Quản trị dòng tiền – yếu tố sống còn của doanh nghiệp

ThS. Nguyễn Thanh Thủy - Khoa Kinh tế - Trường Đại học Công Đoàn

Quản trị dòng tiền một cách hiệu quả là yêu cầu cực kỳ bức thiết, quyết định trực tiếp đến sự sống còn của cả một doanh nghiệp (DN). Sự thiết hụt tiền mặt ở mức độ nghiêm trọng hoặc sự dư thừa tiền mặt quá mức ở DN đều thể hiện sự yếu kém trong hoạt động quản trị tài chính DN. Vì vậy, cần có sự hoạch định điều khiển sự vận động ra vào của dòng tiền phát sinh trong quá trình hoạt động đảm bảo sự cân đối, ăn khớp giữa dòng tiền vào và dòng tiền ra trong quá trình hoạt động của DN. Bài viết trình bày một số nội dung tổng quan về quản trị dòng tiền, các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị dòng tiền cũng như đề xuất một số giải pháp mang tính định hướng để nâng cao hiệu quả quản trị dòng tiền trong DN.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng quan về quản trị dòng tiền

Quản trị dòng tiền là quá trình bao gồm các hành động lập kế hoạch, theo dõi, đánh giá và điều chỉnh dòng tiền trong DN để tối ưu hoá các nguồn lực sẵn có, đảm bảo tính thanh khoản trong hoạt động kinh doanh, góp phần đạt được mục tiêu kinh doanh đã xác định.

Quản trị dòng tiền giúp DN chủ động nắm bắt được tình hình tài chính, cũng như hiệu quả của việc sử dụng nguồn tài chính của DN. Đó là cơ sở để DN xây dựng được kế hoạch phát triển và mở rộng quy mô kinh doanh. Có thể nói, quản trị dòng tiền tốt sẽ giúp đảm bảo sức khỏe tài chính cho DN, quyết định đến sự sống còn của DN.

Quản trị dòng tiền hướng tới các mục tiêu chính sau:

Thứ nhất, tối ưu hoá việc phân phối nguồn tiền hình thành các nguồn lực cần thiết đáp ứng nhu cầu hoạt động của DN trong từng thời kỳ. Việc tối ưu hoá trong phân phối nguồn tiền của DN phục vụ cho các hoạt động kinh tế của DN là mục tiêu chung trong quản trị tài chính DN. Trong mỗi hoạt động, nhà quản trị cần sử dụng tối ưu các nguồn lực tiền tệ, đảm bảo đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất, góp phần đạt được mục tiêu phát triển của DN.

Thứ hai, đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ thanh toán của DN. Thành công về tài chính của một DN không chỉ thể hiện ở nguồn vốn, doanh thu và lợi nhuận, mà còn ở khía cạnh DN có khả năng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính của mình. Dòng tiền không đủ đáp ứng hoạt động của DN là một trong những yếu tố dẫn tới khó khăn tài chính.

Thứ ba, tối ưu hoá chi phí tài chính. Việc dự đoán được tương đối chính xác nhu cầu tiền mặt thì DN sẽ hạn chế được tối đa nhu cầu vốn phải vay mượn, do đó giảm chi phí lãi vay tới mức tối thiểu. Như vậy, quản trị dòng tiền hiệu quả đảm bảo tối đa hoá các nguồn lực có sẵn và giảm thiểu chi phí tài chính phát sinh từ các yêu cầu về nguồn lực từ bên thứ ba.

Thứ tư, xác lập chính sách và ra quyết định hoạt động đúng đắn. Quản trị dòng tiền cung cấp thông tin cơ sở cho những dự đoán tài chính, mà dự đoán là nền tảng của hoạt động quản lý, làm sáng tỏ, không chỉ chính sách tài chính mà còn làm rõ các chính sách chung trong DN. Từ đó, tổ chức thực hiện các hoạt động đặc biệt là các hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của DN và kịp thời ra quyết định điều chỉnh cho phù hợp.

Các yếu tố ảnh hưởng đến quản trị dòng tiền trong doanh nghiệp

Môi trường chính trị và luật pháp

Yếu tố này tác động mạnh đến việc hình thành và khai thác cơ hội kinh doanh và thực hiện mục tiêu của DN. Ổn định chính trị là tiền đề quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các DN hoạt động đều dưới sự quản lý của Nhà nước với hệ thống luật pháp công khai, minh bạch. Hệ thống pháp luật hoàn thiện và sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các DN. Ngoài ra, mức độ thông thoáng của pháp luật cũng ảnh hưởng tới các quyết định tài chính của DN.

Môi trường kinh tế

Môi trường kinh tế thể hiện đặc trưng của hệ thống kinh tế mà tại đó các DN tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự thay đổi môi trường tế có tác động mạnh tới kết quả hoạt động của DN.

Các dòng tiền của DN có những phản ứng nhạy cảm với sự thay đổi của nền kinh tế. Khi nền kinh tế phát triển, cơ hội đầu tư nhiều cũng như thị trường vốn dồi dào. Các kênh huy động vốn phong phú. Lúc này dòng tiền thuần lại tăng lên rất nhiều.

Ngược lại, khi nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm hay bị rơi vào suy thoái do chính sách tiền tệ thắt chặt thì các DN lớn có xu hướng gia tăng nợ vay, trong khi đó, các DN nhỏ vẫn duy trì mức nợ như cũ. Dòng tiền thuần hoạt động có thể giảm đi đáng kể khi nền kinh tế xảy ra khủng hoảng khiến doanh thu có thể tăng chậm lại hoặc giảm đi nhiều.

Lạm phát là một trong các yếu tố vĩ mô quan trọng ảnh hưởng tới của lượng tiền mặt mà DN nắm giữ. Khi lạm phát cao, các DN lo ngại giá cả tiếp tục tăng cao nên sẽ tăng chi phí mua nguyên nhiên vật liệu, công cụ dụng cụ, hàng hóa hoặc phải cắt giảm sản lượng. DN cũng sẽ có nguy cơ phải tăng giá bán sản phẩm hoặc có nguy cơ giảm số lượng hàng bán ra, điều này làm giảm thu nhập bằng tiền của DN. Từ đó, có thể làm thay đổi giá trị và thời điểm phát sinh dòng tiền.

Đặc điểm ngành nghề kinh doanh

Các DN sản xuất và DN thương mại, dịch vụ có cơ cấu tài sản là khác nhau, sản phẩm khác nhau dẫn tới dòng tiền thu vào và chi ra là khác nhau. Do vậy DN cần dựa vào đặc điểm ngành nghề kinh doanh của mình để quyết định chính sách tín dụng thương mại, chính sách hàng tồn kho mà DN áp dụng, đảm bảo tổ chức thực hiện kế hoạch dòng tiền đã định.

Quy mô DN, mức độ đa dạng hóa hoạt động của DN

Quy mô của DN là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến dòng tiền của DN. Các DN có quy mô lớn thường có dòng tiền ổn định hơn, luân chuyển dòng tiền liên tục và ổn định hơn các DN có quy mô nhỏ. Ngoài ra, những DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực nắm giữ tiền mặt ít hơn so với các công ty tập trung vào một lĩnh vực hoạt động vì đa dạng hóa hoạt động tạo điều kiện cho việc điều phối tốt hơn các dòng tiền và cơ hội đầu tư.

Trình độ nguồn nhân lực làm công tác quản trị dòng tiền

Trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác quản trị dòng tiền nói riêng và quản trị tài chính nói chung quyết định rất lớn đến quản trị dòng tiền của DN. Trình độ, quan điểm, tư cách đạo đức của nguồn nhân lực tham gia quản trị dòng tiền ảnh hưởng đến chất lượng tư vấn và ra quyết định tạo lập, phân phối, sử dụng các quỹ tiền tệ trong DN.

Nhà quản trị DN thực hiện quản trị dòng tiền ở mức độ cao, kết hợp kiểm soát nội bộ trong quản lý tiền mặt chặt chẽ, đặc biệt là kiểm soát nội bộ đối với những nhân viên liên quan đến sổ sách kế toán và chuẩn bị ngân quỹ tiền mặt. Cán bộ làm công tác quản trị dòng tiền phải có kinh nghiệm làm việc, hiểu rõ đặc điểm, tình hình hoạt động của DN để phối hợp nhịp nhàng với các bộ phận khác liên quan, đảm bảo lưu chuyển tiền tệ liên tục.

Chính sách tài chính của DN

Các quyết định đầu tư, huy động vốn và quyết định phân phối lợi nhuận đều ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền của DN. Quyết định đầu tư ảnh hưởng đến cơ cấu vốn từ đó ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của DN, trong đó có chi tiêu cho tài sản cố định và các khoản đầu tư khác. Các quyết định chi trả cổ tức bằng tiền ảnh hưởng đến tiền tồn quỹ của DN và khả năng thanh toán của DN.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị dòng tiền trong doanh nghiệp

Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả quản trị dòng tiền trong DN, cần chú trọng một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch dòng tiền.

Các nhà quản trị cần coi việc xây dựng kế hoạch dòng tiền là một phần của kế hoạch kinh doanh tổng thể. Kế hoạch càng chi tiết thì việc tổ chức thực hiện, theo dõi, điều chỉnh và đánh giá dòng tiền càng chính xác, đồng thời có thể kịp thời xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến dòng tiền và lượng tiền tồn quỹ. Ban lãnh đạo DN cần dựa trên kế hoạch dòng tiền dài hạn nhằm chủ động hơn việc theo dõi, thu hồi nợ khó đòi, chi đầu tư dài hạn, và kế hoạch huy động, sử dụng vốn dài hạn tương ứng với chiến lược phát triển của DN.

Về căn cứ lập kế hoạch dòng tiền, việc lập kế hoạch dòng tiền không thể chỉ dựa vào các báo cáo tài chính và kế hoạch kinh doanh như hiện nay các DN đang làm. Báo cáo tài chính là thông tin mô tả kết quả trong quá khứ, còn kế hoạch dòng tiền lại chứa đựng nội dung hướng tới tương lai, dự báo kết quả hoạt động và dòng tiền có thể phát sinh. Vì vậy, bên cạnh việc duy trì tiếp nhận thông tin, dự báo do các bộ phận bên trong cung cấp, các DN cần chủ động cập nhật các thông tin kinh tế - xã hội trong và ngoài nước liên quan đến ngành nghề hoạt động của DN và các tổ chức khác có liên quan.

Hai là, theo dõi thường xuyên khoản phải thu để rút ngắn kỳ thu tiền bình quân.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, chính sách cấp tín dụng thương mại là một trong các biện pháp phổ biến nhằm thu hút khách hàng, mở rộng thị trường, nâng sức cạnh tranh, tăng cường doanh thu cho DN. Để các chính sách này có ý nghĩa, mang lại lợi ích thì các DN cần tăng cường quản trị khoản phải thu để thu hồi sớm các khoản thanh toán của khách hàng. Nhà quản trị tài chính cần ra quyết định cấp tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng và theo dõi chặt chẽ khoản phải thu nhằm rút ngắn kỳ thu tiền bình quân và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, từ đó gia tăng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, cải thiện kết quả quản trị dòng tiền.

Khi DN đồng ý cấp tín dụng thương mại cho khách hàng, đồng nghĩa với việc tăng nợ phải thu, giảm tốc độ phát sinh dòng tiền vào và mất đi chi phí cơ hội đầu tư do bị chiếm dụng tiền. Trên cơ sở thu thập đầy đủ thông tin về khách hàng và tính toán giữa lợi ích nhận được và chi phí bỏ ra, nhà quản trị đưa ra quyết định nới lỏng, thắt chặt tín dụng hoặc từ chối bán chịu cho từng đối tượng khách hàng.

Ba là, cải thiện khả năng thanh toán của DN.

Bên cạnh các nhà cung cấp hiện tại, các DN có thể tìm kiếm thêm nhà cung cấp để tăng cường sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị, đồng thời thuận lợi trong việc đàm phán điều khoản thanh toán. Như vậy, DN có thể đạt được nhiều lợi ích về chi phí mua nguyên liệu vật liệu, thời gian vận chuyển, ưu đãi thanh toán. Nếu nguồn cung trong nước không đảm bảo về số lượng hoặc chất lượng theo yêu cầu sản xuất, DN cần tìm kiếm để lựa chọn thêm các nhà cung cấp nước ngoài để đa dạng hóa danh mục các nhà cung cấp các yếu tố đầu vào.

Các nhà quản trị DN cần nâng cao năng lực đàm phán, chủ động thực hiện đàm phán, thương lượng với nhà cung cấp để được hưởng những ưu đãi trong giá cả hàng hoá, chi phí mua hàng, phương thức thanh toán trả chậm, cân đối hài hoà dòng tiền vào và dòng tiền ra, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng các loại tài sản ngắn hạn như tiền và các khoản tương đương tiền, hàng tồn kho... mà vẫn đảm bảo an toàn tài chính cho DN.

Bốn là, DN cần hoàn thiện công tác kiểm tra đánh giá dòng tiền.

Các DN nên kết hợp kiểm tra, đánh giá dòng tiền theo định kỳ và kiểm tra, đánh giá đột xuất. Đây là điều cần thiết đối với tất cả các DN nhằm đánh giá đúng thực trạng quản trị dòng tiền một cách khách quan nhất là trong điều kiện môi trường kinh doanh hiện nay có nhiều biến động gây ảnh hưởng đến dòng tiền của DN. Việc kiểm tra đột xuất không bắt buộc thực hiện đối với tất cả các DN, trước mắt cần tập trung vào những DN có mức lưu chuyển tiền thuần âm.

Năm là, hoàn thiện công tác quản trị rủi ro trong DN.

Rủi ro là yếu tố không chắc chắn ảnh hưởng đến việc đạt được mục tiêu trong quản trị dòng tiền của DN, nhưng DN không thể loại bỏ hoàn toàn hoặc né tránh các rủi ro. Việc quản trị rủi ro không chặt chẽ khiến quản trị dòng tiền của DN gặp khó khăn, việc tổ chức thực hiện kế hoạch dòng tiền bị động khi rủi ro xảy ra và không theo kế hoạch đã phê duyệt. Vì vậy, việc hoàn thiện quản trị rủi ro tại tất cả các DN là rất cần thiết, để kịp phát hiện các sự kiện, đánh giá rủi ro và xác định phương án xử lý tình huống xấu nhất có khả năng xảy ra nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực hoặc nắm bắt cơ hội để gia tăng những tác động tích cực đối với DN, góp phần đạt được các mục tiêu mà DN đã đề ra.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Hương Giang “Quản trị dòng tiền của các DN dệt may thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam”, luận án tiến sĩ kinh tế Trường đại học Thương mại năm 2022;
  2. Bùi Văn Vần và Vũ Văn Ninh (2015), "Giáo trình Tài chính DN";
  3. Đỗ Hồng Nhung (2014), "Quản trị dòng tiền của các DN chế biến thực phẩm Việt Nam", Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân;
  4. Abel Obeng Amanfo Ofori (2020), Effects of External Factors on Organisational Cash Flow: Evidence From Ghana, International Journal of
  5. Accounting and Financial Reporting, ISSN 2162-3082, Vol. 10, No. 1.