Quy định mới về hàng hóa thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại
Ngày 10/8/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2017.
Theo đó, Nghị định số 94/2017/NĐ-CP quy định việc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại bao gồm: Nguyên tắc thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước; Danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước; Trách nhiệm của các chủ thể thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước; Trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các chủ thể thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước.
Về nguyên tắc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại, Nghị định nêu rõ, chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia.
Độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại thông qua hình thức trực tiếp thực hiện hoặc chỉ định cho tổ chức, cá nhân thực hiện. Việc chỉ định phải do Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bằng văn bản. Hoạt động thương mại độc quyền nhà nước phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
Bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các cấp không được quy định hoạt động, hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước. Đối với hàng hóa, dịch vụ, địa bàn phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Về danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại bao gồm: Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; vật liệu nổ công nghiệp; vàng miếng; vàng nguyên liệu; xổ số kiến thiết; thuốc lá điếu, xì gà; hoạt động dự trữ quốc gia; pháo hoa và các dịch vụ liên quan đến pháo hoa…
Đối với hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thuộc Danh mục được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trên cơ sở xem xét yêu cầu quản lý nhà nước do bộ, cơ quan ngang bộ hoặc UBND các tỉnh đề xuất hoặc theo đề nghị bằng văn bản thể hiện nhu cầu và khả năng tham gia của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào các hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước.
Chính phủ cũng yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm xem xét các đề nghị của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế để đánh giá khả năng của doanh nghiệp trong việc đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh, các điều kiện đảm bảo an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm tiếp nhận, tổng hợp các đề xuất, và phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xem xét, đánh giá các đề xuất, báo cáo Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung và việc sửa đổi, bổ sung Danh mục được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ.
Đối với các tổ chức, cá nhân, các cơ quan nhà nước hoạt động thương mại trong lĩnh vực độc quyền nhà nước chịu các biện pháp kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật cạnh tranh, pháp luật về giá và quy định của pháp luật có liên quan. Các cơ quan nhà nước thực hiện hoạt động dự trữ quốc gia phải tuân thủ theo quy định của pháp luật dự trữ quốc gia. Việc sử dụng vốn nhà nước của các doanh nghiệp nhà nước vào kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục phải tuân thủ theo pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước.
Đối với các cơ quan nhà nước quản lý các chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại độc quyền nhà nước của các chủ thể này như sau: Thực hiện các trách nhiệm của chủ sở hữu vốn nhà nước được giao theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp; Thực hiện chế độ giám sát, kiểm tra, báo cáo việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; mục tiêu, nhiệm vụ được giao của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; Tuân thủ các quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 6 và Điều 15 Luật Cạnh tranh.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh có trách nhiệm rà soát Danh mục và gửi đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục tới Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo trình Chính phủ.