Phía sau những con số "nhảy múa"’ trên báo cáo tài chính
Sự chênh lệch lớn giữa số liệu lợi nhuận trên báo cáo tài chính tự lập và sau kiểm toán gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào tính minh bạch của doanh nghiệp niêm yết. Việc này xuất phát từ sai sót vô tình hay còn nguyên nhân nào khác?
Mùa công bố báo cáo tài chính (BCTC) bán niên 2022 tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp “đổi màu” sau soát xét. Trong đó, chiếm đa số là trường hợp lãi giảm, một số giảm sâu, thậm chí có doanh nghiệp còn chuyển từ lãi thành lỗ cùng với doanh nghiệp bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động.
Lãi thành lỗ sau kiểm toán
Điển hình như trường hợp của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS). Cụ thể, sau soát xét, BCTC bán niên năm 2022 cho thấy lợi nhuận sau thuế (LNST) của SHS nửa đầu năm âm 68,2 tỷ đồng, giảm 649 tỷ đồng so với cùng kỳ là 580,8 tỷ đồng, trong khi BCTC tự lập có mức lãi gần 32,2 tỷ đồng.
Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã loại cổ phiếu SHS khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ (margin) và cắt margin từ ngày 23/8.
Tương tự, sau soát xét, CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (MAC) cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 18% so với cùng kỳ, đạt hơn 36,7 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 4,4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 5,4 tỷ đồng), trong khi báo cáo tự lập lãi gần 130 triệu đồng. Qua đó, nâng tổng lỗ lũy kế đến ngày 30/6/2022 lên hơn 30 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại BCTC soát xét bán niên 2022 của MAC, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến kết quả hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa công ty với CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Motachi.
Đơn vị kiểm toán cũng lưu ý trong kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6/2022, doanh nghiệp tiếp tục bị lỗ hơn 4,4 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 3,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại ngày 30/6, MAC đang có lỗ lũy kế hơn 30 tỷ đồng. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Bên cạnh các doanh nghiệp chuyển từ lãi thành lỗ, sau soát xét, nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận âm nặng hơn.
Chẳng hạn như CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) công bố LNST bán niên sau kiểm toán âm 95,2 tỷ đồng, tăng 4,4 so với con số âm 90,8 tỷ đồng trong báo cáo tự lập (cùng kỳ lãi 133 tỷ đồng). Đồng thời, Nhà Đà Nẵng cũng bị đơn vị kiểm toán cho ý kiến ngoại trừ.
Ngoài ra, HNX cũng thêm cổ phiếu NDN vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ và cắt margin từ ngày 22/8.
Hay như LNST 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (TCK) sau soát xét cũng tăng từ mức âm 400 triệu đồng trong báo cáo tự lập lên âm hơn 700 triệu đồng. Qua đó, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến ngày 30/6/2022 lên tới hơn 336 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán cũng đưa ra loạt vấn đề nhấn mạnh và nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Có mức giảm nhẹ hơn sau soát xét là trường hợp của CTCP Thương mại Hà Tây (HTT) với mức lỗ ròng 7,4 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập chỉ lỗ 6 tỷ đồng.
Ảnh hưởng tới tính minh bạch
Thực tế, tình trạng chênh lệch lớn giữa số liệu lợi nhuận trên BCTC tự lập và sau kiểm toán luôn nóng bỏng mỗi mùa BCTC kiểm toán được công bố, được đánh giá một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới tính minh bạch của thị trường chứng khoán (TTCK).
Bởi BCTC là một trong những tài liệu quan trọng làm căn cứ đánh giá về tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp, làm căn cứ xác định giá trị cổ phiếu trước khi ra quyết định của nhà đầu tư. Vì vậy, không có gì là lạ khi thị giá cổ phiếu luôn biến động theo các con số mà doanh nghiệp công bố. Trên TTCK vẫn có giai đoạn chờ “ăn sóng” BCTC trong mùa kiểm toán.
Các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cho rằng, việc chênh lệch số liệu BCTC trước và sau kiểm toán có thể do vô tình sai sót, nhưng cũng có thể do cố tình gian lận số liệu trên báo cáo tự lập. Điều này được hiểu là một trong những bước đệm cho việc thao túng giá cổ phiếu.
Cụ thể, hành vi thay đổi số liệu kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đạt một mục tiêu nào đó của nhà quản lý như để phát hành cổ phiếu, huy động vốn vay, hoặc vì lợi ích cá nhân của nhà quản lý.
TTCK Việt những năm qua ghi nhận đà phát triển mạnh mẽ, thông qua số lượng gia tăng doanh nghiệp niêm yết và giá trị các giao dịch kinh tế. Tuy nhiên, chất lượng BCTC vẫn là một vấn đề gây lo ngại cho nhà đầu tư, với các vụ gian lận được phát hiện ra như Bông Bạch Tuyết, Dược Viễn Đông, Gỗ Trường Thành... và gần đây nhất là vụ việc Trịnh Văn Quyết cùng các bị can và các cá nhân có liên quan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) và các công ty có liên quan.
Kết quả điều tra cho thấy, Trịnh Văn Quyết cùng những người thân tín đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của CTCP Xây dựng Faros. Sau khi 430 triệu cổ phiếu lên sàn chứng khoán, nhóm này đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hành lang pháp lý về kế toán, kiểm toán tại Việt Nam còn nhiều kẽ hở, chưa có chế tài xử phạt khi có sai sót trong BCTC tự lập, thậm chí là sai sót trọng yếu và doanh nghiệp chỉ bị yêu cầu giải trình, song không ít giải trình chỉ mang tính chất “cho có”.
Điều này có thể dẫn đến tâm lý "nhờn luật" của doanh nghiệp, lợi dụng để công bố thông tin "đẹp" nhằm các mục đích thoái vốn, tăng vốn... trước khi được kiểm toán điều chỉnh lại. Và thực tế, có những doanh nghiệp thường xuyên có sự điều chỉnh số liệu sau kiểm toán.
Từ đó sẽ gây ra xáo trộn trên TTCK và nếu không sớm được khắc phục, xử lý sẽ làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào tính minh bạch của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của TTCK.
Do vậy, để giảm thiểu sai sót trên BCTC của các doanh nghiệp niêm yết, một số ý kiến cho rằng, cần có chế tài xử phạt tài chính đối với các lãnh đạo có vai trò và trách nhiệm. Trong trường hợp cố ý, cần thực hiện các thủ tục hình sự với những cá nhân có trách nhiệm liên quan, từ đó mới có thể tạo ra mức răn đe, tạo tính minh bạch cho thị trường.