“Phủ sóng” xăng sinh học
Sau những ngày đầu tiên xăng sinh học E5 Ron 92 được bán trên toàn quốc, lượng tiêu thụ đã tăng lên đáng kể. Nhưng vẫn còn những vấn đề đặt ra trong quản lý, sản xuất và kinh doanh mặt hàng này để quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm.
Ðường chạy dài
Tính tới thời điểm ngày 1/1/2018, khi xăng sinh học E5 Ron 92 chính thức được bán đại trà trên cả nước, Quyết định 53/2012/QÐ-TTg về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống đã có hơn 5 năm để chuẩn bị. Còn nếu tính từ khi Ðề án Phát triển nhiên liệu sinh học được phê duyệt với Quyết định 177/2007/QÐ-TTg vào năm 2007 thì quãng đường để nhiên liệu sinh học có mặt tại Việt Nam đã tròn 10 năm.
Nhưng dẫu có thời gian chạy đà dài như vậy thì tâm lý của người tiêu dùng đối với xăng sinh học E5 Ron 92 vẫn có những băn khoăn nhất định. Ðiều này thể hiện trong thực tế khi theo Quyết định 53/2012/QÐ-TTg, thời điểm phủ sóng xăng E5 Ron 92 trên toàn quốc là từ năm 2015. Tuy nhiên, phải tới đầu năm 2018, tức là sau 3 năm, lộ trình này mới được hiện thực hóa như kế hoạch đặt ra.
Ðáng nói là vào tháng 10/2017 - trước khi E5 Ron 92 phủ sóng đại trà cả nước, tại Hội thảo nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững được tổ chức, bài tham luận của ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu có cho hay, khi xăng khoáng Ron 92 và xăng sinh học E5 Ron 92 cùng được bán song song thì tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 Ron 92 chỉ bằng 9% tổng lượng tiêu thụ xăng khoáng. “Việc thay đổi tập quán và nhận thức của người tiêu dùng với xăng sinh học luôn là vấn đề nan giải với các cơ quan chức năng từ trước tới nay, nhất là khi chênh lệch giữa giá bán lẻ của xăng E5 Ron 92 và xăng khoáng Ron 92 không đủ để hấp dẫn họ”, ông Ruệ nhấn mạnh.
Tuy không có bất cứ lời giải thích nào được đưa ra nhưng thực tế chênh lệch giữa giá xăng khoáng Ron 95 trên thị trường và giá xăng sinh học E5 Ron 92 trong lần điều chỉnh giá xăng gần đây nhất cũng cho thấy, kinh tế đang trở thành mấu chốt để xăng sinh học E5 “phủ sóng” theo kế hoạch.
Lựa chọn kinh tế
Khi câu chuyện nhiên liệu sinh học được đặt ra vào năm 2007 cũng là thời điểm giá dầu thế giới đang bon bon leo lên đỉnh cao 145 USD/thùng hồi tháng 7/2008 hay dao động ở khoảng 80-90 USD/thùng trong năm 2011, khiến cho nhiên liệu sinh học trở nên quan trọng để giảm trị giá đắt đỏ của dầu lửa. Tuy nhiên tới cuối năm 2015, khi mà giá dầu tụt dốc thê thảm xuống dưới 30 USD/thùng, nhiên liệu sinh học lại không được quan tâm mặn mà, bởi giá thành ethanol nhiên liệu của các nhà máy không cạnh tranh được với xăng khoáng.
Dẫu vậy ở khía cạnh khác, nhiên liệu sinh học được kỳ vọng là một trong các giải pháp để giúp giảm phát thải khí nhà kính khi giảm bớt sử dụng xăng khoáng, bên cạnh việc cải tiến hiệu suất động cơ, sử dụng các dạng nhiên liệu có thể tái tạo được để vận hành động cơ.
Hiện nhiên liệu sản xuất ethanol chủ yếu là từ sắn và năng lực sản xuất ethanol của 5 nhà máy hiện có là 500 triệu lít ethanol/năm được cho là quá thừa thãi để pha vào xăng khoáng Ron 92. Dẫu vậy, hai nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học tại Dung Quất và Bình Phước, đều có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các thành viên, vốn phải nằm đắp chiếu thời gian qua vì không có đầu ra, vẫn chưa quay lại vận hành để sản xuất ethanol tinh khiết tới 99,9% ngay tại Việt Nam.
Về phía người tiêu dùng, tính kinh tế cũng được quan tâm hàng đầu bởi xăng là một trong những mặt hàng thiết yếu, tác động ít nhiều tới cuộc sống hằng ngày. Trong thời gian dài trước đây, khi xăng sinh học E5 Ron 92 mới chỉ phủ sóng tại 7 thành phố lớn, chênh lệch giữa bán xăng E5 Ron 92 với xăng khoáng Ron 92 là không lớn, cỡ 200-300 đồng/lít. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, sau khi xăng khoáng Ron 92 đã chấm dứt bán, thị trường chỉ cung cấp xăng E5 Ron 92 và xăng khoáng Ron 95, người tiêu dùng bắt buộc phải có sự lựa chọn.
Theo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), sản lượng xăng E5 Ron 92 bán ra từ giữa tháng 12-2017 đã tăng mạnh, đạt khoảng 600-650 m3/ngày, gấp tới 2,5 lần so với trước khi thay thế E5 Ron 92 cho Ron 92. PV Oil hiện đứng thứ 2 về thị phần trên thị trường xăng dầu với 540 cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu và 3.000 cửa hàng đại lý. Còn Petrolimex, với 5 điểm phối trộn xăng E5 ở Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ từ cuối năm 2014 và sẽ có thêm hai điểm phối trộn xăng sinh học tại Bình Ðịnh, Nghệ An trong nửa đầu năm 2018 sẽ có thể cung cấp 1,8 triệu m3 xăng E5 Ron 92/năm.
Mặc dù nguồn cung nhiên liệu sinh học nằm trong tầm tay các doanh nghiệp đầu mối, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại sử dụng xăng sinh học có ảnh hưởng gì đến động cơ hay không. Cụ thể, trong xăng sinh học có cồn, nên nếu hàm lượng cồn lớn có thể xảy ra khả năng tách lớp giữa xăng và cồn khi nhiệt độ môi trường thấp hoặc do thời gian tồn trữ dài, dẫn tới hiện tượng xe để lâu ngày khó nổ.
Ngoài ra nếu sử dụng cồn không tinh khiết (cồn tinh khiết để pha vào xăng phải đạt hàm lượng từ 99,5% trở lên) cũng khiến xe dễ bị chết máy. Nếu cồn có độ thấp hơn sẽ dẫn tới bị ngậm nước, gây đóng cặn và hư hại động cơ. Do đó, “cần bảo đảm chất lượng sản phẩm, không để xăng kém chất lượng lọt vào lưu thông”, như kiến nghị của ông Hùng cũng là một đòi hỏi đặt ra đối với các cơ quan chức năng. Việc giám sát hiệu quả và minh bạch chất lượng xăng dầu là tất yếu nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng khi thị trường, giờ đã không có nhiều lựa chọn.
Ðại diện Bộ Công thương cho biết, theo ước tính của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, qua 3 ngày đầu năm 2018, sản lượng tiêu thụ chuyển từ xăng Ron 92 sang xăng E5 Ron 92 trên cả nước chiếm trung bình khoảng 60%. Ðặc biệt tại Hà Nội, theo báo cáo của Tổng công ty xăng dầu Quân đội, Công ty cổ phần Xăng dầu dầu khí Hà Nội, sản lượng tiêu thụ xăng E5 Ron 92 đạt khoảng 180-200% so với lượng tiêu thụ xăng Ron 95.