Quản lý thuế thương mại điện tử và một số vấn đề cần lưu ý
Để làm rõ hơn những ý kiến về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và biện pháp tăng cường quản lý thuế hiệu quả. Bài viết đề cập một số nội dung vừa là phản biện, vừa mang tính chất bổ sung, làm rõ cho các ý kiến xung quanh lĩnh vực này.
Đặc thù của thương mại điện tử trong quản lý thuế
Để có thể quản lý thuế đối với TMĐT cần phải nhận diện rõ được những điểm đặc thù sau:
Một là, các chủ thể trong giao dịch TMĐT không nhất thiết phải tiến hành các thủ tục mua bán thông thường, trao đổi trực tiếp, ký kết hợp đồng mà có thể sử dụng các phương tiện điện tử. Các văn kiện, hợp đồng, thoả thuận điều chỉnh hoặc thanh lý không nhất thiết phải sử dụng văn bản truyền thống mà sử dụng các thông điệp, dữ liệu điện tử. Do vậy, việc kiểm tra, đối chiếu, xác minh các tài liệu, số liệu lưu trữ, các bằng chứng TMĐT cũng như việc, khai thác, sử dụng, phát triển các mối quan hệ của đối tượng nộp thuế đòi hỏi cán bộ thuế phải có trình độ hiểu biết nhất định.
Hai là, việc giao nhận hàng hoá rất linh hoạt, các thủ tục ký kết hợp đồng, thoả thuận, thanh lý có thể được tiến hành bằng phương tiện điện tử. Phương thức giao nhận này của TMĐT đặc biệt thông dụng và dễ dàng khi khách hàng mua các sản phẩm như âm nhạc, phim ảnh, sách báo, phần mềm. Do đó, với đối tượng của TMĐT là dịch vụ thì công tác quản lý thuế cần phải đặt trọng tâm vào quản lý dòng tiền.
Ba là, việc thanh toán tiền trong TMĐT rất linh hoạt, người mua có thể bằng tiền mặt, chuyển tiền qua ngân hàng nhưng cũng có thể sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử, các giao dịch thanh toán thông qua máy tính, điện thoại thông minh. Vì vậy, rủi ro lớn trong quản lý thuế là các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt và để có thể kiểm soát, quản lý thu được thuế đối với các giao dịch TMĐT thì ngoài việc nắm bắt các đối tác trung gian, rất cần phải kiểm soát các đơn vị cung cấp dịch vụ cho TMĐT như các nhà mạng, các đơn vị cung cấp chứng thư chữ ký số.
Bốn là, không gian số hoá cho phép thực hiện các giao dịch xuyên quốc gia mà không thể thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan. Đây là một đặc điểm quan trọng nhất của TMĐT mà pháp luật thuế phải tính đến để có các quy định mang tính khả thi. Thực tiễn cho thấy, sẽ không thể thu được thuế đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới mà đối tượng là dịch vụ nếu như không có quy định về biện pháp khấu trừ thuế tại nguồn đối với người mua dịch vụ.
Năm là, trong TMĐT, tham gia cùng với hai đối tác người bán/người mua nhất thiết phải có một bên thứ ba thực hiện vai trò chứng thực và hỗ trợ kỹ thuật cho các bên trong quá trình tiến hành một giao dịch TMĐT. Bên thứ ba này có thể là chủ thể cung cấp các điều kiện hạ tầng kỹ thuật cho giao dịch như cung cấp hệ thống mạng, máy chủ, đường truyền, xác nhận chữ ký điện tử, cung cấp tiền điện tử hoặc các hình thức thanh toán khác có thể thực hiện trên internet. Như vậy, trong mọi trường hợp, hiệu quả quản lý thuế hoàn toàn phụ thuộc vào việc kiểm soát, quản lý bên thứ ba.
Những điểm đặc thù nêu trên đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ trong hệ thống pháp luật quản lý về nhiều lĩnh vực liên quan, các quy định về thuế cần được thiết kế cụ thể phù hợp với từng loại hình giao dịch, từng phương thức thanh toán cũng như địa vị pháp lý và vị trí của từng bên thứ ba trong TMĐT.
Quy định pháp luật thuế đối với thương mại điện tử
Cho dù các giao dịch thương mại được các bên thực hiện theo phương thức truyền thống hay giao dịch TMĐT thì đối tượng của giao dịch cũng rơi vào 1 trong 3 hoặc cả 3 đối tượng là hàng hoá, dịch vụ và vốn. Theo thông lệ quốc tế, giao dịch về vốn thường không bị áp thuế bởi vốn chưa tạo ra giá trị. Hiện tại, Việt Nam không áp thuế đối với các giao dịch về vốn cũng như các giao dịch chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Với đối tượng của giao dịch TMĐT là hàng hoá thì Việt Nam đang áp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (GTGT). Ngoài ra, một số loại khác có thể áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế bảo vệ môi trường (BVMT) và người nhập khẩu là đối tượng kê khai nộp các loại thuế này. Đối với hàng hoá được sản xuất, tiêu thụ trong nước thì trách nhiệm kê khai nộp thuế thuộc về người bán và tuỳ theo từng mặt hàng, với các loại thuế áp dụng là thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế BVMT. Người bán hàng hoá có thu nhập nếu là tổ chức thì sẽ phải kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hoặc kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nếu là cá nhân. Với người bán hàng là cá nhân thì có thế được miễn nộp các loại thuế GTGT, TNCN nếu mức doanh thu cả năm không vượt quá 100 triệu đồng.
Với đối tượng của giao dịch TMĐT là dịch vụ có quy định cụ thể đối với dịch vụ được cung cấp trong nước và dịch vụ được cung cấp từ nước ngoài. Theo đó, áp thuế GTGT với dịch vụ trong nước; áp thuế TNDN với người bán dịch vụ là tổ chức (thuế TNCN đối với người bán dịch vụ là cá nhân). Đối với dịch vụ được cung cấp từ nước ngoài thì trách nhiệm kê khai, khấu trừ thuế tại nguồn được áp dụng đối với người mua ở Việt Nam là tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh. Không phân biệt dịch vụ được cung cấp ở nước ngoài hay trong nước, người mua dịch vụ là doanh nghiệp thì sẽ được tính giá trị dịch vụ vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu có hoá đơn/chứng từ hợp pháp.
Hiện tại, Luật Quản lý thuế áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân khi có phát sinh nghĩa vụ thuế từ các hoạt động thương mại hoặc hoạt động làm công, mua/bán tài sản, không phân biệt giao dịch thương mại theo phương thức truyền thống hay theo phương thức TMĐT. Do vậy, bất kể là DN hay cá nhân với vai trò là người bán, người cung cấp trong các giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế. Trong trường hợp người mua dịch vụ là tổ chức, doanh nghiệp, hoặc cá nhân kinh doanh ở trong nước thì họ còn có trách nhiệm khấu trừ, kê khai nộp thuế nhà thầu nước ngoài thay cho nghĩa vụ của người cung cấp dịch vụ là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
Quản lý thuế các đối tượng tham gia thương mại điện tử thế nào?
Từ những điểm đặc thù của TMĐT và các quy định pháp luật thuế hiện hành, để có các biện pháp quản lý thuế phù hợp, rất cần thiết phải phân loại các đối tác tham gia TMĐT theo vị trí (người mua/bán); phân loại theo các cấp độ quản lý như: Đặc biệt khó khăn; Rất khó quản lý; Khó quản lý; Có thể quản lý được. Đồng thời, khi đi vào từng vị trí quản lý thuế, cần phân loại các đối tượng tham gia TMĐT là hàng hoá hay dịch vụ, nguồn cung cấp là trong nước hay nước ngoài để xác định trọng tâm, trọng điểm và các biệp pháp quản lý cho phù hợp.
Trên giác độ trách nhiệm pháp lý về nghĩa vụ thuế, có thể phân chia các đối tác tham gia giao dịch TMĐT thành 3 vị trí: Cá nhân; Tổ chức không kinh doanh nhưng có dịch vụ có thu tiền; Doanh nghiệp (theo Bảng):
Tại vị trí Đặc biệt khó quản lý vì cơ quan thuế khó có đủ nguồn lực để đi theo từng cá nhân người bán và người mua. Tuy nhiên, cũng có thể quản lý được đối với những cá nhân đăng ký giao dịch theo Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Công Thương về quản lý website thương mại điện tử. Theo đó, những cá nhân mở website TMĐT để bán hàng phải đăng ký với Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) và cơ quan thuế có khả năng thực hiện được việc phối hợp khai thác nắm bắt thông tin phục vụ công tác quản lý thuế đối với cá nhân này. Tương tự, những cá nhân bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT thì cơ quan thuế cũng có thể nắm bắt được thông tin thông qua các doanh nghiệp hoặc cá nhân là chủ sàn giao dịch.
Tại vị trí “Rất khó quản lý” khi người bán là cá nhân và trường hợp cả bên bán, bên mua là những tổ chức không kinh doanh nhưng có hoạt động thu tiền qua giao dịch TMĐT. Bởi vì, với những tổ chức thuộc loại này họ chỉ chịu sự kiểm soát của cơ quan thuế trong trường hợp họ có sử dụng lao động, trả tiền lương cho nhân viên và thực hiện các thủ tục đăng ký, kê khai thuế thu nhập cá nhân và cơ quan thuế cũng rất khó đi sâu vào để kiểm tra nguồn thu, dòng tiền và nội dung chi tiêu của các tổ chức thuộc loại này.
Tại vị trí “Khó quản lý” đối với trường hợp người bán là cá nhân hoặc tổ chức không kinh doanh nhưng cơ quan thuế có thể quản lý được ít nhất là tại khâu người mua là DN, bởi các DN cần kê khai chi phí đầu vào. Với trường hợp giao dịch TMĐT mà người bán là DN, người mua là cá nhân hoặc tổ chức không kinh doanh thì mức độ khó trong quản lý thuế cũng tương tự nhưn quản lý thuế đối với giao dịch thương mại truyền thống.
Tại vị trí “Có thể quản lý” thu thuế được bởi các bên trong giao dịch TMĐT đều là DN, có quan thuế có thể kiểm soát được ở cả hai vị trí người bán và người mua. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro trong trường hợp thông tin giao dịch là TMĐT nhưng hàng hoá được giao theo phương thức truyền thống (bên bán có thể giấu doanh thu bán hàng nếu thanh toán bằng tiền mặt).
Quản lý thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu
Các giao dịch TMĐT đối tượng với hàng hoá xuất nhập khẩu, phải thực hiện các nghiệp vụ kê khai hải quan, qua đó, cơ quan hải quan thực hiện thu thuế theo quy định của pháp luật. Việc khai thuế, tính thuế được thực hiện trên tờ khai hải quan và nộp thuế theo trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính. Đối với các cá nhân thực hiện việc mua hàng qua các trang mạng quốc tế (ví dụ ebay, amazon...) thì hàng hoá được chuyển về vẫn phải thực hiện quản lý thuế tại hệ thống hải quan. Theo đó, các đại lý, nhất là đại lý phân phối độc quyền của các hãng nước ngoài, các DN làm thủ tục chuyển phát quốc tế phải thực hiện nghĩa vụ thuế trước khi làm thủ tục thông quan hàng nhập khẩu, kể cả việc nhập khẩu thực hiện theo thủ tục phi mậu dịch.
Rủi ro trong quản lý thuế với hàng hoá nhập khẩu có thể xảy ra tại khâu nội địa nếu người mua là cá nhân không cần hoá đơn chứng từ và người bán thu tiền mặt nhưng không xuất hoá đơn, không hạch toán doanh thu. Khi đó, tiền thuế có thể thất thoát gồm thuế TNDN và thuế GTGT tương ứng với phần giá trị tăng thêm (giá bán cao hơn giá nhập khẩu). Việc quản lý thuế đối với hàng hoá sau khi đã nhập khẩu và được bán trong nội địa cũng sẽ được thực hiện như các giao dịch hàng hoá nội địa (nêu dưới đây).
Quản lý thuế đối với hàng hoá trên thị trường nội địa
Hàng hoá được bán trong nội địa qua giao dịch TMĐT bao gồm hàng hoá được sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Như vậy, việc quản lý thuế đối với các giao dịch TMĐT cần đặt trọng tâm vào người bán là DN và cơ quan thuế cần sử dụng các biện pháp sau: Truy cập vào cổng thông tin điện tử của Cục Thương mại điện tử để tìm ra thông tin, địa chỉ, tình trạng của DN bán hàng; Truy cập vào website của ngành Thuế, xác định địa chỉ, mã số thuế, cơ quan thuế địa phương quản lý DN trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp quản lý thuế theo quy trình quản lý thuế với đối tượng là DN. Khi đó, các giao dịch TMĐT tìm kiếm được chính là các thông tin bổ trợ cho công tác quản lý thuế trong tất cả các khâu từ kê khai, thu nộp thuế đến kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về thuế theo quy định chung.
Đối với trường hợp người bán hàng là các cá nhân, cần tiếp tục phân loại thành các nhóm theo mức độ rủi ro để có các biện pháp quản lý phù hợp, cụ thể:
- Nhóm cá nhân bán hàng thực hiện giao dịch trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội mang tính quốc tế, như: google, yahoo, facebook... thì ít nhất trong vòng 5 năm tới không đặt kỳ vọng vào việc quản lý nhóm này vì không đủ nguồn lực để chạy theo từng cá nhân, trong khi chi phí quá lớn. Hiện tại, tuy các trang mạng nêu trên đã có các đại diện tại Việt Nam nhưng chúng ta mới chỉ có thể quản lý thu thuế đối với các giao dịch được hỗ trợ làm thủ tục qua đại diện, hoặc thu thuế nhà thầu đối với hoạt động quảng cáo của DN trên các trang này.
- Nhóm cá nhân có website điện tử bán hàng thuộc diện phải thực hiện thông báo cho Cục Thương mại điện tử theo quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT. Đây là những cá nhân thực hiện nghiêm túc quy định của nhà nước về TMĐT và trong điều kiện cơ sở dữ liệu của ngành thuế được bổ sung, sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý thị trường được cải tiến thì chúng ta có thể vươn lên quản lý thu thuế được với nhóm này. Tuy nhiên, gặp phải những khó khăn và tốn kém chi phí phân loại đối tượng để quản lý thu thuế cho phù hợp với quy định hiện hành của chính sách thuế dành cho cá nhân kinh doanh có mức doanh thu năm không vượt quá 100 triệu đồng (được miễn nộp thuế GTGT, miễn nộp thuế TNCN).
- Nhóm cá nhân có website điện tử bán hàng nhưng không thông báo cho Cục Thương mại điện tử là không tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời cũng có thể không ít trường hợp vi phạm pháp luật về đăng ký, kê khai thuế. Hiện tại, chưa có lực lượng để theo dõi quản lý thuế đối với nhóm này và để có thể quản lý họ cơ quan thuế cần mất thời gian nhiều hơn để tiến hành nhiều việc. Ví dụ: Phân công lực lượng chuyên trách, có kiến thức tin học để tìm ra địa chỉ của cá nhân bán hàng thông qua các thông tin trên website; Thực hiện cơ chế điều phối, thông báo, phân công cho cơ quan thuế tại địa phương chỉ nơi mới tìm được thông tin... từ đó mới có thể áp dụng các biện pháp quản lý chống thất thu về hộ kinh doanh, đưa dần vào đối tượng quản lý theo quy trình quản lý hộ cá thể.
- Đối với nhóm cá nhân tham gia kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, việc quản lý thuế cần hướng vào các DN cung cấp dịch vụ TMĐT quy định tại Điều 14 Thông tư số 47/2014/TT-BCT. Theo đó, từ công tác quản lý, theo dõi các DN, các tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ TMĐT để theo dõi, nắm bắt các thông tin về hợp đồng, thoả thuận hợp tác. Kiểm tra chứng từ liên quan đến các khoản thu/chi của các DN này, cơ quan thuế có thể tìm ra được thông tin về các cá nhân thực hiện kinh doanh qua sàn, nhất là các trường hợp xây dựng kho hàng trên mạng, trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp quản lý thuế như đối với các nhóm nêu trên.
Quản lý thuế đối với hàng hoá, dịch vụ, chi phí của bên mua trong nước
Bám sát việc chi trả tiền mua hàng hoá dịch vụ từ các DN, tổ chức trong nước được xem là biện pháp có tính khả thi nhất trong điều kiện hiện nay. Bởi DN mua hàng trong TMĐT luôn có nhu cầu hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Quy định của pháp luật hiện hành về thuế TNDN bắt buộc các DN phải có chứng từ, hoá đơn mua hàng hoá, chứng từ thanh toán đối với các giao dịch TMĐT.
Do đó, các DN là bên mua hàng luôn đòi hỏi người cung cấp phải xuất hoá đơn và thông qua đó, cơ quan thuế có thể nắm bắt thông tin về người bán để thực hiện phối hợp trao đổi trong hệ thống nhằm áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp.
Đặc biệt, qua ra soát dòng tiền chi ra của DN, tổ chức chi trả cho các giao dịch với đối tác nước ngoài, cơ quan thuế có quyền kiểm tra chứng từ liên quan, thông tin kinh tế, thông tin về hợp đồng, thoả thuận, thanh lý, đối chiếu công nợ... từ đó áp dụng các quy định về thuế nhà thầu nước ngoài (Thông tư số 103/2014/TT-BTC) để yêu cầu tổ chức, DN thực hiện. Đây là biện pháp đã và đang được ngành Thuế triển khai tốt trong thời gian qua.
Qua tổng kết, đánh giá về công tác quản lý thuế giai đoạn 2012 – 2014 cho thấy, ngành Thuế đã khai thác tăng thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế nhà thầu nước ngoài đối với các bên liên kết trong các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm đào tạo ngoại ngữ, các DN phần mềm... trên cơ sở rà soát, kiểm tra việc chi trả tiền bản quyền, tiền liên kết. Trong đó, không ít trường hợp hoạt động đào tạo, quảng cáo, cung cấp dịch vụ được các bên thực hiện theo phương thức giao dịch TMĐT. Ngoài ra, qua việc kiểm soát chi phí của DN, cơ quan thuế cũng tìm ra được không ít cơ sở kinh doanh trong nước là đối tác bán hàng hoá, dịch vụ liên quan đến các giao dịch TMĐT để thực hiện việc phối hợp kiểm tra, truy thu, xử phạt.
Quản lý thuế đối với kinh doanh dịch vụ mạng, trò chơi trực tuyến
Việc quản lý thuế với các đối tượng là DN trong lĩnh vực này không gặp nhiều khó khăn như lâu nay báo chí nêu và nhiều người lầm tưởng vì các DN luôn có địa điểm kinh doanh rõ ràng, tài khoản ngân hàng minh bạch, đặc biệt trong các trường hợp phát hành thẻ để thực hiện giao dịch trực tuyến thì chúng ta hoàn toàn có thể liên kết khai thác dữ liệu từ các nhà cung cấp dịch vụ mạng, các trung tâm thanh toán thẻ. Trên thực tế, cơ quan thuế đã quản lý thu thuế với các giao dịch TMĐT của các nhà cung cấp tiêu biểu như FPT, CMC, VTC, VNG.
Từ thực tiễn quản lý các DN này, cơ quan thuế có thể tổng kết đúc rút kinh nghiệm và từ đó mà nghiên cứu, xây dựng một quy trình quản lý để áp dụng thống nhất tại các địa phương. Việc đào tạo kỹ năng quản lý về TMĐT cho cán bộ công chức thuế cũng có thể được triển khai đồng thời với việc ngành thuế đang đẩy mạnh áp dụng chương trình khai thuế qua Internet và nộp thuế điện tử./.