Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: “Ngành Tài chính cần chủ động xây dựng phương án ứng phó trong tình hình mới”

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngày 4/7/2014, Bộ Tài chính tổ chức “Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2014, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 của ngành Tài chính". Tham dự Hội nghị có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung Ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính; đại diện các Bộ Ban ngành; đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố tại các điểm cầu… Đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung Ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tới tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài chính đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, thể hiện trên một số mặt công tác chính như: Công tác xây dựng chính sách, pháp luật tài chính; Tình hình triển khai thực hiện các giải pháp tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Thực hiện dự toán thu, chi NSNN 6 tháng đầu năm 2014…Cụ thể, thu NSNN đạt 413,56 nghìn tỷ đồng, đạt 52,8% dự toán, tăng 15,8% mức thực hiện cùng kỳ năm 2013; Chi NSNN ước đạt 492,37 nghìn tỷ đồng, bằng 48,9% dự toán, tăng  8,8% so với cùng kỳ; Về cân đối ngân sách, bội chi NSNN ước 78,81 nghìn tỷ đồng, bằng 35,2% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.

Hội nghị đã được nghe một số ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo địa phương  tại các điểm cầu và tại Hội nghị:  TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nam, Hưng Yên, Đắc Lắc…Đại diện các địa phương đã báo cáo tóm tắt về kết quả đạt được trong công tác tài chính – ngân sách tại địa phương mình cũng như đề xuất, kiến nghị tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách…trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, theo đánh giá của Chính phủ, ngành Tài chính đã đóng góp rất quan trọng vào những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và toàn xã hội, ngành Tài chính đã chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung và đạt được kết quả khả quan. Các hoạt động tài chính - ngân sách đã có những tiến bộ vượt bậc so với năm 2013, tạo được sự chủ động trong điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng của cả nước. Đây là những kết quả hết sức quan trọng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn bộ các cấp ngành Tài chính.

Phó Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ tài chính - ngân sách của ngành Tài chính thực hiện trong 6 tháng cuối năm không chỉ là nhiệm vụ của 6 tháng mà còn tiếp tục trong năm 2015-2016 và cũng là những nhiệm vụ mang  tính dài hạn.

Cũng theo nhận định của Phó Thủ tướng, mặc dù ngành Tài chính đạt được những kết quả quan trọng như vậy nhưng dự báo vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh của DN, số DN giải thể còn cao, khả năng tiếp cận vốn của DN, tăng trưởng tín dụng thấp; Thiên tai, biến đổi khí hậu khắc nghiệt và  những tác động tiêu cực tới kinh tế của Việt Nam từ việc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vừa qua…

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: “Ngành Tài chính cần chủ động xây dựng phương án ứng phó trong tình hình mới” - Ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn

Trước những khó khăn thách thức, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, ngành Tài chính cần đánh giá lại NSNN 2014; dự báo các nguồn lực; dự kiến công tác điều hành NSNN từ nay đến cuối năm 2014. Các địa phương chủ động dự phòng ngân sách để giải quyết tình huống phát sinh trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính tham mưu cho các cấp ủy chính quyền địa phương, Chính phủ để xây dựng phương án ứng phó các tình huống phát sinh, đặc biệt phải chủ động trong quan hệ  kinh tế thương mại với Trung Quốc.

Riêng về vấn đề quản lý nợ công, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Ngành Tài chính cần quản lý chặt chẽ nợ công. Hiện nay, nợ công vẫn an toàn không phải chỉ là tỷ lệ, vẫn trả được nợ, cơ cấu nợ tốt. Nhưng về lâu dài thì cần phải thận trọng vì thu NSNN khó nên phải hạ tỷ lệ động viên để khuyến khích doanh nghiệp. Ngành phải mạnh dạn lên các phương án vay trả nợ công báo cáo các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Quan trọng là phải sử dụng nguồn vốn vay thật hiệu quả”.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính cần tập trung đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong đó, Phó Thủ tướng đề nghị chủ động kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấp hành kỷ cương kỷ luật ngân sách; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và DN; Tăng cường quản lý thị trường giá cả, kiên quyết lộ trình giá thị trường. Phó Thủ tướng cho rằng công tác quản lý giá xăng dầu, giá sữa trong thời gian qua là rất tốt, tiến tới sẽ vận hành theo thị trường hoàn toàn đối với giá xăng dầu, than, điện, dịch vụ công; Xây dựng kế hoạch kinh tế- xã hội 2015 theo hướng tích cực, đúng thời hạn.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tin tưởng, với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ngành Tài chính cũng như các địa phương, toàn ngành sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm 2014, tạo tiền đề cho triển khai kế hoạch tài chính - ngân sách của năm 2015.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, toàn ngành Tài chính sẽ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2014. Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan Tài chính địa phương không được chủ quan trong quản lý thu, tăng cường chống thất thu, phấn đấu hoàn thành thu ở mức cao nhất, có phương án ứng phó thích hợp với tình hình mới.