Phục hồi khu công nghiệp cần cơ chế nhanh, hiệu quả

Theo Phương Thanh/diendandoanhnghiep.vn

Doanh nghiệp khu công nghiệp cần các nhóm giải pháp quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu, đổi mới mô hình kinh doanh sản xuất trong tình hình bình thường mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19, nhưng các doanh nghiệp khu công nghiệp tại các tỉnh thành phía Nam vẫn cố cầm cự duy trì sản xuất. Trong tình thế này lãnh đạo các Hiệp hội khu công nghiệp, khu chế xuất đang nỗ lực trong kế hoạch xây dựng các giải pháp ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp, níu chân các doanh nghiệp FDI ở lại khu công nghiệp.

Thực hiện thu hút doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư không chỉ là mục tiêu của khu công nghiệp mà còn là chiến lược của mỗi quốc gia trong công cuộc mở cửa hội nhập, thu hút đầu tư, thúc đẩy khả năng tăng trưởng nền kinh tế.

Chia sẻ tới Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết: Dù đang bị dịch bệnh hoành hành, nhưng trong 9 tháng qua doanh nghiệp nước ngoài vẫn đầu tư vào Việt Nam lên tới 22 tỷ USD. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm Mỹ vẫn đầu tư vào Khu công nghệ cao là 475 triệu USD. Trong đó tổng số vốn đổ vào Công ty Intel Products Việt Nam lên 1,5 tỷ USD và cam kết tiếp tục đầu tư 2,6 tỷ USD trong giai đoạn tới. Nguồn vốn này đã góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của các khu chế xuất lên đến 2 tỷ USD và riêng Khu công nghệ cao đạt trên 16 tỷ USD trong 8 tháng qua.

Tuy nhiên do ảnh hưởng bới dịch bệnh COVID-19, các nhà đầu tư tại các thành phố công nghiệp như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đang rất cần các cơ chế trong ngắn hạn để vực dậy sản xuất và giải quyết khó khăn trước mắt do dịch bệnh tác động.

“Các doanh nghiệp, nhất là FDI của Khu công nghệ cao rất cần Việt Nam kết nối chuyến bay từ Mỹ, Nhật và một số nước ASEAN để đón nhà đầu tư và chuyên gia vào làm việc tại Việt Nam. Đồng thời đưa các đoàn kỹ thuật viên Việt Nam đi đào tạo, tập huấn tại nước ngoài. Hơn nữa doanh nghiệp lúc này cần các ngân hàng thương mại có chính sách cho vay và giảm mạnh lãi suất trên tổng dư nợ cho các doanh nghiệp nhằm vực dậy sản xuất kinh doanh đầu tư, xuất nhập khẩu, kể cả tái cấu trúc doanh nghiệp”– ông Bé đề xuất.

Nhóm giải pháp và mục tiêu trọng điểm

Chia sẻ về các nhóm giải pháp cần thiết đối với khu công nghiệp, khu kinh tế đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh: 

Thứ nhất, chúng ta phải triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung xử lý các điểm nghẽn, ách tắc với phương châm sớm nhất, hiệu quả nhất để giảm tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp.

Thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ ba là các điạ phương cần khẩn trương xây dựng và công bố ngay chương trình phục hồi kinh tế và kế hoạch mở cửa trong tình hình mới, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn, không để lây lan dịch bệnh.

Trong dài hạn, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất 4 nhóm giải pháp: 

Một là, thúc đẩy cơ chế mở, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, phát triển mô hình “một cửa” tại chỗ gắn với vai trò các ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Hai là đối với các địa phương, cần rà soát và kiện toàn cơ quan quản lý Nhà nước tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó triệt để phân cấp, uỷ quyền cho các ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để nhanh chóng triển khai các thủ tục đầu tư để tạo điều kiện cho doanh ngiệp sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ba là với 400 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao của các nước với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ USD và với hơn 4 triệu công nhân viên. Do đó rất cần nhóm giải pháp về hành lang pháp lý rõ ràng, cần sớm ban hành “Luật về các Khu công nghiệp, Khu Kinh tế” nhằm chắp cánh, khơi dậy nguồn lực trong xã hội, sớm thực hiện sự nghiệp “Công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước”.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai các chương trình về phục hồi kinh tế sau dịch đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng. Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang khẩn trương trình Chính phủ xem xét ban hành: Chương trình phục hồi kinh tế đến năm 2023, trong đó có nhóm các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi với trọng tâm hướng tới 4 mục tiêu chính. Đó là: Bắt kịp và tận dụng cơ hội từ xu hướng phục hồi nhanh của các nền kinh tế lớn trên thế giới; Thúc đẩy cải cách cơ cấu và nâng cao hiệu lực, hiệu quả, sức cạnh tranh nội tại của nền kinh tế để chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài; Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện 3 đột phá chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và cuối cùng là hỗ trợ việc làm, dịch chuyển cơ cấu lao động, nâng cao năng lực bền vững cho doanh nghiệp và người lao động.