Quảng Ngãi: Trợ lực cho ngành du lịch
Thời gian qua, do ảnh hưởng từ nhiều đợt dịch Covid-19, ngành Du lịch vốn đã khó khăn nay càng thêm khó. Hầu hết doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và người lao động trong lĩnh vực du lịch rất cần sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Ngãi để duy trì hoạt động.
Nhiều khó khăn
Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch đã ngừng hoạt động. Doanh thu của các doanh nghiệp giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2020. Với khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đang loay hoay tìm giải pháp để duy trì sự tồn tại.
Anh Lê Duy Thành, một hướng dẫn viên (HDV) du lịch cho hay: Doanh nghiệp ngừng hoạt động nên tôi rơi vào tình cảnh thất nghiệp, chật vật tìm công việc mới, phải đi làm bán thời gian để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Không chỉ riêng tôi, mà hàng nghìn lao động trong lĩnh vực du lịch đang phải loay hoay mưu sinh trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
“Chúng tôi mong muốn tỉnh quan tâm tạo điều kiện để người lao động lĩnh vực du lịch được nhận hỗ trợ từ các gói hỗ trợ của Chính phủ, trang trải phần nào khó khăn trong cuộc sống”, anh Thành chia sẻ.
Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch đang gặp khó. Quản lý Khu du lịch sinh thái Bãi Dừa (Tư Nghĩa) Tạ Ngọc Anh cho biết: "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên đơn vị cắt giảm nhiều nhân sự. Hiện cơ sở đang "gồng gánh" nhiều khoản chi phí để duy trì trả lương cho nhân viên chủ chốt trong khi nguồn thu không đảm bảo".
Công ty cổ phần Đại Việt Tour cũng đang gặp khó vì phải trả nhiều khoản chi phí cùng với tiền thuê mặt bằng mỗi tháng gần chục triệu đồng. Để "cầm cự" qua mùa dịch, doanh nghiệp này đã thuê mặt bằng để kinh doanh cà phê, tạo việc làm cho nhân viên trong thời gian chờ thị trường du lịch tái hoạt động trở lại.
Giám đốc Công ty Du lịch Thiên Phong Lê Hồng Phong bày tỏ: "Thời điểm này, khó khăn chồng chất, chúng tôi phải tìm hướng kinh doanh mới để thích ứng và duy trì hoạt động”.
Cần sự trợ giúp
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Phương Hoa, ngành du lịch đã và đang chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch không có doanh thu và rơi vào tình trạng kiệt quệ.
Do đó, Sở VH-TT&DL đề xuất tỉnh có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như: Khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay; hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch được vay tiền dưới dạng tín chấp thay cho thế chấp để trả một phần lương cho người lao động và có nguồn vốn để cầm cự, chuyển đổi ngành nghề lúc khó khăn.
Mới đây, TP. Đà Nẵng cũng đã có chủ trương cho người lao động ngành du lịch tại địa phương được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Theo đó, mỗi lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng trong thời gian 3 - 5 năm, lãi suất 7,9%/năm theo hình thức vay không thế chấp. Chính sách hỗ trợ này của TP.Đà Nẵng được xem như chiếc "phao cứu sinh" để người lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn trước mắt.
Những chính sách từ Đà Nẵng có thể gợi mở để Quảng Ngãi đề ra những hướng hỗ trợ doanh nghiệp và lao động làm việc trong ngành du lịch. Doanh nghiệp được vay dưới dạng tín chấp sẽ phần nào giúp họ tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ để có thể tồn tại và giữ chân đội ngũ lao động nòng cốt cũng như chuyển lĩnh vực kinh doanh khác.
“Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, ngành du lịch của tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ mang tầm chiến lược để phát triển. Sở phối hợp với các huyện xây dựng các sản phẩm du lịch, khảo sát một số điểm du lịch để đánh giá chất lượng dịch vụ. Cùng với đó là tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm du lịch giữa các địa phương, định hướng phát triển du lịch của tỉnh trong giai đoạn tới. Khi dịch bệnh được kiểm soát, Sở tiếp tục thúc đẩy các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...”, bà Hoa nêu giải pháp.