụ thanh toán, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, trường đại học... cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nắm bắt xu hướng phát triển Fintech trên thế giới hiện nay và tham khảo các mô hình Fintech được sử dụng trên toàn cầu và áp dụng phù hợp vào thực tế.. Tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ, ưu tiên nghiên cứu phát triển công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như công nghệ Blockchain (chuỗi khối), trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây... Đẩy mạnh liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ để hỗ trợ, tư vấn trong đầu tư, lựa chọn sản phẩm, công nghệ đầu tư, phần mềm đầu tư ứng dụng hiệu quả cho doanh nghiệp. Việc công ty đầu tư vào công nghệ Big Data (dữ liệu lớn), P2P Lending (mô hình cho vay ngang hàng), nhận dạng số, công nghệ Blockchain... sẽ trở thành nền tảng hạ tầng quan trọng cho sự phát triển của Fintech. Ngoài ra, các công ty Fintech cần có những giải pháp đào tạo cụ thể để phát triển nhân lực trong lĩnh vực này.:

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Trung Anh (2019), Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, chuyên đề Tin học Ngân hàng số 5/2019, https://tapchinganhang.gov.vn/he-sinh-thai-Fintech-tai-viet-nam.htm;
  2. Nhuệ Mẫn (2023). Fintech Việt: Cơ hội lớn nếu sớm có “Sandbox”, Đầu tư chứng khoán;
  3. Lee, In and Shin, Yong Jae (2018), Fintech: Ecosystem, business models, investment decisions, and challenges, Business Horizons;
  4. Patrick Schueffel (2016), Taming the Beast: A Scientific Definition of Fintech, Journal of Innovation Management, 4(2016) 32-54;
  5. You-Kyung, Lee (2021), Impacts of Digital Technostress and Digital Technology SelfEfficacy on Fintech Usage Intention of Chinese Gen Z Consumers, Basel Vol. 13, Iss. 9, (2021): 5077.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2024