Phòng vệ thương mại: Đâu phải công cụ riêng của “nhà giàu”

Theo daibieunhandan.vn

Sau hơn 10 năm triển khai pháp luật về phòng vệ thương mại, doanh nghiệp trong nước mới đóng vai trò nguyên đơn trong 6 vụ việc và tất cả đều là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn hoặc thống lĩnh thị trường. Phòng vệ thương mại hiện mới chỉ là công cụ của “nhà giàu” - doanh nghiệp lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

10 năm có 6 vụ việc

Số liệu do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, chỉ có khoảng 22% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã tìm hiểu về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nước ngoài. Trong đó, số doanh nghiệp tìm hiểu “tương đối kỹ/là bên liên quan” chỉ chiếm 1,89%. Số doanh nghiệp “không biết” chiếm 15,09%, còn lại là “có nghe nói nhưng không biết sâu”. Hơn 56% doanh nghiệp “không biết hoặc không có thông tin” việc hàng hóa nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh về giá tại Việt Nam, nên không thấy có nguy cơ phải dùng đến các công cụ phòng vệ thương mại. Ngay trong trường hợp cần sử dụng công cụ này, khả năng huy động nguồn lực để đi kiện của doanh nghiệp cũng rất hạn chế khi 86% doanh nghiệp cảm thấy khó khăn; 41% doanh nghiệp “hoàn toàn không thể đáp ứng về nhân lực”...

Những con số này phần nào lý giải vì sao đến nay, sau hơn 10 năm triển khai pháp luật về phòng vệ thương mại, doanh nghiệp trong nước mới đóng vai trò nguyên đơn ở 6 vụ việc. Điểm chung đáng chú ý là nguyên đơn đều xuất phát từ những tập đoàn, doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, thống lĩnh thị trường (thấp nhất chiếm 38,6% thị phần - vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài năm 2015; cao nhất là 100% thị phần - vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với dầu thực vật năm 2012). Nói theo cách của Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập VCCI Nguyễn Thị Thu Trang, phòng vệ thương mại dường như mới chỉ là “công cụ của nhà giàu”.

Hiện, các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là công cụ hiệu quả nhằm giảm áp lực hàng nhập khẩu đối với các ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc sử dụng các biện pháp này sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thuế, tạo cơ hội cho các ngành sản xuất trong nước trưởng thành, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa quốc tế. Nắm bắt được xu thế này, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn nộp đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh thừa nhận, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mặn mà với điều này. Bằng chứng là khi Cục Công khai thông tin đang điều tra vụ việc thông qua trang điện tử đề nghị doanh nghiệp liên quan gửi ý kiến thì “hầu như không thấy gì”. Đến khi áp dụng biện pháp tự vệ doanh nghiệp mới phản ứng.

Chỉ “nhà giàu” mới cần “khóc”?

Bên cạnh hạn chế về năng lực, tài chính, nhận thức và chưa quan tâm thỏa đáng tới phòng vệ thương mại, theo các chuyên gia, ý thức cộng đồng của các doanh nghiệp còn yếu cũng là rào cản trong thực thi. Điều tra của VCCI cho thấy: 71% doanh nghiệp cho rằng khó tập hợp lực lượng để thực hiện phòng vệ thương mại. Trong đó, lý do “không có liên hệ với doanh nghiệp cùng ngành” chiếm 9,89%; 7,69% cho rằng vì “lợi ích mâu thuẫn khó thuyết phục”; 53,85% cho rằng “doanh nghiệp nhỏ, không có tác động tới doanh nghiệp khác”. Sự thiếu liên kết này đang là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hàng hóa nước ngoài xâm nhập thị trường nội địa mạnh mẽ như hiện nay.

Từ thực tế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thời gian qua đặt ra vấn đề: phải chăng chỉ “nhà giàu” mới cần “khóc”? Theo các chuyên gia, điều này không đúng. Vẫn còn nhiều khả năng doanh nghiệp phải sử dụng đến công cụ phòng vệ thương mại ở các mặt hàng trứng gia cầm, giấy in, ống gang đúc, bột nhựa, tôn, đùi gà, tỏi… - những lĩnh vực thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia. Do đó, trong trường hợp các mặt hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong nước thì việc sử dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ sản phẩm, doanh nghiệp trong nước là cần thiết.

Rõ ràng, phòng vệ thương mại không phải việc riêng của các tập đoàn lớn, nhưng làm gì để cụ thể hóa điều này? Hơn lúc nào hết, ngoài sự tự thân của các doanh nghiệp thì vai trò của các hiệp hội ngành hàng càng cần được chú trọng. Bởi đó là kênh kết nối các doanh nghiệp; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp tới cơ quan quản lý; huy động, tập hợp lực lượng khi cần đấu tranh chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh thông qua việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại. “Một cây làm chẳng nên non”, hội nhập kinh tế không thể có chỗ cho sự tồn tại đơn lẻ!