Quản lý hàng tạm nhập tái xuất có gì mới?
Hoạt động quản lý hàng tạm nhập tái xuất (TNTX) đang được kỳ vọng sẽ được quản lý chặt hơn khi có những thay đổi cơ bản trong Thông tư 11/2017/TT-BCT quy định về hoạt động TNTX, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa.
Thời gian qua, hoạt động TNTX được quản lý bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Thông tư 05/2014/TT-BCT. Mặc dù đã thúc đẩy thương mại cho một số địa phương có cửa khẩu nhưng loại hình kinh doanh này đã và đang bộc lộ một số hạn chế nhất định trong quản lý, kiểm soát, nhất là kiểm soát, ngăn chặn việc lợi dụng quy định về TNTX để buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, trốn thuế.
Thực tế này cũng được ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) thừa nhận. Bởi vậy, thời gian qua Bộ Công Thương đã tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để thực hiện rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định hiện hành còn tồn tại, bất cập, chưa sát thực tế về TNTX, trong đó có việc xây dựng thông tư thay thế Thông tư 05/2014/TT-BCT.
Những nội dung còn bất cập được các bộ, ngành, Thanh tra Chính phủ kiến nghị sửa như: Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND tỉnh trong việc quản lý hoạt động kinh doanh TNTX; trách nhiệm cung cấp thông tin, chế độ báo cáo của cơ quan Hải quan và địa phương; trách nhiệm của từng cấp khi xảy ra ách tắc hàng hóa trên địa bàn…
Cho đến thời điểm này, sau nhiều tháng lấy kiến, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 11/2017/TT-BCT bãi bỏ Thông tư 05/2014/TT-BCT và có hiệu lực từ ngày 11/9 tới đây. Khá nhiều vấn đề đã được Bộ Công Thương tiếp thu, chỉnh sửa trong Thông tư 11 để nhằm quản lý hoạt động TNTX hiệu quả hơn, hạn chế được những bất cập đã xảy ra.
Phân quyền để điều tiết hàng hóa ách tắc
Về thẩm quyền giải tỏa hàng hóa TNTX ách tắc tại các cảng, Bộ Công Thương đã có chỉnh sửa. Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 05/2014/TT-BCT thì DN có trách nhiệm “giải tỏa hàng thực phẩm đông lạnh tại cảng, cửa khẩu về kho, bãi của mình theo yêu cầu của Bộ Công Thương trong trường hợp có ách tắc”.
Tuy nhiên, việc quy định giao thẩm quyền Bộ Công Thương chỉ đạo giải tỏa hàng hóa khi có ách tắc sẽ dẫn đến việc cơ quan Hải quan bị động trong công tác giám sát hải quan. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất, Bộ Công Thương cần xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 15 Thông tư 05/2014/TT-BCT theo hướng giao cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện việc giải tỏa hàng hóa khi xảy ra tình trạng ùn tắc tại các cảng, cửa khẩu.
Đề xuất này đã được Bộ Công Thương sửa đổi trong khoản 2 Điều 12 về trách nhiệm của DN được cấp mã số TNTX “nghiêm túc giải tỏa hàng thực phẩm đông lạnh tại cảng, cửa khẩu về kho, bãi của mình theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp có hiện tượng ách tắc, tồn đọng”.
Việc điều tiết hàng hóa kinh doanh TNTX sửa đổi cơ bản theo hướng “phân quyền” cho bộ, ngành, địa phương. Nếu trong Thông tư 05, việc điều tiết này thực hiện “khi có hiện tượng hàng hóa ách tắc tại cảng, cửa khẩu và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các cơ quan liên quan thông báo cho Bộ Công Thương biết để xem xét thực hiện việc điều tiết hàng hóa kinh doanh TNTX” thì trong Thông tư 11 phân định theo từng trường hợp.
Theo đó, trường hợp hàng hóa bị ách tắc trên địa bàn, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp giải tỏa, điều tiết trên địa bàn để tránh ùn tắc tại cảng, cửa khẩu và phối hợp với cơ quan Hải quan cửa khẩu tạm nhập có biện pháp điều tiết lượng hàng tạm nhập từ cửa khẩu tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất.
Sau khi đã áp dụng biện pháp giải tỏa, điều tiết hàng hóa này nhưng hiện tượng ách tắc hàng hóa TNTX vẫn chưa được giải tỏa tại cảng, cửa khẩu hoặc trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với UBND cấp tỉnh, Tổng cục Hải quan và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện việc điều tiết hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất bằng các biện pháp sau: Áp dụng việc cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất đối với một số loại hàng hóa theo thông báo của Bộ Công Thương, hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép TNTX thực hiện như quy định tại Chương III Thông tư này; có văn bản yêu cầu DN tạm ngừng đưa hàng về Việt Nam; tạm dừng cấp Giấy phép TNTX đối với hàng hóa quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này.
Cơ quan Hải quan báo cáo theo quý
Một nội dung cũng khá quan trọng cũng được Bộ Công Thương đưa vào Thông tư 11 là trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc quản lý, trách nhiệm báo cáo của cơ quan Hải quan. Theo đề xuất của Thanh tra Chính phủ sửa đổi Thông tư 05 theo hướng tập trung việc phân cấp, đi cùng với phân định rõ trách nhiệm giữa cơ quan thực hiện là các địa phương và cơ quan chủ trì là Bộ Công Thương, Thông tư 11 đã quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương chặt hơn.
Theo đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện; tổ chức kiểm tra và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, thương nhân có liên quan kiểm tra việc thực hiện quy định tại Thông tư này; tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện về kho, bãi của DN kinh doanh TNTX thực phẩm đông lạnh hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương tổ chức kiểm tra và xác nhận; chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan để thu hồi, tạm thời đình chỉ hiệu lực mã số TNTX của DN theo quy định…
Đối với chế độ báo cáo của cơ quan Hải quan, sau ý kiến của Bộ Tài chính cho rằng việc định kỳ hàng tháng báo cáo của cơ quan Hải quan sẽ dẫn đến tăng khối lượng công việc không nhỏ cho cơ quan Hải quan, Bộ Công Thương đã sửa đổi việc báo cáo được thực hiện theo quý.
Bên cạnh đó, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật, cơ quan Hải quan tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hàng hóa TNTX từ khi NK vào Việt Nam cho đến khi thực XK ra khỏi Việt Nam theo quy định của pháp luật hải quan. Cơ quan Hải quan cũng có trách nhiệm thực hiện biện pháp điều tiết hàng hóa trong trường hợp cần thiết theo quy định của Thông tư này.