Thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ thông quan
Để hiện đại hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, Tổng cục Hải quan luôn tập trung lực lượng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, hải quan số. Các mục tiêu cụ thể đã được ngành Hải quan đề ra và quyết tâm thực hiện trong thời gian tới.
Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành Hải quan số
Chú trọng công tác hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo sát sao toàn Ngành triển khai đồng bộ các giải pháp và hoàn thành nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng, điển hình là hoàn thiện và trình Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã thành lập và kiện toàn Ban triển khai dự án. Đồng thời, chủ động xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Dự án, Kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động của Ban Triển khai, và chuẩn bị các thủ tục để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ như: Khảo sát, xây dựng thiết kế cơ sở, báo cáo nghiên cứu khả thi... ngay sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tổng cục Hải quan đã sớm ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 và kế hoạch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm thực hiện mục tiêu cải cách hiện đại hóa của Ngành cũng như tăng cường tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.
Một số mục tiêu cụ thể đã được Tổng cục Hải quan đặt ra đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành Hải quan số; phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành Hải quan thông minh.
Đến năm 2025, ngành Hải quan phấn đấu 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (đến năm 2030 phấn đấu chỉ tiêu đạt 100%); 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được quản lý dưới dạng dữ liệu số; 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa (đến năm 2030, 100% hồ sơ được số hóa).
Bên cạnh đó, phấn đấu 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có sự phù hợp về kỹ thuật công nghệ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngành Hải quan cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan; 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia...
Đến năm 2030, phấn đấu các chỉ tiêu khác được số hóa 100%, như: 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan Hải quan; 100% các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu phát sinh nợ thuế được theo dõi, cập nhật tự động trên hệ thống điện tử của cơ quan Hải quan...
Dồn lực thực hiện kế hoạch chuyển đổi số
Thời gian qua, ngành Hải quan đã đảm bảo vận hành ổn định 24/7 hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin của Ngành. Đồng thời, triển khai thành công một số ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác nội ngành và doanh nghiệp.
Để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số, ngành Hải quan đã tập trung nguồn nhân lực nghiên cứu, xây dựng và triển khai tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan để phục vụ việc xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành tài liệu nghiệp vụ chuẩn hoá với gần 2.000 trang tài liệu.
Công tác tổ chức triển khai hướng dẫn các đơn vị trong Ngành thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số đã đảm bảo tuân thủ kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số, Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số (tuân thủ kiến trúc về nghiệp vụ, kiến trúc về dữ liệu, kiến trúc về hạ tầng, kiến trúc về ứng dụng, kiến trúc về an toàn bảo mật…). Đồng thời, tích cực hướng dẫn các đơn vị thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu theo định hướng của Chính phủ về kết nối chia sẻ dữ liệu trong cơ quan Nhà nước.
Về hạ tầng số, Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với Cục Tin học và Thống kê Tài chính triển khai hệ thống đám mây tại Bộ Tài chính cho các ứng dụng của Bộ, đơn vị Tổng cục, trừ các ứng dụng đặc thù. Bên cạnh đó, đã nghiên cứu xây dựng kiến trúc đám mây của Tổng cục Hải quan phục vụ triển khai Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số.
Song hành với các công tác nêu trên, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin. Theo đó, đã chủ động nghiên cứu và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và các văn bản hướng dẫn kèm theo đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin.
Có thể nói, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, ngành Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực chuyển đổi số nhằm hiện đại hóa quản lý nhà nước về hải quan. Công tác này tiếp tục được Tổng cục Hải quan sát sao chỉ đạo toàn Ngành thực hiện trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số đã đề ra, góp phần đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan.