Quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, cử tri Tỉnh Trà Vinh kiến nghị cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ.
Trả lời kiến nghị của cử tri Tỉnh Trà Vinh, Bộ Tài chính cho biết, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành năm 2000, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành 47 văn bản hướng dẫn thi hành. Hệ thống các văn bản này đã tạo khung khổ pháp lý đầy đủ, minh bạch; môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đảm bảo chặt chẽ từ khâu cấp phép đến quản lý các hoạt động của doanh nghiệp, xử lý vi phạm hành chính; đảm bảo hài hòa giữa quản lý giám sát thận trọng và tạo chủ động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính thường xuyên cập nhật, hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo động lực kinh doanh và phát triển thị trường an toàn, bền vững.
Trong năm 2018, thực hiện Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018, theo đó cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm.
Từ khi Luật được ban hành, thị trường bảo hiểm từ 15 doanh nghiệp, hiện đã có 64 doanh nghiệp bảo hiểm cùng hoạt động trong các lĩnh vực nhân thọ, phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, trong đó hơn nửa là các doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu khu vực và thế giới.
Năm 2018, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 133.654 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm 2017; tổng tài sản ước đạt 384.176 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu khoảng 76.531 tỷ đồng, tổng dự phòng nghiệp vụ để chuẩn bị chi trả cho các trách nhiệm trong tương lai khoảng 241.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp có mạng lưới phục vụ khách hàng trên toàn quốc, với gần 900 chi nhánh, văn phòng đại diện, 800.000 đại lý, cung cấp hơn 1.300 sản phẩm bảo hiểm; giải quyết công ăn việc làm cho gần triệu người mỗi năm; các vụ tổn thất lớn đều được chi trả bồi thường kịp thời, giúp khách hàng nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh; góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội và các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ thông qua các chương trình bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu,..
Cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm, năng lực quản lý nhà nước được nâng cao, hạn chế sự can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, do thị trường phát triển nhanh, mạng lưới rộng khắp, số lượng đại lý bảo hiểm lớn nên còn xảy ra một số vụ việc như tư vấn, chào bán bảo hiểm không trung thực, thời gian trả tiền bảo hiểm còn chậm, việc từ chối bồi thường chưa thỏa đáng, có trường hợp trục lợi bảo hiểm, dẫn đến hiểu lầm hoặc phản ứng không tích cực từ phía khách hàng.
Thông qua hoạt động quản lý, kiểm tra, thanh tra, Bộ Tài chính đã xử lý nghiêm các vụ việc, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nhằm giảm thiểu các sai phạm, từ đó bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 15/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường Bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề xuất sửa đổi tổng thể Luật kinh doanh bảo hiểm theo hướng áp dụng mô hình quản lý giám sát theo thông lệ quốc tế tiên tiến.
Qua đó, vừa nâng cao tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính, vừa giúp cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ từng doanh nghiệp, vừa minh bạch thông tin đối với bên thứ ba.
Ngoài ra, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ đề xuất xây dựng Luật sửa đổi bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm vào năm 2019 và trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm vào năm 2020.