Quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh?
Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế, trong đó có hướng dẫn chi tiết về quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh.
Theo Điều 37 quy định về thông báo khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh tại Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh tạm ngừng hoạt động, kinh doanh có thời hạn hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn đã thông báo theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan thì cơ quan thuế căn cứ vào thông báo của người nộp thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quản lý thuế trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn theo quy định của Luật này.
Đối với những tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh thì thực hiện thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn đã thông báo để thực hiện quản lý thuế.
Để hướng dẫn những quy định này, tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế mà Bộ Tài chính dự thảo và lấy ý kiến, có hướng dẫn chi tiết về quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh.
Cụ thể, người nộp thuế thực hiện thông báo khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 37 Luật Quản lý thuế, căn cứ xác định thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh:
Thứ nhất, đối với người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã là thời gian ghi trên giấy xác nhận về việc người nộp thuế đã đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho người nộp thuế; đồng thời cơ quan đăng ký kinh doanh gửi thông tin giấy xác nhận về việc người nộp thuế đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử qua hệ thống trao đổi thông tin về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
Thứ hai, đối với người nộp thuế được cơ quan có thẩm quyền khác của Nhà nước chấp thuận tạm ngừng hoạt động, kinh doanh thì thời gian tạm ngừng kinh doanh được ghi trên văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp; người nộp thuế phải thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận tạm ngừng hoạt động, kinh doanh.
Thứ ba, đối với người nộp thuế không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì thực hiện thông báo tạm ngừng hoạt động, kinh doanh đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh và được cơ quan thuế có thông báo chấp nhận tạm ngừng hoạt động, kinh doanh thì thời gian tạm ngừng kinh doanh ghi trên thông báo của cơ quan thuế.
Cũng theo dự thảo Nghị định, trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh, người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, nếu không phát sinh nghĩa vụ thuế trong thời hạn tạm ngừng hoạt động, kinh doanh. Trường hợp người nộp thuế (trừ hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán) tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ quyết toán thuế năm, bao gồm cả trường hợp đến thời hạn nộp hồ sơ quyết toán người nộp thuế vẫn đang trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh; không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn nếu không phát sinh việc sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn. Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán cho phù hợp với thời gian thực tế hoạt động, kinh doanh.
Người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp thực hiện các hợp đồng đã ký trước thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh và được cơ quan thuế chấp thuận theo quy định của pháp luật về hóa đơn.
Người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật quản lý thuế.
Dự thảo cũng quy định rõ, người nộp thuế tiếp tục hoạt động, kinh doanh trở lại trước thời hạn phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan thuế theo quy định. Người nộp thuế tiếp tục hoạt động, kinh doanh trở lại trước thời hạn hoặc hết thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh phải thực hiện đầy đủ các quy định về thuế và nộp hồ sơ khai thuế, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định.