Quy định rõ hình thức của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá nhập khẩu
Để phù hợp với thực tiễn thương mại và các cam kết quốc tế trong các FTA mới, Thông tư số 33/2023/TT-BTC ngày 31/5/2023 của Bộ Tài chính đã quy định cụ thể hình thức của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá nhập khẩu.
Tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC và các thông tư sửa đổi, bổ sung có quy định về hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá, nhưng chủ yếu quy định để áp dụng đối với các trường hợp hàng hoá nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do để hưởng ưu đãi thuế quan.
Điển hình như tại điểm a, khoản 1, Điều 4, Thông tư số 38/2018/TT-BTC quy định chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan gồm: 1) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O): 01 bản chính mang dòng chữ “ORIGINAL”, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác; hoặc: 2) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ: 01 bản chính; hoặc nộp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ như quy định tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC, Thông tư số 07/2021/TT-BTC.
Đối với các trường hợp khác tại khoản 1, Điều 4, Thông tư số 38/2018/TT-BTC (hàng hóa thuộc diện quản lý về xuất xứ, không liên quan đến chính sách thuế) chỉ quy định nộp 01 bản chính C/O (không quy định C/O ưu đãi hay không ưu đãi) và không quy định được nộp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ.
Do vậy, để phù hợp với thực tiễn thương mại và các cam kết quốc tế trong các FTA mới, khoản 4, Điều 10 Thông tư số 33/2023/TT-BTC ngày 31/5/2023 của Bộ Tài chính về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có quy định, đối với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên áp dụng hình thức tự chứng nhận xuất xứ như Hiệp định CPTPP, EVFTA, ATIGA thì ngoài C/O, người khai hải quan có thể nộp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa thuộc diện quản lý xuất xứ.