Quy định năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 17/2016/TT-BXD hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng. Thông tư hướng dẫn bao gồm năng lực hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân; năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức; công bố thông tin về năng lực hoạt động xây dựng.
Góp phần đảm bảo tính chuyên nghiệp của các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, Thông tư số 17/2016/TT-BXD nêu rõ, các cá nhân theo quy định tại Khoản 3 Điều 148 Luật Xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề khi tham gia hoạt động xây dựng thuộc các lĩnh vực như: Khảo sát xây dựng gồm khảo sát địa hình; khảo sát địa chất công trình; địa chất thủy văn; thiết kế quy hoạch xây dựng; thiết kế xây dựng công trình; kiểm định xây dựng; định giá xây dựng…
Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề đối với một hoặc nhiều lĩnh vực khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định.
Đối với tổ chức phải có chứng chỉ năng lực khi tham gia hoạt động xây dựng thuộc các lĩnh vực Khảo sát xây dựng; lập quy hoạch xây dựng; Lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; Quản lý dự án đầu tư xây dựng; Thi công xây dựng công trình…Một tổ chức có thể đề nghị cấp chứng chỉ năng lực cho một hoặc nhiều lĩnh vực tương ứng với các hạng khác nhau theo quy định của Thông tư này.
Thông tư cũng quy định rõ cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề tới cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề quy định. Việc sát hạch được tiến hành theo tổ chức, khu vực hoặc địa phương. Thời gian tổ chức sát hạch được tiến hành định kỳ hàng quý hoặc đột xuất do Hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề quyết định phù hợp với nhu cầu đề nghị cấp chứng chỉ.
Trước thời gian tổ chức sát hạch 5 ngày, Hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề thông báo bằng văn bản và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp chứng chỉ thông tin về thời gian, địa điểm tổ chức và mã số dự sát hạch của từng cá nhân.
Trong thời gian tối đa 3 ngày kể từ khi tổ chức sát hạch, Hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề có trách nhiệm tổng hợp, trình kết quả sát hạch của cá nhân để Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp chứng chỉ hành nghề. Kết quả sát hạch của cá nhân được bảo lưu trong thời gian 06 tháng kể từ ngày sát hạch.
Thông tư cũng quy định rõ về trình độ chuyên môn và thời gian kinh nghiệm để cấp chứng chỉ hành nghề.
Cụ thể, đối với lĩnh vực hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng, cá nhân có trình độ đại học thuộc chuyên ngành kiến trúc; quy hoạch xây dựng; hạ tầng kỹ thuật đô thị; kinh tế đô thị hoặc chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của việc lập đồ án quy hoạch xây dựng, khi có đủ thời gian và kinh nghiệm thực tế tham gia hoặc chủ trì thực hiện thiết kế quy hoạch xây dựng theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Nghị định 59/CP thì được xét cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng.
Đối với lĩnh vực thiết kế kiến trúc công trình, cá nhân có trình độ chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành về kiến trúc, khi có đủ thời gian và kinh nghiệm thực tế tham gia hoặc chủ trì thiết kế; chủ trì thẩm định; thẩm tra thiết kế kiến trúc công trình theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 Nghị định 59/CP thì được xét cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế kiến trúc công trình.
Đối với lĩnh vực hành nghề định giá xây dựng, cá nhân có trình độ đào tạo thuộc chuyên ngành kinh tế hoặc kỹ thuật xây dựng và có thời gian, kinh nghiệm thực hiện các công việc có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 2 Điều 52 Nghị định 59/CP thì được xét cấp chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, Thông tư mới hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng được ban hành sẽ góp phần làm tăng tính chuyên nghiệp của các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; cũng như phân định rõ trình độ chuyên môn và thời gian kinh nghiệm để cấp chứng chỉ hành nghề đối với từng lĩnh vực.
Qua đó, mỗi tổ chức, cá nhân được cấp phép hành nghề theo đúng trình độ, chuyên môn, năng lực phù hợp, đảm bảo chuyên ngành đã qua đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và tích lũy đủ kinh nghiệm thực tế.