Tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, minh bạch về bảo hiểm bắt buộc


Việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng là cần thiết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất và minh bạch về bảo hiểm bắt buộc.

Cần rà soát, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 16/6/2022 tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023), bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội, bao gồm: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001, Chính phủ quy định cụ thể về nguồn thu, mức thu, chế độ quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy. Trong tình hình các vụ cháy lớn thường xuyên xảy ra, để tăng cường hỗ trợ trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, việc quy định về tỷ lệ chi từ các nguồn thu cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy là cần thiết để đảm bảo phù hợp với thực tiễn triển khai.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 89 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được hình thành từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Bộ Tài chính cho biết, mặc dù đã được rà soát, sửa đổi toàn diện (năm 2021 theo Nghị định số 03/2021/NĐ-CP đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới) hoặc sửa đổi, bổ sung (năm 2021 đối với bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 97/2021/NĐ-CP; năm 2022 đối với bảo hiểm bắt buộc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng theo quy định tại Nghị định số 20/2022/NĐ-CP) nhưng vẫn cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về bảo hiểm bắt buộc trong điều kiện thực tiễn thị trường bảo hiểm vận động, phát triển một cách thường xuyên, liên tục và quy định pháp luật liên quan trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cháy, nổ và đầu tư xây dựng thời gian qua cũng tiếp tục được các cơ quan chức năng rà soát, hoàn thiện.

Do đó, việc rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định hiện nay về bảo hiểm bắt buộc, bảo đảm sự phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu thực tiễn thị trường là cần thiết.

Tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất và minh bạch

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Dự thảo Nghị định kế thừa các nội dung chính sách theo các quy định pháp luật hiện hành nhằm kịp thời quy định chi tiết, bảo đảm Luật Kinh doanh bảo hiểm có thể thi hành được ngay, nhanh chóng đi vào thực tiễn kể từ thời điểm có hiệu lực thực hiện (1/1/2023) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc hợp nhất hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành về bảo hiểm bắt buộc nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất và minh bạch cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Dự thảo Nghị định tiếp tục hoàn thiện các nội dung chính sách, đơn giản hóa các trình tự, thủ tục, giấy tờ trong tổ chức, triển khai thực hiện các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, góp phần tăng cường tỷ lệ bao phủ, bảo đảm thực hiện mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội của bảo hiểm bắt buộc.

Theo Bộ Tài chính, Việt Nam đã tham gia hai tổ chức thương mại, kinh tế đa phương; ký kết và thực thi 16 hiệp định tự do thương mại. Do vậy, nội dung dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng tương thích với các cam kết quốc tế. Theo đó, đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam và doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài; đảm bảo nguyên tắc mở rộng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp bảo hiểm và bảo vệ cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.

Dự thảo Nghị định cũng sẽ đảm bảo nguyên tắc minh bạch hoá về chính sách và tiếp cận thị trường. Sau khi dự thảo Nghị định này được Chính phủ thông qua sẽ được công bố công khai theo quy định pháp luật và áp dụng thống nhất tại Việt Nam.

PV.