Quảng Nam cấp thiết đầu tư hạ tầng nghề cá
Các cảng cá, khu neo đậu tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nghề khai thác hải sản và các dịch vụ hậu cần. Bởi vậy, đầu tư cho hạ tầng nghề cá đặt ra cấp thiết vì mục tiêu phát triển bền vững.
Chưa đáp ứng nhu cầu
Cảng cá lớn nhất Quảng Nam là Tam Quang (Núi Thành) vẫn chưa thể thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản. Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT vẫn đang phối hợp với UBND huyện Núi Thành gấp rút giải phóng mặt bằng để khẩn trương thi công các hạng mục còn lại, hoàn thành dự án cảng cá này. Đó là cơ sở để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh công nhận cảng cá Tam Quang đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc hải sản.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Vẫn còn một số bước để cảng cá Tam Quang được chỉ định truy xuất nguồn gốc hải sản - điều kiện cần để xuất khẩu hải sản sau chế biến, thực thi Luật Thủy sản cũng như thực hiện khuyến cáo của Ủy ban châu Âu về gỡ thẻ vàng IUU”.
Hàng loạt bến cá chỉ mới đáp ứng nhu cầu bước đầu về cập bờ bán hải sản, vận chuyển hải sản đi tiêu thụ và thực hiện hậu cần nghề cá (cung cấp đá cây, lương thực, thực phẩm, dầu, gas...) như Tam Tiến (Núi Thành), Tân An (Bình Minh, Thăng Bình), An Lương (Duy Hải, Duy Xuyên), Thanh Hà (Hội An).
Do hạ tầng sơ sài nên các bến cá trên chưa đủ điều kiện để truy xuất nguồn gốc hải sản. Hệ thống giao thông xung quanh các bến cá tạm bợ nên chưa đáp ứng vận chuyển hải sản, hàng hóa. Hầu hết việc bán cá diễn ra tự phát, các đầu nậu sau khi mua cá phải thuê người khiêng vác hải sản đi nơi khác. Vấn nạn diễn ra lâu nay nhưng chưa thể tháo gỡ là ô nhiễm môi trường, hầu hết bến cá không có hệ thống xử lý nước thải, rác thải.
Theo ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên), lâu nay ngư dân quen với việc tiện ở đâu bán hải sản ở đó. Họ nghĩ cập cảng cá sẽ bị kiểm tra, giấy tờ rườm rà, phát sinh thủ tục, tốn thời gian nên cố tình né cảng cá.
Quảng Nam đã đầu tư nhiều âu thuyền, khu neo đậu tàu cá nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu trong thực tiễn. Âu thuyền Cửa Đại (Cẩm Nam, Hội An), Khu neo đậu tàu cá Cù Lao Chàm (Hội An) bị bồi lấp luồng lạch nên chỉ có thể bố trí neo đậu cho một ít tàu thuyền công suất nhỏ. Âu thuyền Tam Tiến có diện tích nhỏ, chỉ đáp ứng được nhu cầu tránh trú bão của 50/250 tàu cá của ngư dân, nhiều ngư dân khác phải đưa phương tiện đến các vịnh ven sông để neo đậu.
Ông Hồ Nguyễn Tùng - cán bộ phụ trách thủy sản xã Tam Tiến nói: “Mùa bão lũ nào cũng có tàu cá bị chìm nên rất mong các ngành chức năng đầu tư mở rộng âu thuyền Tam Tiến, đáp ứng nguyện vọng được neo đậu tàu cá an toàn của ngư dân”.
Đầu tư bài bản hơn
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, cùng với việc rà soát quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, cần huy động các nguồn lực, nhất là từ Trung ương, bố trí vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền.
Công việc duy tu, nạo vét luồng lạch các cảng cá, khu neo đậu phải được chú trọng để vừa giúp ngư dân neo đậu tàu cá an toàn vừa đáp ứng các điều kiện về cảng cá theo quy định của Luật Thủy sản.
Tín hiệu vui là cảng cá Tam Quang sắp hoàn thiện lại gắn liền với Khu neo đậu tàu cá An Hòa đang được nâng cấp giúp ngư dân chủ động bán hải sản, neo đậu tàu cá trong nay mai. Việc tiếp theo là kết nối cảng cá, khu neo đậu tàu cá với khu dịch vụ hậu cần nghề cá ở thôn Trung Toàn thành chuỗi liên hoàn.
Ở khu vực phía bắc, âu thuyền Hồng Triều đã được nâng cấp, sửa chữa kết nối với hệ thống giao thông. Việc tiếp theo là kêu gọi doanh nghiệp cùng đầu tư với Nhà nước theo hình thức công tư để hình thành cảng cá Hồng Triều kết nối với âu thuyền thành khu hậu cần nghề cá liên hoàn.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đang khẩn trương kết nối với các địa phương rà soát cảng cá, khu neo đậu tàu cá để triển khai dự án “Phát triển thủy sản bền vững”, kịp thời bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng nghề cá.
Đây là dự án lớn có nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021 - 2026, mục tiêu hoàn thiện hạ tầng nghề cá phù hợp với Luật Thủy sản, phát triển nghề cá bền vững ở các địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 2.968 tàu cá lắp máy đánh bắt hải sản, trong đó 676 tàu cá hoạt động xa bờ, đánh bắt ở tuyến lộng 722 tàu, đem lại sản lượng trung bình 90 nghìn tấn/năm. Năng lực khai thác hải sản ngày càng lớn mạnh khiến cho áp lực đối với hạ tầng nghề cá ngày càng cao.
Trong khi đó, các bến cá ở Quảng Nam cơ sở vật chất chưa đảm bảo cho nhiều tàu cá cập bờ cùng lúc, thời gian bốc dỡ hải sản dài, thời gian kiểm tra, giải quyết hồ sơ thủ tục cho tàu cá chậm. Để giải quyết bài toán này, ông Ngô Tấn cho rằng, cần đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, phương tiện bốc dỡ hàng hóa, vận chuyển hải sản theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa để giảm thiểu hao tổn hải sản, góp phần tăng giá trị kinh tế cho ngư dân sau mỗi chuyến biển.