Quảng Ninh: Còn 665 tỷ đồng cho chặng nước rút
Đến cuối tháng 11, Hải quan Quảng Ninh thu đạt 11.335 tỷ đồng, đạt 94,46% chỉ tiêu giao (12.000 tỷ đồng). Trước biến động về nguồn thu từ ô tô nguyên chiếc NK, đơn vị đang dồn lực chống thất thu, đảm bảo đạt số thu cao nhất.
Hải quan Quảng Ninh được giao nhiệm vụ thu NSNN năm 2016 là 12.000 tỷ đồng, tức là mỗi tháng đơn vị phải thu đạt 1.000 tỷ đồng. Đến hết 23-11, đơn vị thu đạt 11.335 tỷ đồng, nếu so với mức thu bình quân hàng tháng thì nhiệm vụ thu ngân sách XNK ở Quảng Ninh đang đi đúng quỹ đạo. Tuy nhiên, khi nhiệm vụ thu đang chạy nước rút thì một số ngành hàng chủ lực lại có biến động khiến số thu của đơn vị sụt giảm.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Thuế XNK Nguyễn Huy Đông chia sẻ: Qua theo dõi kết quả thu ngân sách, số thu theo từng tháng đạt tiến độ về dự toán giao, 9 tháng đầu năm 2016, ô tô NK chiếm 50% tổng thu ngân sách qua địa bàn (5.166 tỷ đồng). Tức là, nếu mỗi tháng thu ngân sách đạt 1.000 tỷ đồng thì riêng mặt hàng ô tô NK chiếm 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ tháng 10 đến nay, nguồn thu từ ô tô nguyên chiếc NK không phát sinh do các nhà NK ô tô thuộc các hãng Toyota, Nissan… chạy theo đơn vị vận tải (đơn vị trực quản lý kinh doanh tàu chuyên dụng vận chuyển ô tô nguyên chiếc NK-PV) chuyển hướng vận chuyển qua khu vực cảng Hải Phòng thay vì NK qua địa bàn cửa khẩu cảng Cái Lân (Quảng Ninh).
Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Lân luôn đứng đầu Cục Hải quan Quảng Ninh về nhiệm vụ thu ngân sách. Tính đến hết 23-11, Chi cục này thu ngân sách đạt gần 6.785 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm gần 60% tổng thu ngân sách toàn Cục.
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Lân Vũ Văn Sỹ cho biết, nguồn thu từ ô tô nguyên chiếc NK luôn ổn định, đóng góp số thu lớn. Nếu tính trong khoảng 9 tháng đầu năm 2016, thu từ ô tô NK chiếm gần 60% tổng thu hàng tháng.
Do vậy, những thay đổi trong hoạt động kinh doanh của DN NK ô tô khiến cho số thu ngân sách qua địa bàn cảng Cái Lân nói riêng và toàn Cục nói chung sụt giảm. Hiện tại nguồn thu của đơn vị phụ thuộc lớn vào các mặt hàng dăm gỗ XK và các nguyên phụ liệu NK phục vụ sản xuất trong nước.
Bên cạnh sự thay đổi của ngành hàng chủ lực, một số mặt hàng truyền thống có số thu ổn định như than XK giảm mạnh theo chủ trương của Nhà nước về hạn chế XK. Đồng thời, than NK phục vụ cho các nhà máy điện đạm có xu hướng tăng (chỉ chiếm 1,6% tổng thu ngân sách).
Số liệu thống kê từ Cục Hải quan Quảng Ninh cho thấy, đến hết ngày 15-11 có 3,5 triệu tấn than NK, với tổng trị giá 210 triệu USD qua cửa khẩu cảng Cẩm Phả, Quảng Ninh; tăng 294,2% về sản lượng và 213,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015. Lượng than NK năm 2016 tăng mạnh do nhu cầu tăng cao từ nhiều nhà máy nhiệt điện than đi vào vận hành. Than sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên các DN phải NK bổ sung từ nước ngoài (Trung Quốc, Nga, Úc…).
Mặt khác, nguồn than cám sản xuất trong nước giá thành cao hơn giá NK nên một số DN chuyển sang NK than để cung cấp cho công nghiệp luyện kim và nhiệt điện, xi măng. Lũy kế, thu ngân sách từ mặt hàng than đến hết ngày 23-11 đạt gần 750 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2015, giảm sâu so với năm 2011 (thu từ than đạt 5.000 tỷ đồng).
Trong khi than NK tăng mạnh thì than XK lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tới 15-11-2016, lượng than XK qua cửa khẩu cảng Cẩm Phả (Quảng Ninh) là 850.314 tấn, trị giá 82 triệu USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2015, lượng than XK giảm 44,8%, tương ứng trị giá giảm 48,5%.
Để đạt được chỉ tiêu thu năm 2016 là 12.000 tỷ đồng, Hải quan Quảng Ninh phải hoàn thành nhiệm vụ thu 665 tỷ đồng. Ông Nguyễn Huy Đông cho biết thêm, trong thời gian nước rút, Cục Hải quan Quảng Ninh triển khai 2 nhóm giải pháp: Tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, bám sát kế hoạch hoạt động của các DN có số thu lớn, trực tiếp lãnh đạo Cục, Chi cục đến trao đổi với DN nhằm lắng nghe nguyên vọng, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Các đơn vị thuộc và trực thuộc đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu qua xác định trị giá hải quan; kiểm tra sau thông quan ngay đối với những lô hàng có nghi vấn trong vòng 30 ngày, đảm bảo quản lý chặt chẽ góp phần thu đúng, thu đủ vào ngân sách Nhà nước.
Các Chi cục cần tiếp tục chú trọng phát triển quan hệ đối tác với DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong hoạt động XNK để tăng thu ngân sách; hạn chế việc DN lợi dụng sơ hở chính sách để trục lợi, ngăn chặn hiệu quả hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.