Phát triển kinh tế- xã hội 4.0: Chương trình hành động vượt thách thức
Ngày 11/1, Diễn đàn Kinh tế lần thứ hai do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức diễn ra tại Hà Nội, với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018: Hướng tới phát triển nhanh và bền vững”.
Đây là diễn đàn quan trọng khi có sự góp mặt của các lãnh đạo cao cấp Đảng, Chính phủ cùng các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước. Những thành công, thách thức sẽ được nhận diện, cũng như những hiến kế hóa giải sẽ được nêu ra tại diễn đàn.
Cải thiện môi trường kinh doanh
2017 là năm hiếm hoi 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế đều đạt và vượt kế hoạch Quốc hội đề ra. Có rất nhiều nguyên nhân góp phần tạo nên kết quả ấn tượng này, trong đó đặc biệt là sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh: vươn lên vị trí 68/190, tăng 14 bậc so với năm 2016 và tăng 23 bậc so với năm 2015 (đạt vị trí 91/189)… Mức tăng bậc và điểm xếp hạng về chỉ số này của Việt Nam là thành tích đạt được cao nhất kể từ năm 2010 đến nay. Điều đáng phấn khởi, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2017 đã lần đầu tiên được cộng đồng quốc tế đánh giá có sự cải thiện vượt bậc, khi so sánh với Trung Quốc trong cùng kỳ. Nếu vào năm 2015, môi trường kinh doanh của Việt Nam bị tụt 6 bậc xếp hạng so với Trung Quốc, đến năm 2017 Việt Nam vượt qua Trung Quốc tới 10 bậc xếp hạng.
Đây cũng là lần đầu tiên trong hơn một thập niên qua, điểm số xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam (đạt 67,17 điểm) được đánh giá cao hơn khi so sánh với Trung Quốc (đạt 65,29 điểm) trong cùng kỳ. Còn theo Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng từ 4,31 năm 2016 lên 4,4 năm 2017. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 và tăng 20 bậc so với 5 năm trước đây.
Tiến triển vượt bậc trong môi trường kinh doanh năm 2017 là kết quả từ những nỗ lực, quyết tâm bền bỉ của Chính phủ trong những năm qua. Đó là sự quyết tâm chính trị cao, song hành với nỗ lực nâng cao năng lực quản trị nhà nước của Chính phủ theo hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp (DN).
Bên cạnh đó là sự đồng loạt hưởng ứng tinh thần cải cách của Chính phủ của các bộ, ngành bằng các chính sách và hành động cụ thể, như cải cách các quy định và thủ tục về thuế, hải quan; nâng cao chất lượng hệ thống thông tin tín dụng; bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người vay và người cho vay…
Một số tổ chức uy tín quốc tế cũng đã đưa ra các dự báo tích cực về triển vọng cho nền kinh tế Việt Nam năm 2018. Theo Ngân hàng ANZ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 sẽ đạt 6,8% và tỷ lệ lạm phát ở mức 3,5%, tỷ giá hối đoái VNĐ so với USD ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tăng trưởng cao.
Còn HSBC dự báo nền kinh tế Việt Nam có thể chuyển đổi từ trạng thái “tăng trưởng cao, lạm phát thấp” sang trạng thái “tăng trưởng ổn định, lạm phát cao”, nhưng tỷ lệ lạm phát được dự báo cũng chỉ tăng ở mức 3,7%. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo hướng tích cực hơn, với 6,7% năm 2018 thay cho dự báo 6,3% và 6,5% trước đó.
Nỗ lực hóa giải yếu kém
Nỗ lực hóa giải yếu kém
Trong thời gian sắp tới, nền kinh tế có thể sẽ chịu tác động tiêu cực từ những xu thế toàn cầu. Những xung đột địa chính trị, xu hướng bảo hộ, giá dầu và giá nguyên nhiên liệu trên thế giới tăng, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) lần thứ 3 tăng lãi suất do nền kinh tế nước này đã phục hồi vững chắc hơn.
Tuy nhiên, với niềm tin nền kinh tế đang được củng cố, môi trường kinh doanh được cải thiện và nguồn lực phân bổ hiệu quả hơn, tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô về ngắn hạn sẽ tương đối khả quan, dù có những cú sốc tiêu cực từ bên ngoài. Vấn đề quan trọng hơn trong thời gian tới là thiết kế các chính sách, giải pháp và hành động để giải quyết các vấn đề, thách thức của nền kinh tế nhằm tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững.
Trong vài năm gần đây sau thời kỳ suy thoái toàn cầu, Việt Nam đã phục hồi đà tăng trưởng ngoạn mục. Nhưng xu thế giảm mức tăng năng suất lao động vẫn tồn tại và gây quan ngại. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đạt 4% và có xu thế đi xuống. Trong khi đó tỷ lệ năng suất lao động của Trung Quốc trên 7%, Hàn Quốc là 5% khi các nước này còn ở cùng trình độ phát triển như hiện nay của Việt Nam. Tốc độ tăng năng suất lao động như hiện nay khó có thể đảm bảo tăng trưởng cho Việt Nam theo kịp quỹ đạo tăng trưởng của Hàn Quốc hay Singapore.
Ông OUSMANE DIONE,
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam
Thứ nhất, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, cho dù tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia và 36,5% của Thái Lan.
Mỗi lao động Việt Nam chỉ có năng suất bằng 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines và đặc biệt chỉ bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. Điều đáng lo hơn cả là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.
Thực tế này cũng được đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam lưu ý trong bài phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016.
Thứ hai, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt về mặt số lượng (đạt 96,5% số DN được cổ phần hóa), nhưng trên thực tế chỉ khoảng 8% số vốn trong các DNNN được cổ phần hóa, chuyển giao cho khu vực tư nhân. Điều này cũng có nghĩa khu vực tư nhân tham gia bộ máy quản trị, thiết kế chiến lược sản xuất, kinh doanh DNNN còn hạn chế, vì thế hiệu quả chậm cải thiện.
Thứ ba, xây dựng năng lực để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) còn chậm, ảnh hưởng mạnh mẽ lên nền kinh tế nước ta. Đảng và Chính phủ đã nhận thức được tầm quan trọng, cũng như hiểu rõ cơ hội và thách thức có thể mang lại. Tuy nhiên, nỗ lực chuẩn bị và triển khai nâng cao năng lực nội tại để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức còn chậm.
Thứ tư, sự kết nối giữa DN FDI và DN trong nước thiếu chặt chẽ, nên dù thu hút được Samsung đầu tư nhưng chưa tạo nên hiệu ứng lan tỏa tích cực về công nghệ và tạo ra năng lực sản xuất cho nền kinh tế trong tương lai. Hơn nữa, lợi ích các DN FDI mang lại chưa tương xứng với những ưu đãi Nhà nước dành cho khu vực này, đặc biệt hiệu ứng ngoại lai tiêu cực một số DN FDI gây ra thậm chí còn rất lớn (nhất là về mặt bảo vệ môi trường).
Định hướng chính sách
Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020 và giai đoạn xa hơn, điều đầu tiên là ưu tiên tiếp tục thiết lập nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, vì đây chính là “điều kiện cần”. Chính sách tiền tệ cũng cần hướng tới mục tiêu lạm phát như đã đề ra.
Cụ thể, để duy trì tỷ lệ lạm phát 4%, tổng phương tiện thanh toán (M2) có thể tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 15%) tùy thuộc vào các cú sốc kinh tế bên trong và bên ngoài. Ngoài ra, chính sách tiền tệ cũng cần hướng tới đảm bảo tính thanh khoản trên thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát tốt dòng tín dụng vào nền kinh tế để nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu, giám sát dòng tín dụng đi vào DNNN hoặc DN tư nhân lớn, giám sát hiệu quả hoạt động của các dự án có sử dụng vốn vay lớn.
Trong khi đó, chính sách tài khóa cần tiếp tục hướng tới việc giảm thâm hụt ngân sách, giảm dần nợ công và nợ nước ngoài. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Chính phủ cần quyết tâm thực hiện ràng buộc ngân sách cứng, giao trách nhiệm cho người đứng đầu dự án hay cơ quan chủ quản; và khi dự án thiếu hiệu quả, Chính phủ có thể cho phá sản thay vì cấp vốn để dự án tiếp tục hoạt động.
Định hướng tiếp theo là tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, như nâng cao năng lực quản trị nhà nước hiện đại và tăng cường ứng dụng quản trị số trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và DN; ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin vào cải thiện mục tiêu khởi sự kinh doanh và giải quyết phá sản DN ngay từ đầu năm 2018…
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới, đặc biệt các nước trong khu vực đang có những chiến lược, chương trình hành động thiết thực để vượt lên thách thức và nắm bắt cơ hội của CMCN 4.0, điều tra, nghiên cứu đánh giá nhằm xác định rõ Việt Nam đang ở đâu trong CMCN 4.0. Từ đó, rút kinh nghiệm quốc tế, đề xuất kế hoạch hành động phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến.
Vấn đề cốt lõi của định hướng chính sách là đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN triệt để hơn và phải có sự thay đổi lớn về chất. Nghĩa là tập trung vào cổ phần hóa về vốn, cho phép sự tham gia của khu vực tư nhân sâu rộng hơn nữa vào bộ máy quản trị trong các DN đã cổ phần hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chủ động thiết kế cơ chế mời gọi các nhà đầu tư chiến lược có khả năng nâng cao năng lực và hiệu quả của DNNN sau khi cổ phần hóa thay vì chỉ hướng đến mục tiêu bán vốn.
Môi trường kinh doanh đóng vai trò xương sống cho sự phát triển ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Các chính sách tạo dựng niềm tin, cải thiện môi trường kinh doanh để giảm chi phí giao dịch, đồng thời các chính sách khuyến khích sự phát triển của khu vực DN, thúc đẩy đầu tư và mở rộng sản xuất. Để duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian tới, vấn đề quan trọng hơn là thiết kế các chính sách, giải pháp và hành động để giải quyết các thách thức.
GS.TS NGUYỄN QUANG THUẤN