Quản lý nhà nước đối với thuế bảo vệ môi trường: Kinh nghiệm một số quốc gia và bài học cho Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 11/2020

Bài viết này đã nghiên cứu kinh nghiệm thực tế của 4 nước điển hình trên thế giới, gồm Đan Mạch, Hà Lan, Hàn Quốc và Singapore trong quản lý nhà nước đối với thuế bảo vệ môi trường, cụ thể trong xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra thực hiện thuế bảo vệ môi trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trên cơ sở các kinh nghiệm thực tế này, một số bài học kinh nghiệm đã được rút ra cho Việt Nam trong quản lý nhà nước về thuế bảo vệ môi trường.

Luật thuế bảo vệ môi trường (BVMT) số 57/2010/QH12 (được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15/11/2010 - có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012) là sự thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường. Qua thực tế triển khai, chính sách thuế BVMT cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra như: Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường...

Tuy nhiên, do chính sách thuế BVMT ở Việt Nam mới nên trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh những vướng mắc và hạn chế, nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về BVMT, về phát triển bền vững và về mục tiêu thực hiện cải cách thuế BVMT thì thuế BVMT cần được nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, từ đó có giải pháp khắc phục những hạn chế, vướng mắc, hoàn thiện trong thời gian tới.

Cơ sở lý luận

Tổng quan về quản lý nhà nước đối với thuế bảo vệ môi trường

Về khái niệm, có nhiều định nghĩa khác nhau về thuế môi trường, tùy thuộc vào luật pháp của mỗi gia hay khu vực. Tại Việt Nam, khoản 1 Điều 2 Luật Thuế BVMT 2010 định nghĩa “Thuế BVMT là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường”. Theo đó, thuế BVMT tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất, nhập khẩu một số sản phẩm có thể gây tác động tiêu cực tới môi trường và sức khỏe con người.

Quản lý nhà nước (QLNN) ra đời cùng với sự ra đời của Nhà nước, được thực hiện bởi các cơ quan hành pháp theo quy định. Thuế nói chung và thuế BVMT nói riêng là một trong những đối tượng quản lý của nhà nước. Một cách khái quát, có thể hiểu“QLNN đối với thuế BVMT là quá trình tác động có mục đích, có ý thức của Nhà nước vào việc huy động các nguồn thu từ thuế BVMT, tập trung vào ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua các văn bản pháp lý, các phương pháp và các tổ chức, các cơ quan chức năng nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội” (Nguyễn Hoàng, 2013).

Từ khái niệm trên cho thấy, trong QLNN đối với thuế BVMT như sau: Chủ thể quản lý thuế BVMT là Nhà nước, với cơ quan lập pháp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến thuế BVMT; cơ quan hành pháp (cơ quan thuế, cơ quan hải quan) đảm nhận công tác thu và nộp thuế BVMT; các cơ quan chuyên môn hỗ trợ cơ quan hành pháp tổ chức và thực hiện thu thuế BVMT.

Nội dung quản lý nhà nước về thuế bảo vệ môi trường

Đối tượng QLNN là hệ thống các chính sách liên quan và cơ chế hoạt động của bộ máy thi hành chính sách. Vì vậy, QLNN có tác động rất lớn và lâu dài đối với nguồn thu của NSNN. Các nội dung chính của hoạt động QLNN đối với thuế BVMT gồm:

- Xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật về thuế BVMT.

Tại Việt Nam, khoản 1 Điều 2 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 định nghĩa “Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường”. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất, nhập khẩu một số sản phẩm có thể gây tác động tiêu cực tới môi trường và sức khỏe con người.

Cách thức, trình tự xây dựng và ban hành là ba bước chính để cho ra đời các văn bản luật nói chung, trong đó có luật thuế. Trong ba bước này, các chủ thể với những vị trí, chức năng và quyền hạn khác nhau sẽ tiến hành liên tiếp nhiều hành vi có mối quan hệ chặt chẽ với nhau để nhằm mục đích biến những kế hoạch, mục tiêu và mong muốn của giai cấp cầm quyền thành những quy tắc mang tính chất pháp lý được thể hiện dưới hình thức văn bản pháp luật.

Nhìn chung, quy trình xây dựng các văn bản nói chung và văn bản thuế nói riêng gồm 6 giai đoạn: Lập chương trình xây dựng văn bản pháp luật, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua và cuối cùng là công bố văn bản luật (OECD, 2011; Bachus, 2017).

- Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thuế bảo vệ BVMT.

Tổ chức bộ máy QLNN về thuế BVMT chính là việc xác định cơ cấu tổ chức bộ máy sao cho phù hợp với nguồn lực hiện có để có thể phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất trong công tác tuyên truyền, thực thi luật thuế. Từ đó, hệ thống QLNN về thuế BVMT mới đảm bảo tính khoa học, thống nhất, đầy đủ để quản lý thuế hiệu quả. Có như vậy, các chính sách, pháp luật thuế BVMT sẽ được tuân thủ, bảo đảm thu đúng, thu đủ cả về thời gian và số lượng tiền thuế vào ngân sách nhà nước và phù hợp với thực tế (OECD, 2011; Nguyễn Hoàng, 2013).

Tổ chức bộ máy QLNN về thuế BVMT cần dựa trên nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước, trong đó tuân theo các quy định về phân chia địa giới giữa các tỉnh, thành phố, huyện, xã… Hiện nay, ở Việt Nam, đối với thuế BVMT đang áp dụng nguyên tắc quản lý theo địa giới hành chính, bao gồm: Tổng cục Thuế (tại cấp Trung ương), Cục thuế các tỉnh, thành phố (tại cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), Chi cục thuế (tại cấp huyện) và bộ phận quản lý thuế (tại xã, phường, hoặc liên xã, liên phường thuộc chi cục thuế quận, huyện tại cấp xã).

- Tổ chức thực hiện thuế BVMT.

Thực hiện pháp luật môi trường được là một quá trình hoạt động có mục đích của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội và mọi công dân nhằm đưa các quy phạm pháp luật môi trường trở thành những hành vi thực tế hợp pháp. Thực hiện pháp luật bao gồm bốn hình thức, đó là: (i) tuân thủ pháp luật, (ii) thi hành pháp luật, (iii) sử dụng pháp luật, và (iv) áp dụng pháp luật. Thực hiện pháp luật bao gồm các hoạt động như ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện tuyên truyền, giáo dục; tổ chức thực thi pháp luật; kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật; xử lý các vi phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy phạm khi không còn phù hợp.

- Thanh tra, kiểm tra thực hiện thuế BVMT.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế BVMT do các cơ quan thuế hoặc các cơ quan hành chính có thẩm quyền thực hiện đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có phát sinh hoạt động liên quan đến nghĩa vụ thuế. Nội dung của hoạt động thanh tra kiểm tra liên quan đến việc chấp hành pháp luật thuế BVMT.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế BVMT có vai trò quan trọng và mang lại lợi ích rất lớn đối với quốc gia như: (i) Làm tăng cường tính tự giác của các chủ thể phát sinh nghĩa vụ đóng thuế trong xã hội; Đảm bảo với người nộp thuế rằng luôn có một cơ quan quản lý nhà nước bên cạnh và giám sát việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế của họ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; (ii) Công tác kiểm tra đảm bảo phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế BVMT để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý, răn đe nhằm chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước và đảm bảo khoản ngân sách chi cho BVMT, đảm bảo thực hiện nghiêm túc pháp luật về thuế BVMT.

Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới về quản lý nhà nước đối với thuế bảo vệ môi trường

QLNN đối với thuế BVMT từ lâu đã được các nhà nghiên cứu, các học giả nước ngoài đi sâu nghiên cứu cả về mặt lý luận và thực tiễn. Bài viết đánh giá thực tiễn QLNN đối với thuế BVMT ở một số quốc gia như sau:

Đan Mạch

Đan Mạch là một trong những nước phát triển đã tiến hành thu thuế BVMT đối với các hoạt động gây ô nhiễm môi trường đầu tiên, và cũng là nước có nhiều kinh nghiệm QLNN đối với thuế BVMT ngay từ những năm 1990. Trong những năm gần đây về phát triển kinh tế cùng bùng nổ dân số đã khiến môi trường các nước phát triển ô nhiễm nghiêm trọng, QLNN đối với thuế BVMT ngày càng được thắt chặt.

Cụ thể như Đan Mạch tiến thành thu thuế BVMT đối với một số hoá chất có gốc Nox, Sox, NH4, CO hay các hoá chất sử dụng trong nông nghiệp như thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm. Trước thực tế đó, Đan Mạch đã áp dụng các biện pháp QLNN, thực hiện các biện pháp điều chỉnh thuế BVMT để giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững (Hogg và các cộng sự, 2016).

QLNN đối với thuế BVMT tại Đan Mạch được thực hiện khá đồng bộ, từ việc tổ chức bộ máy QLNN đến xây dựng các văn bản pháp luật, thuế suất về thuế BVMT, từ khâu tổ chức thực hiện thuế BVMT đến công tác thanh tra, kiểm tra kết quả thực hiện về thuế.

Đan Mạch quy định các mức thuế BVMT cụ thể cho từng sản phẩm khi sử dụng gây tác động xấu với môi trường. Cụ thể như đối với thuốc trừ sâu, sau khi xác định được mức độc tính liên quan đến sức khoẻ con người, khuếch tán và đa dạng sinh học, mức thuế là 14,36 EUR/đơn vị độc tính (đã có thay đổi so với năm 2013). Thuế BVMT đối với sản phẩm thuốc trừ sâu được chi trả bởi các nhà sản xuất và nhập khẩu thuốc trừ sâu. Hay như thuế BVMT đối với việc chôn lấp chất thải được quy định trong văn bản pháp luật về thuế (năm 2015) là 63,67 EUR/tấn.

Để phát huy hiệu quả QLNN đối với thuế BVMT, chính phủ Đan Mạch đã từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thuế cho các sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, Đan Mạch đã tổ chức bộ máy QLNN về thuế BVMT khoa học, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, đồng bộ trong nguyên tắc quản lý về thuế. Trên cơ sở về bộ máy QLNN và hệ thống các văn bản pháp luật về thuế BVMT, Đan Mạch đã thực hiện thuế BVMT thực sự có hiệu quả.

Đan Mạch sử dụng thuế BVMT như công cụ hỗ trợ đối với hoạt động BVMT và phát triển kinh tế. Năm 2013, tổng thu từ thuế BVMT tại Đan Mạch đã chiếm 4,25% tổng GDP, đạt mức thuế môi trường cao nhất trong 10 năm kể từ năm 2004. Ngoài ra, tổ chức thực hiện thuế BVMT được Đan Mạch xem như là công cụ điều tiết hành vi của người dân (ví như khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, thải rác ít, ứng dụng khoa học trong xử lý nước thải và chất thải). Điều đó cho thấy, những giải pháp tăng cường QLNN về thuế BVMT đã đạt được những kết quả to lớn.

Song song với quá trình tổ chức thực hiện thuế BVMT, chính phủ Đan Mạch chú trọng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện thuế BVMT. Đan Mạch được xem là một trong những quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng và áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện về thuế BVMT.

Hà Lan

Tại Hà Lan, thuế BVMT phần lớn là thuế đánh vào năng lượng. Năm 2013, 58,3% tổng doanh thu thuế môi trường là từ thuế đánh vào năng lượng. Những điều chỉnh thuế BVMT là nhằm phù hợp với tình hình thực tế. QLNN của Hà Lan đối với thuế BVMT đã phát huy hiệu quả trong tăng thu ngân sách, đảm bảo các hoạt động bảo vệ, chăm sóc môi trường và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường đến sức khỏe cũng như môi trường sống của người dân (Hogg và các cộng sự, 2016).

Hà Lan đã xây dựng hệ thống văn bản pháp luật quản lý chặt chẽ đối với thuế BVMT và cả quá trình thực hiện cũng như kiểm tra công tác thuế. Hệ thống văn bản quy định về thuế năng lượng, nhiên liệu được xây dựng khá cụ thể đối với các sản phẩm, như xăng dầu, than đá, ga tự nhiên, điện. Hầu hết các mức thuế BVMT đều nằm trong mức trung bình của EU-28.

Các chính sách miễn giảm và hoàn thuế BVMT cũng được quy định cụ thể trong hệ thống các văn bản pháp luật. Năm 2013, Hà Lan có điều chỉnh về thuế BVMT đối với việc sản xuất điện trong thoả thuận năng lượng tiếp tục áp dụng miễn thuế đối với than sử dụng cho sản xuất điện vào năm 2016. Ngoài ra, năm 2013 Hà Lan đã áp dụng chính sách phụ thu thuế năng lượng đối với khí đốt và điện tự nhiên để tài trợ cho chương trình năng lượng tái tạo. Các mức thuế môi trường áp dụng hầu hết được xây dựng tăng đều đặn trong giai đoạn 2013-2016.

Về tổ chức bộ máy quản lý thuế BVMT, Hà Lan áp dụng cơ chế tổ chức mang tính phân chia trách nhiệm. Trách nhiệm, vai trò thiết lập ra các văn bản pháp luật, tổ chức bộ máy và nguyên tắc thực hiện thuộc về cấp trung ương. Cấp tỉnh và địa phương chịu trách nhiệm thực hiện theo các quy định của cấp trên. Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện thuế BVMT được tiến hành dưới sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý. Việc phân cấp quản lý thuế BVMT tại Hà Lan làm giảm tải gánh nặng cho từng cấp quản lý.

Hàn Quốc

Năm 1990, Hàn Quốc chính thức tách Luật BVMT thành các bộ luật riêng biệt, quy định về các mức phí tạo thành công cụ quản lý trong cả kinh tế và BVMT tại Hàn Quốc. Một số khoản phí chính hiện đang được áp dụng như: phí BVMT không khí, phí BVMT nước, phí quản lý rác thải. Trong đó, các quy định về phí BVMT không khí được áp dụng cho các đối tượng như phương tiện xe ô tô lớn, nhà xưởng có nhiều chất thải công nghiệp.

Phí BVMT nước được thu gián tiếp thông qua các cơ quan hành chính địa phương về phí khai thác nguồn nước ngầm của khu vực. Phí quản lý rác thải được quy định thu từ việc bán túi ni lông đựng rác thải, nguồn thu này được sử dụng cho tái chế và xử lý chất thải không tái chế. Ngoài ra, thuế môi trường ở Hàn Quốc cũng được thực hiện đối với nguồn nhiên liệu như dầu Diesel (23,3 KRW/lít), dầu nhẹ (9KRW/lít), xăng không chì là 94,5 KRW/lít.

Về tổ chức bộ máy quản lý môi trường tại Hàn Quốc, Bộ Môi trường Hàn Quốc là cơ quan QLNN có trách nhiệm chủ trì thực thi những quy định của Luật thuế BVMT; các chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong thực hiện các chính sách và hoạt động QLNN về thuế BVMT

Toà án hành chính, dân sự và hình sự có trách nhiệm thi hành các Luật về môi trường, xử lý các trường hợp vi phạm được chỉ ra từ quá trình thanh tra, kiểm tra thuế BVMT. Chính quyền các địa phương có quyền kiểm tra thực hiện thuế, phê duyệt hoặc thi hành các sắc lệnh, trong có có các sắc lệnh hành chính bao gồm đình chỉ hoạt động kinh doanh, thu hồi giấy phép, đóng cửa các cơ sở trong trường hợp phát hiện vi phạm về thuế BVMT. Bộ máy quản lý về thuế BVMT Hàn Quốc được đánh giá là chuyên nghiệp và tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động trong việc tổ chức thực hiện cũng như tổ chức thanh tra, kiểm tra thuế BVMT đối với các đối tượng liên quan.

Singapore

Singapore đã xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, cũng như tổ chức bộ máy quản lý và thực hiện nghiêm túc thuế BVMT. Singapore không ngừng điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống văn bản, hệ thống tổ chức thuế BVMT đảm bảo thuế BVMT phù hợp với điều kiện và bối cảnh kinh tế và xã hội của quốc gia.

Thuế BVMT của Singapore áp dụng thu đối với việc sử dụng năng lượng hoặc nhiên liệu, trong đó mức thuế suất đối với nhiên liệu như xăng dầu, than đá được xác định căn cứ vào hàm lượng lưu huỳnh trong các sản phẩm. Hệ thống thuế BVMT tại Singapore vận hành đảm bảo thực hiện các chiến lược quan trọng của quốc gia, trong đó, có nội dung xây dựng hình ảnh với bộ máy cơ quan thi hành thuế đáng tin cậy. Bộ máy tổ chức quản lý thuế được xây dựng từ cơ sở đến trung ương với nguyên tắc luôn chủ động hỗ trợ tuân thủ và có những hành động kịp thời, hiệu quả ngăn chặn hành vi không tuân thủ, đảm bảo công bằng cho mọi người dân.

Bên cạnh việc xây dựng bộ máy quản lý thuế khoa học và có hiệu quả, cơ quan thuế BVMT Singapore còn chủ động xây dựng chiến lược và cách thức thanh tra, kiểm tra thuế BVMT dựa trên đánh giá rủi ro tuân thủ, phác thảo những sản phẩm áp thuế BVMT có khả năng sai phạm (xác định các sai phạm thường gặp). Từ đó, cơ quan thuế Singapore thanh tra, kiểm tra chấp hành thuế với kết quả chính xác hơn, đảm bảo công bằng xã hội và tiết kiệm chi phí.

Phí BVMT tại Singapore được đánh giá là một công cụ hiệu quả trong việc định hướng hành vi của chủ thể tiêu dùng (khuyến khích tiêu thụ các sản phẩm an toàn đối với môi trường), cơ sở sản xuất theo hướng ngày càng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, áp dụng khoa học công nghệ sạch, nguyên liệu mới vào sản xuất cũng như xử lý chất thải. Ngoài ra, phí BVMT tại Singapore giúp quốc gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên, hạn chế rác thải.

Kinh nghiệm đối với Việt Nam

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về QLNN đối với thuế BVMT, một số bài học kinh nghiệm được rút ra cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, về nguyên tắc đánh thuế BVMT, quá trình quyết định đối tượng chịu thuế BVMT cần thực hiện theo nguyên tắc người nào sử dụng sản phẩm dịch vụ gây ô nhiễm môi trường người đó phải nộp thuế.

Thứ hai, thuế BVMT là công cụ kinh tế quan trọng và có ý nghĩa lâu dài, vì vậy cần phải thực hiện từng bước một cách cẩn trọng. Thực tế, ở Việt Nam cho thấy, hệ thống pháp lý liên quan chưa hoàn thiện, do đó nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng hiện nay là xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, môi trường luật thuế nói chung, tạo điều kiện phát huy hiệu quả hệ thống các văn bản pháp luật về thuế BVMT nói riêng. Môi trường pháp lý phải phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị xã hội, đồng thời phải đảm bảo rõ ràng, minh bạch giữa các luật, không chồng chéo giữa các quy định về luật thuế, luật môi trường và các văn bản quy định về thuế BVMT.

Thứ ba, để quản lý tốt thuế BVMT, Việt Nam cần xây dựng văn bản đầy đủ, kịp thời điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội tại Việt Nam, phát huy vai trò quản lý của cơ quan nhà nước đối với thuế BVMT. Mức thuế BVMT cho từng sản phẩm cần được quy định trên cơ sở chi phí của đối tượng gây ô nhiễm, hệ thống giám sát ô nhiễm, điều kiện địa lý, tỷ lệ lạm phát. Căn cứ tính thuế phải đảm bảo đầy đủ toàn diện.

Thứ tư, trên cơ sở hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cần tổ chức bộ máy QLNN đối với thuế BVMT chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc từ trung ương đến địa phương. Cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan để kịp thời triển khai thực hiện văn bản thuế cũng như kịp thời giải quyết những vướng mắc, những sai phạm về thuế BVMT.

Thứ năm, học hỏi các quốc gia như Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore trong việc xây dựng, ban hành và điều chỉnh các văn bản quy định về chi phí xử lý rác thải, xử lý ô nhiễm và trách nhiệm đối với ô nhiễm môi trường. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn kỹ thuật trong xử lý ô nhiễm môi trường, công khai minh bạch khung xử phạt hành chính, xử phạt hình sự đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế BVMT. Đồng thời, xây dựng các văn bản, thực hiện các chương trình tuyên truyền về BVMT, tuyên truyền đóng góp thuế, phí BVMT để nâng cao nhận thức người dân, phấn đấu vì một quốc gia, một thế giới xanh.

Thứ sáu, rà soát kiểm tra danh mục sản phẩm chịu thuế đảm bảo tính chính xác và đầy đủ. Xuất phát từ thực tế hiện nay có nhiều sản phẩm không nằm trong danh mục sản phẩm chịu thuế nhưng quá trình sử dụng lại gây tác động xấu đến môi trường ở diện rộng, ảnh hưởng đến sinh thái tự nhiên, sức khoẻ con người như phân bón hoá học, chất tẩy rửa, chất kých thích, khí than, khí tự nhiên. Vì vậy, cần xem xét để rà soát và bổ sung kịp thời vào danh mục các sản phẩm chịu thuế BVMT, đảm bảo quản lý chặt chẽ về thuế.

Thứ bảy, học hỏi các nước phát triển trong việc ứng dụng, đồng bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý thuế BVMT; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung về thuế BVMT, đảm bảo khả năng truy xuất dữ liệu của các đối tượng chịu thuế, từ đó có cơ sở kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện thuế BVMT đơn giản và dễ dàng. Ngoài ra, ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng và áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện về thuế BVMT, kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm thuế.

Thứ tám, bên cạnh việc thu thuế BVMT, việc xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích hành vi tiết kiệm năng lượng, giảm gánh nặng thuế cho nền kinh tế cũng là một biện pháp được nhiều quốc gia lựa chọn.

Thứ chín, kịp thời điều chỉnh mức thuế BVMT khi có sự thay đổi về kinh tế, xã hội cũng như tình hình thực tế của các ngành, các sản phẩm chịu thuế.

Nhìn chung, để phát huy hiệu quả QLNN về thuế BVMT cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương trên cơ sở nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân; Kịp thời phát hiện điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật theo hướng hoàn thiện gắn với tình hình phát triển kinh tế xã hội, khoa học công nghệ cùng sự liên kết với các quốc gia trong và ngoài khu vực vì mục tiêu BVMT, phát triển bền vững.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2010), Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010, Quốc hội CHXHCN Việt Nam;

2. Quốc hội (2014), Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2014, Quốc hội CHXHCN Việt Nam;

3. Nguyễn Hoàng (2013), Hoàn thiện quản lý nhà nước đối với thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân;

4. Bachus Kris (2017), The use of environmental taxation as a regulatory policy instrument, PhD. Thesis, Faculteit Sociale Wetenschappen;

5. Baumol W.J., OatesE.W. (1988), The Theory of Environmental Policy, Cambridge: Cambridge University Press, 2nd ed;

6. OECD (2011), Environmental taxation, A guide for policy makers, OECD Publishing;

7. UNESCAP (2016), The Economics of Climate Change in the Asia-Pacific region, UNESCAP.