Quản trị tài chính sau cổ phần hóa: Kinh nghiệm từ doanh nghiệp vật liệu xây dựng
Quản trị tài chính có vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững đối với hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp cổ phần. Thực tiễn việc quản trị tài chính sau 10 năm cổ phần hóa tại Công ty cổ phần Xi măng Vật liệu xây dựng Xây lắp Đà Nẵng cho thấy, những bài học kinh nghiệp quý báu về việc nâng cao năng lực tài chính, hoàn thiện công tác quản trị tài chính trong môi trường cạnh tranh và hội nhập.
Những thay đổi căn bản trong quản trị tài chính sau cổ phần hóa
Thực hiện chủ trương đổi mới và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), năm 2007, Công ty Xi măng vật liệu xây dựng xây lắp Đà Nẵng chuyển đổi sang công ty cổ phần từ ngày 01/06/2007. Ngày 24/01/2008, Công ty chính thức niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với mã chững khoán DXV.
Sau 10 năm cổ phần hóa (CPH) và niêm yết trên thị trường chứng khoán, hoạt động của Công ty đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là công tác quản trị tài chính. Thực tiễn tại Công ty cổ phần Xi măng vật liệu xây dựng xây lắp Đà Nẵng (DXV) cho thấy, quản trị tài chính là công việc rất quan trọng, đó là việc đưa ra các quyết định tài chính, tổ chức, thực hiện các quyết định nhằm đạt được mục tiêu hoạt động tài chính của DN. Sau khi CPH, công tác quản trị tài chính của Công ty có rất nhiều thay đổi thông qua các hoạt động sau:
Thứ nhất, về quyết định tài chính: Trước khi CPH, các quyết định tài chính thường do Ban giám đốc thực hiện. Sau CPH, tất cả các quyết định lớn về tài chính đều được đưa ra thảo luận, biểu quyết tại hội nghị cổ đông. Tuy nhiên, trong những năm đầu, với bộ máy quản lý (Ban giám đốc) có 2 thành viên gần như không thay đổi, bộ máy điều hành (HĐQT) có 5 thành viên, nhưng những thành viên này đều nằm trong Ban giám đốc của Công ty, điều này làm hạn chế sức sáng tạo và không mang lại nhiều thay đổi trong chính sách quản trị tài chính của Công ty. Từ năm 2010 đến nay, cơ cấu nhân sự HĐQT và Ban giám đốc đã có nhiều thay đổi. Các thành viên trong HĐQT có sự thay đổi liên tục và Ban giám đốc đã nâng cao vai trò và trách nhiệm, từ đó có các quyết định tài chính đúng đắn, đem lại hiệu quả kinh doanh cao.
Thứ hai, về nguồn vốn: Nguồn vốn của Công ty tăng nhanh trong giai đoạn 2007 - 2012 thông qua việc Công ty vay vốn từ ngân hàng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Tỷ lệ nợ trong giai đoạn này rất cao (gần 80%/năm). Sau năm 2012, hàng loạt các công trình dở dang đã hoàn thành và được bàn giao nên Công ty đã thu hồi vốn và trả nợ, điều này đã làm nguồn vốn (chủ yếu là nợ vay) của Công ty giảm nhanh chóng.
Giai đoạn 2012 – 2016, thị trường bất động sản trầm lắng; giá cả vật tư nguyên vật liệu tăng cao khi giá bán không tăng; thị trường xi măng cung vượt cầu; các thương hiệu xi măng giá thấp đưa vào thị trường… trở thành thách thức lớn cho Công ty. Quy mô vốn của công ty có xu hướng giảm nhẹ, tỷ lệ nợ giảm chỉ còn khoảng 50%/năm để đảm bảo khả năng thanh toán và an toàn vốn.
Thứ ba, về doanh thu và lợi nhuận: Trước khi CPH, tình hình tài chính của Công ty gặp nhiều khó khăn, doanh thu và lợi nhuận tăng với tỷ lệ bình quân rất thấp. Doanh thu tăng bình quân 0,11%/năm và lợi nhuận có nhiều biến động. Nguyên nhân là do công tác quản trị tài chính chưa được quan tâm đúng mức, thêm vào đó là giá nguyên liệu chính để phục vụ sản xuất không ổn định.
Sau khi thực hiện CPH và niêm yết cổ phiếu, cùng với sự tăng trưởng “nóng” của thị trường bất động sản đã giúp Công ty đạt mức doanh thu cao kỷ lục (859 tỷ đồng với tỷ lệ tăng gần 40% so với năm 2007). Giai đoạn từ 2009 - 2011, doanh thu có xu hướng giảm là do hầu hết các dự án, công trình còn đang xây dựng dở dang. Một số công trình dân dụng hoàn thành và quyết toán tạo cho công ty có nguồn thu khá ổn định. Doanh thu của Công ty trong giai đoạn 2012 – 2016 dù có cải thiện nhưng không đáng kể (Hình 1).
Giai đoạn 2007 - 2011, Công ty được hưởng nhiều chế độ ưu đãi, miễn giảm thuế TNDN nên là một lợi thế để gia tăng nguồn vốn kinh doanh, gia tăng lợi ích của nhà đầu tư cũng như hiệu quả kinh doanh của Công ty. Mức lợi nhuận đã tăng nhanh do: (i) DXV được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế: Thuế giá trị gia tăng của vật liệu xây dựng, hỗ trợ lãi suất của Chính phủ; (ii) Cuối 2008, DXV tăng giá bán sản phẩm, sang 2009, giá vật tư giảm nhưng giá bán không thay đổi; (iii) DXV vẫn được hưởng ưu đãi về thuế TNDN.
Năm 2012, vì các yếu tố miễn giảm thuế không còn, giá vật tư tăng, thị trường kinh doanh trầm lắng làm chi phí tăng, doanh thu giảm nên lợi nhuận đã giảm nhiều với năm trước. Mức lợi nhuận này được Công ty duy trì tương đối ổn định đến nay.
Thứ tư, về giá thị trường của cổ phiếu: Sau khi được niêm yết trên HOSE, giá thị trường của cổ phiếu đã có sự biến động lớn do chịu ảnh hưởng của thị trường chứng khoán cũng như các chiến lược đầu tư trên thị trường này. Sau phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu DXV chốt ở mức cao 33.600 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên, mức giá này đã đã giảm sâu trong các phiên tiếp theo.
Đến năm 2008, giá cổ phiếu của Công ty có xu hướng đảo chiều tăng từ 4.900 đồng/cổ phiếu lên đến 10.160 đồng/cổ phiếu trong năm 2010, những năm sau lại giảm mạnh, đặc biệt trong năm 2012 và 2013, giá giảm sâu chỉ còn khoảng 3.900 đồng/cổ phiếu.
Trong năm 2010, chỉ tiêu EPS tăng là do lợi nhuận tăng cao, tuy nhiên, EPS đã giảm mạnh trong năm 2011, 2012 và tiếp tục duy trì đến nay. Chỉ tiêu này gắn với sự biến động của lợi nhuận và ở mức không cao nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.
Kinh nghiệm quản trị tài chính sau cổ phần hóa
Thực tiễn quản trị tài chính sau CPH tại DXV cho thấy, nhiều kinh nghiệm hữu ích cho các DN có thể tham khảo vận dụng. Cụ thể:
Một là, chủ động, sáng tạo trong việc đưa ra các quyết định về tài chính và quản trị tài chính. Sau khi CPH, kết quả quản trị tài chính đã có nhiều thay đổi thể hiện qua việc chi phí quản lý, chi phí điều hành có xu hướng giảm, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh. Các vấn đề liên quan đến tài chính được thảo luận và quyết định trong hội đồng quản trị. Tuy nhiên, cần nâng cao tính minh bạch, sáng tạo trong việc hoạch định chiến lược tài chính dài hạn.
Hai là, cần đa dạng đối tượng tham gia và chú trọng chất lượng trong công tác quản trị chiến lược của Công ty. Công ty cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra các chiến lược với nội dung mang tính thực tiễn, chính xác và phù hợp với hoàn cảnh của công ty cũng như bối cảnh của nền kinh tế.
Hiện nay, các chiến lược tài chính thường ngắn hạn, do vậy, công ty cần đưa ra các chiến lược dài hạn để có định hướng phát triển lâu dài. Khi xây dựng chiến lược tài chính, cần có sự tham gia của các đối tượng quan trọng, có hiểu biết, có kinh nghiệm, không chỉ trong công ty mà có thể mời bên ngoài công ty.
Ba là, tăng cường công tác quản trị dòng tiền. Hiện nay, công ty tập trung chú trọng hạch toán đúng doanh thu và chi phí để xác định lợi nhuận trong từng năm hoạt động. Một số năm doanh thu tăng nhưng dòng tiền vào và ra của Công ty vẫn bị ách tắc, lúng túng trong huy động và sử dụng vốn. Mặc dù Công ty đã thiết lập kế toán quản trị nhưng kế toán quản trị chưa cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin kế toán, tài chính phục vụ các quyết định của quản lý, lãnh đạo.
Bốn là, nâng cao hoạt động kiểm soát của kế toán. Với quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, các khoản thu chi phát sinh với khối lượng lớn… do vậy, kế toán cần tham gia trực tiếp kiểm soát các hoạt động quan trọng của Công ty.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo thường niên của DXV từ năm 2007 đến 2016;
2. Các trang điện tử: www.hsx.vn; cophieu68.vn;
3. Erik Berglof – Stijn Claessens, “Thực thi và quản trị công ty tốt ở các nước phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi”, The World Bank research observer, vol 21 no 1 2006.