Quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp: Ngày càng thực chất
Thời gian qua, ngành Hải quan đã và đang tích cực triển khai công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - DN. Đến nay công tác này đã cơ bản đi vào nề nếp và nhận được sự quan tâm ủng hộ từ nội bộ cơ quan Hải quan, từ cộng đồng DN và các bên liên quan.
Nhiều thỏa thuận hợp tác được kí kết
Kết quả từ sự hợp tác giữa cơ quan Hải quan với Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam trong năm qua là một điển hình cho mối quan hệ đối tác Hải quan-DN. Theo Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, năm 2017, đơn vị đã chủ trì tổ chức 7 cuộc họp định kì giữa hai bên nhằm tiếp nhận, xử lý các vướng mắc của các DN thành viên Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam. Đã có khoảng 20 vấn đề được các DN nêu ra, đã được giải quyết trong và sau các cuộc họp định kì.
Cũng trong thời gian qua, cơ quan Hải quan các cấp đã xây dựng quan hệ đối tác thường xuyên với nhiều hiệp hội DN, DN và chi hội. Cho đến nay, toàn Ngành đã ký kết 52 văn bản hợp tác với 52 hiệp hội DN, DN và chi hội, trong đó cấp Tổng cục ký 10 văn bản hợp tác với hiệp hội DN bao gồm cả Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF). Các cục hải quan tỉnh, thành phố ký được 145 văn bản thỏa thuận, quy chế phối hợp với các DN, hiệp hội trên địa bàn. Các hoạt động hợp tác thường xuyên do cơ quan Hải quan các cấp chủ động xây dựng, tổ chức và mời hiệp hội DN tham gia, tập trung vào các nội dung: Tham vấn xây dựng chính sách pháp luật; tiếp nhận giải quyết vướng mắc, phản ánh kiến nghị từ DN, hiệp hội; đề nghị tham gia các cuộc khảo sát đánh giá của cơ quan Hải quan (như khảo sát sự hài lòng khách hàng, khảo sát tình hình thực hiện cam kết phục vụ khách hàng, khảo sát xây dựng nội dung giao diện chuyên mục đối tác hải quan DN...). Thông qua các hoạt động hợp tác thường xuyên này đã góp phần đưa cơ quan Hải quan đến gần hơn với cộng đồng DN, từ đó xây dựng được sự hiểu biết, đồng thuận, đồng hành giữa các bên.
Trong xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan, công tác thu thập, rà soát cũng như tham vấn cộng đồng DN trong giải quyết các vướng mắc, bất cập của cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy chế được cơ quan Hải quan các cấp thực hiện thường xuyên, qua nhiều hình thức. Một số đơn vị đã tích cực triển khai và thu được kết quả nhất định như Cục Hải quan Quảng Ninh với 17 buổi tham vấn, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp và giải pháp phù hợp thực tiễn cho việc sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC; Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức 7 hội nghị tham vấn với chủ đề vướng mắc DN kinh doanh cảng, DN nhập khẩu hàng xá (khô dầu, bắp hạt, lúa mỳ), kinh doanh kho ngoại quan và DN chế xuất; Cục Hải quan Hải Phòng tổ chức 125 lượt tham vấn lấy ý kiến cộng đồng DN và các bên liên quan; Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh thực hiện trên 500 lượt tham vấn thường xuyên với DN.
Tại Tổng cục Hải quan, các đơn vị nghiệp vụ thường xuyên tổ chức các hội nghị tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng DN trong xây dựng các văn bản chính sách pháp luật. Cộng đồng DN và các bên liên quan đã tích cực tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng pháp luật hải quan góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hải quan đối với hàng hóa XNK, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Hoạt động tham vấn đã chú trọng đến các nhóm vấn đề chịu tác động của việc điều chỉnh chính sách, pháp luật. Các nội dung kiến nghị, đề xuất của hiệp hội DN đã được cơ quan Hải quan nghiêm túc ghi nhận, xem xét, nghiên cứu và phản ánh trên các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để các bên liên quan có thể dễ dàng theo dõi, phản biện. Ý kiến đóng góp của cộng đồng DN đã góp phần tích cực đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động XNK, đồng thời làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ các bên, cũng như quy định chặt chẽ các điều kiện thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan.
Hỗ trợ thực thi pháp luật hiệu quả
Hoạt động này được cơ quan Hải quan thường xuyên triển khai thông qua việc gặp gỡ, hợp tác với các DN, hiệp hội, hội, chi hội DN nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vấn đề bất cập, giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục. Chẳng hạn trong năm 2017, Cục Hải quan TP.HCM đã đến làm việc tại trụ sở 30 DN để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan, phổ biến các văn bản pháp luật, các quy định mới; tổ chức Hội nghị “Cộng đồng DN - cơ quan Hải quan: đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển” đến cộng đồng DN với tổng hợp 86 câu hỏi trên các tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan các cấp đã chú trọng công tác đối thoại định kỳ với người khai hải quan, người nộp thuế trên cơ sở tổng hợp tình hình chung. Trong năm 2017, toàn Ngành đã tổ chức 89 cuộc đối thoại định kỳ với người khai hải quan, người nộp thuế. Một số hội nghị đối thoại điển hình như: Trong tháng 9/2017 cơ quan Tổng cục Hải quan phối hợp với Tổng cục Thuế tham mưu, giúp cho Bộ Tài chính tổ chức được 2 hội nghị đối thoại với DN Hàn Quốc (miền Nam, miền Bắc); cuối tháng 11/2017 tổ chức 2 hội nghị đối thoại cấp toàn quốc với DN trong nước (miền Nam và phía Bắc); công tác đối thoại Hải quan - DN tại các cục hải quan tỉnh, thành phố trong năm 2017 không ngừng được cải tiến và nâng cao hiệu quả. Cụ thể ở Cục Hải quan Bình Dương, ngoài các hoạt động đối thoại thường xuyên theo từng hiệp hội DN, năm nay đã đổi mới sang loại hình kết hợp giữa đối thoại và tập huấn thủ tục hải quan cho lãnh đạo các DN FDI (bước đầu đã thực hiện với Hiệp hội DN Nhật Bản). Cục Hải quan Quảng Ninh đổi mới hình thức đối thoại theo nhóm, theo loại hình kinh doanh.