Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh ở Việt Nam
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh là xu hướng tất yếu làm thay đổi bức tranh nền nông nghiệp Việt Nam. Thời gian qua, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn. Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam, bài viết đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh thời gian tới.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh
Theo Quyết định số 176/QĐ-TTG ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 thì nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh là nền nông nghiệp sử dụng công nghệ cao, tiên tiến trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có chất lượng, năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.
Như vậy, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.
Nội hàm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh được thể hiện: (1) Kết hợp các tầng công nghệ tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp hàng hoá; (2) Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh là sản phẩm hàng hoá mang tính đặc trưng của từng vùng sinh thái; (3) Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh diễn ra theo một chu trình khép kín.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh ở Việt Nam
Kết quả đạt được
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2023, cả nước có 6 khu, 18 vùng, 290 doanh nghiệp, 2.000 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, góp phần vào tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh đã tạo ra số lượng hàng hóa lớn với chất lượng cao, đồng đều, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương và quốc gia, đồng thời, tạo thêm công ăn việc làm cho một bộ phận dân cư và cơ hội khởi nghiệp cho doanh nghiệp trên cơ sở hình thành các thị trường sản phẩm có giá trị gia tăng mới. Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, tiêu biểu như:
Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh có 14 nhà đầu tư với giá trị sản lượng sản xuất hàng năm tăng trưởng cao, trung bình cả giai đoạn đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm. Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, thông minh đã triển khai gần 500 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp cùng hàng trăm kết quả nghiên cứu được chuyển giao, áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Hàng năm, sản xuất và cung cấp hơn 50 tấn hạt giống (bầu, bí, ớt, cà tím, dưa leo); khoảng 250.000 cây gieo ươm 11 loại (bầu, bí, ớt); hơn 1 triệu cây giống và cung cấp khoảng 460.000 cây giống các loại (dendrobium, mokara, hồ điệp). Sản xuất hơn 50.000 con cá cảnh các loại (cá ông tiên, cá neon, cá chép Koi, cá dĩa, cá xiêm); cung cấp khoảng 400.000 bịch phôi nấm các loại (nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm mối đen) cho thị trường. Các cây, con giống cung cấp ra thị trường được đánh giá có tính đồng đều, sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, có năng suất và chất lượng tốt.
Tại tỉnh Lâm Đồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh luôn được Tỉnh định hướng gắn liền với hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Ủy ban nhân dân Tỉnh công nhận các vùng đạt tiêu chí làm nền tảng cho việc nhân rộng sản xuất, tạo bước đột phá để tăng năng suất lao động cũng như năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, Tỉnh có 08/21 vùng được công nhận đạt tiêu chí vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh với diện tích 1.640,61 ha/tổng quy mô 6.168 ha của 19 vùng sản xuất trồng trọt, 13.850 con bò sữa/tổng quy mô 36.460 con bò sữa của 02 vùng chăn nuôi. Các vùng đã được công nhận gồm: 02 vùng hoa 308 ha tại phường 5 và phường 12, Đà Lạt; 02 vùng rau 285 ha xã Lạc Lâm và Lạc Xuân - Đơn Dương; Vùng sản xuất chè 376 ha xã Lộc Tân - Bảo Lâm;Vùng sản xuất sầu riêng 300 ha tại xã Hà Lâm - Đạ Huoai; vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao 371,61 ha xã Đinh Lạc, huyện Di Linh và Vùng chăn nuôi bò sữa xã Tu Tra và xã Đạ Ròn - Đơn Dương quy mô 13.850 con. Hiệu quả của phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh đã góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích toàn tỉnh đạt 234 triệu đồng/ha, trong đó sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh ước đạt bình quân trên 463 triệu đồng/ha, tỷ trọng giá trị sản xuất chiếm 45% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt.
Hải Dương hiện có 28 ha nhà màng, nhà lưới kết hợp tưới nước và bón phân tự động, bán tự động sản xuất dưa lưới, rau ăn lá, hoa. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất đạt khoảng 1 - 3 tỷ đồng/ha/năm (cao gấp 10 - 30 lần so với trồng lúa, 15 lần so với trồng rau thông thường), lợi nhuận trung bình đạt 550 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, có khoảng 540 ha rau màu chuyên canh ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả kinh tế 10 - 30% và tiết kiệm khoảng 55% nước so với phương pháp tưới truyền thống. Diện tích thủy canh không dùng đất 0,5 ha, chủ yếu là các loại rau xà lách, cải. Toàn Tỉnh cũng có 802 trang trại chăn nuôi, trong đó có 650 cơ sở (80%) đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh (chăn nuôi khép kín tự động, bán tự động, có hệ thống làm mát tự động, đệm lót sinh học, nuôi an toàn sinh học,...), 122 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh đang là hướng đi quan trọng để tỉnh Hải Dương thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Hạn chế, khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế, khó khăn:
Một là, vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng phát triển. Thực tế ở nước ta hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp mới chỉ đáp ứng được 55%-60% yêu cầu, hiệu quả đầu tư lại không cao. Theo Tổng cục Thống kê (2023) số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ với số vốn dưới 5 tỷ đồng, chiếm dưới 65%. Thiếu vốn đầu tư đang là một rào cản không nhỏ đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh ở nước ta.
Hai là, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập. Năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính là 14,1 triệu người, chiếm 27,0%, còn 38,0 triệu lao động chưa qua đào tạo (Tổng cục Thống kê, 2023). Trình độ thấp kém của người lao động đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận với khoa học và công nghệ hiện đại. Trong khi đó, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa bám sát yêu cầu của thực tế cuộc sống.
Ba là, kết cấu hạ tầng so với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh vẫn còn khoảng cách khá xa. Hệ thống đường nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp hiện đại, là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp khi muốn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh ở các khu vực có hạ tầng kém phát triển.
Giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh ở Việt Nam
Từ thực trạng trên, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đầu tư hệ thống hạ tầng cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh. Trên cơ sở hệ thống giao thông đã được đầu tư, cải tạo, cần rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống giao thông phù hợp với các vùng, địa phương. Đổi mới cơ chế đầu tư xây dựng giao thông nội đồng theo hướng hỗ trợ cho các khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh. Ưu tiên các vùng, địa bàn có thể hình thành khu, vùng, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung hóa, như vậy sẽ tiết kiệm về chi phí đầu tư, khuyến khích, thu hút các chủ đầu tư và các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh.
Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, tăng cường ứng dụng công nghệ cao và quy trình sản xuất tiên tiến để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Có cơ chế chính sách, biện pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu công lập và tư nhân, thúc đẩy hướng dẫn và chuyển giao kết quả nghiên cứu giúp nông dân áp dụng vào thực tiễn. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhập khẩu công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, hộ dân trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời thực hiện tốt bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra hiệu quả cao, mức độ ứng dụng lớn trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh. Cụ thể là quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng, nhất là những trường đại học có thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Tạo mối liên kết với các nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học mở các lớp đào tạo ngắn hạn, tập huấn nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp cho cán bộ quản lý khoa học và công nghệ, cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật, nhân lực của doanh nghiệp, người quản lý, kỹ thuật viên hợp tác xã, tổ hợp tác.
Thứ tư, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh. Đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh cần nhiều vốn hơn so với nông nghiệp truyền thống. Để huy động nguồn vốn trong nước, bên cạnh các chính sách phát triển thị trường vốn đã ban hành, cần hoàn thiện chính sách đầu tư tín dụng cho nông nghiệp theo hướng vừa tuân thủ các quy luật thị trường, vừa coi trọng quản lý vĩ mô của Nhà nước. Có chính sách ưu đãi rõ ràng đối với những chương trình đầu tư của các tổ chức kinh tế kể cả doanh nghiệp, tư nhân trong và ngoài nước vào nông nghiệp, phục vụ xuất khẩu. Ưu tiên các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi và kỳ hạn trả nợ phù hợp. Rà soát, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển nông nghiệp. Cải thiện môi trường đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng độ hấp dẫn đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh bằng những ưu đãi tạo động lực mạnh mẽ hơn.
Tài liệu tham khảo:
- Tổng cục Thống kê (2023), Tình hình thị trường lao động việt nam năm 2023;
- Tổng cục Thống kê (2024), Bức tranh tăng trưởng năm 2023 và triển vọng phát triển kinh tế năm 2024;
- Hội đồng Lý luận Trung ương (2023), Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng: Kết quả và một số vấn đề đặt ra, https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-o-lam-dong-ket-qua-va-mot-so-van-de-dat-ra.html;
- Đỗ Hương (2023), Nông nghiệp công nghệ cao: Không thể sản xuất theo phong trào, https://baochinhphu.vn/nong-nghiep-cong-nghe-cao-khong-the-san-xuat-theo-phong-trao-102231112135655086.htm
- Nguyễn Thủy (2023), Nơi dẫn dắt nông nghiệp công nghệ cao cả nước, https://nongnghiep.vn/noi-dan-dat-nong-nghiep-cong-nghe-cao-ca-nuoc-d350605.html;
- Phan Thị Huê (2023), Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam: Khó khăn và triển vọng, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 26, tháng 9/2023.