Quản lý, đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại SCIC: Thực trạng và một số đề xuất

ThS. Phạm Thị Hương

Mặc dù, phương thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp đã được đổi mới, đầu tư thông qua Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), tuy nhiên, cơ chế chính sách chưa theo kịp thực tiễn. Người đại diện phần vốn Nhà nước và quản trị doanh nghiệp còn yếu; cơ chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa thực sự phù hợp với thực tế, nhiều DN có vốn nhà nước hoạt động chưa hiệu quả chưa bắt kịp với xu hướng phát triển của kinh tế thị trường, năng lực quản trị doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động tài chính của các doanh nghiệp bằng việc nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng hoạt động kinh doanh vốn nhà nước của SCIC

Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập năm 2005 nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của quá trình, sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Sau hơn 10 năm hoạt động, SCIC đã ngày càng khẳng định được vị thế và vai trò của mình trong đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN). Điều này đã được minh chứng qua các con số tăng trưởng ấn tượng.

Sau 10 năm hoạt động, tính đến 31/12/2015, trong gần 1.000 DN có vốn nhà nước, chỉ có trên 60 DN nhỏ trong diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ (chiếm 6.5%); lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân chung của DN khoảng 15-17%.

Tổng nguồn thu cổ tức cho nhà nước lũy kế trên 21.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong danh mục quản lý của SCIC có 197 DN với vốn Nhà nước theo giá trị sổ sách đạt 19.740 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 86.115 tỷ đồng. Trong đó, có 20 DN nhóm A1 với tỷ trọng vốn nhà nước là 55,7%, 23 DN nhóm A2 với tỷ trọng vốn nhà nước là 6,6%, 45 DN nhóm B1 chiếm tỷ trọng vốn nhà nước là 30% và 109 DN nhóm B2 chiếm tỷ trọng vốn nhà nước là 7,6%.

Tại thời điểm 31/12/2015, SCIC đã bán vốn tại 811 DN và bán quyền mua tại 19 DN, với doanh thu bán vốn là 9.243 tỷ đồng, giá vốn 3.925 tỷ đồng, thặng dư bán vốn hơn 5.360 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 2,4 lần, danh mục quản lý của SCIC còn 197 DN với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 20,020 tỷ đồng, chiếm 23% vốn điều lệ, với giá trị thị trường đạt khoảng 95,697 tỷ.

Bên cạnh đó, SCIC còn thực hiện đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng theo chủ trương của Đảng, Chính phủ với nguồn vốn điều lệ và tích tụ đến 31/12/2015 định trên 17.900 tỷ đồng, trong đó đầu tư mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại các DN tiếp nhận đạt 9.200 tỷ đồng; đầu tư thành lập mới DN và đầu tư cổ phiếu đạt 6.480 tỷ đồng; đầu tư trái phiếu 800 tỷ đồng; đầu tư theo chỉ định hơn 2.500 tỷ đồng. Cùng với đó, SCIC còn tích cực thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu các DN sau cổ phần hóa từ các bộ/ngành/địa phương.

Theo số liệu báo cáo của SCIC (2015), tính đến 31/12/2009, tổng số DN có vốn nhà nước mà SCIC tiếp nhận về là 907 DN, tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán là 7.219 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/12/2013, lũy kế số bàn giao về SCIC là 965 DN, với tổng số vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 7.915 tỷ đồng, sau khi thoái vốn còn 7.618 tỷ đồng.

Đặc thù DN chuyển giao về SCIC rất đa dạng về ngành nghề, lại có sự khác biệt rất lớn về quy mô, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước nên sau khi hoàn tất thủ tục bàn giao vốn nhà nước SCIC đã phân loại để áp dụng chiến lược quản trị phù hợp.

Thực hiện biện pháp quản trị DN thông qua vai trò cổ đông, SCIC đã chủ động phương án tham gia ý kiến tại các đại hội cổ đông, nghiên cứu, góp ý và biểu quyết các quyết định phương án kinh doanh của DN, thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin và vai trò của cổ đông nhà nước. Đặc biệt, phát huy vai trò quyền cổ đông năng động của Nhà nước, thực hiện tái cơ cấu nâng cao hiệu quả hoạt động và xử lý các tồn tại của các DN thuộc danh mục quản lý.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình hoạt động, SCIC cũng đã gặp phải một số vướng mắc, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Cụ thể như:

Một là, công tác tiếp nhận chuyển giao. DN thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC chủ yếu là DN quy mô nhỏ, lại nằm rải rác trên 63 tỉnh, thành còn nhiều tồn tại vướng mắc về công tác tài chính, trước khi sắp xếp chuyển đổi chưa được xử lý, nên trong giai đoạn đầu tổng công ty mất nhiều thời gian và nhân lực, để giải quyết tồn tại và thực hiện cơ cấu lại DN.

Hai là, công tác tiếp nhận DN sau cổ phần hóa. Công tác tiếp nhận chuyển giao các DN cổ phần hóa tại các bộ/UBND còn chậm, chưa có khung pháp lý, để yêu cầu UBND tỉnh các bộ chuyển giao về SCIC thực hiện thống nhất đầu mối đại diện chủ sở hữu.

Ba là, việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thông qua ủy quyền người đại diện. Trách nhiệm, quyền lợi, địa vị pháp lý người đại diện phần vốn nhà nước tại DN chưa được rõ ràng, quyền lợi quyền lợi nghĩa vụ của người đại diện chưa thực sự gắn kết với sự phát triển của DN. Tại một số DN, việc phối hợp của người đại diện trong thực hiện quyền cổ đông Nhà nước chưa tốt.

Bốn là, tính chủ động trong hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước. Vốn của SCIC phần lớn là vốn tiếp nhận từ các DN, nên vốn hoạt động bằng tiền có thể sử dụng cho đầu tư không nhiều, trong khi các dự án mà SCIC nghiên cứu đầu tư chủ yếu thuộc các lĩnh vực chiến lược quan trọng trong nền kinh tế, lại đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.

Cơ chế tài chính cho SCIC vẫn đang được áp dụng như những DNNN khác, chưa phù hợp với đặc thù hoạt động của SCIC. Thêm vào đó, thay vì có thời gian tập trung vào việc áp dụng cơ chế quản lý mới, tiến hành cơ cấu lại DN, triển khai đầu tư các dự án mới, thì SCIC phải mất rất nhiều công sức và thời gian xử lý các vấn đề hậu cổ phần hóa; các vấn đề tồn tại với quá nhiều DN nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả do do các sở, ban ngành địa phương và các bộ chuyển về.

Năm là, công tác bán vốn nhà nước còn chậm, số lượng DN tiếp nhận đến nay có 80% là DN quy mô nhỏ, nằm dải rác ở nhiều địa phương, tỷ lệ sở hữu SCIC thấp, làm ăn không có hiệu quả, nhiều tồn tại về tài chính, quản trị… do vậy không thu hút các nhà đầu tư quan tâm.

Sáu là, công tác hoạt động đầu tư. Hoạt động đầu tư mới triển khai còn rất chậm và chưa chủ động, số vốn giải ngân thực tế chưa nhiều. Các dự án đầu tư hiện nay của SCIC chủ yếu do Chính phủ chỉ định.

Một số kiến nghị về mô hình đại diện chủ sở hữu SCIC

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện thống các văn bản hướng dẫn quản lý đối với DNNN, tập trung vào một đầu mối thống nhất quyền đại diện chủ hữu các DN đã cổ phần hóa chuyển giao về SCIC; yêu cầu các bộ/ngành/địa phương chuyển giao DNNN sau CPH phải có nhiệm vụ chuyển về SCIC theo đúng quy định.

Thứ hai, trao quyền cho SCIC được trực tiếp tham gia đầu tư các dự án lớn, trọng điểm của quốc gia. Với mô hình hoạt động theo Nghị định 151/2013/NĐ- CP, Nghị định 57/2014/NĐ-CP. Định hướng của SCIC tiếp tục được củng cố với vai trò là tổ chức kinh tế đặc biệt, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; đẩy mạnh phương thức đầu tư vốn nhà nước, từng bước thực hiện thống nhất quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước tại DN.

Sau gần 10 năm hoạt động, mô hình quản lý vốn nhà nước tập trung tại SCIC đã phát huy hiệu quả nguồn lực của NN tại DN. Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc vẫn còn đặt ra với SCIC trong quá trình hoạt động, đòi hỏi hành lang pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đầu tư kinh doanh vốn nhà nước. Chính vì vậy, thời gian tới, Chính phủ cần có quan điểm rõ ràng hơn đối với mô hình đặc thù của SCIC, thể hiện qua những chính sách cụ thể.

Tài liệu tham khảo:


1. Báo cáo tổng kết (2015) của SCIC;

2. Kết luận của Bộ Chính trị (2010) về Báo cáo kết quả kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa IX) và Nghị quyết đại hội X của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN và về Đề án tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của SCIC;

3. Bộ Tài chính (2013), Thông tư số 158/2013/TT-BTC ngày 13/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DN do nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước;

4. Bộ Tài chính (2013), Thông tư 220/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về vốn đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.