Quy định về quyết toán tình hình sử dụng vốn đầu tư công
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Thông tư Quy định việc quyết toán tình hình sử dụng vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Theo Dự thảo, Thông tư này quy định việc quyết toán tình hình sử dụng vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm, bao gồm: lập, gửi, xét duyệt quyết toán, thẩm định, thông báo kết quả thẩm định quyết toán và chỉnh lý quyết toán.
Dự thảo nêu rõ 03 nguyên tắc quyết toán, bao gồm:
Một là, số liệu quyết toán vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm phải chính xác, trung thực, đầy đủ các thông tin về tình hình sử dụng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Hai là, số liệu đưa vào báo cáo quyết toán vốn đầu tư công phải được đối chiếu, xác nhận với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch hoặc Cơ quan thanh toán vốn.
Ba là, kết thúc giai đoạn trung hạn, hằng năm, các Bộ, ngành trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp; các chủ đầu tư; cơ quan tài chính và các cơ quan khác được giao quản lý vốn đầu tư công thực hiện việc lập, gửi, xét duyệt quyết toán, thẩm định quyết toán và thông báo kết quả thẩm định quyết toán, chỉnh lý quyết toán theo nội dung, nguyên tắc, thời hạn quy định.
Các loại nguồn vốn đầu tư công đưa vào báo cáo quyết toán gồm vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước.
Trong đó, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước bao gồm: vốn đầu tư của ngân sách trung ương cho Bộ, ngành trung ương; vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương cho địa phương; vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn đầu tư nguồn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương; vốn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết đến trước thời điểm Luật ngân sách nhà nước sửa đổi năm 2015 có hiệu lực; nguồn thu từ chuyển mục đích, chuyển quyền sử dụng đất của Bộ, ngành trung ương và địa phương chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước; Khoản vốn vay của chính quyền cấp tỉnh được hoàn trả bằng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương.
Vốn đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước gồm: khoản phí, lệ phí được để lại đầu tư của Bộ, ngành trung ương và địa phương; tiền lãi dầu khí của nước chủ nhà từ hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí (PSC), lợi nhuận được chia từ liên doanh dầu khí và tiền đọc tài liệu dầu khí; nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập để lại cho đầu tư; vốn đầu tư từ nguồn thu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước được thu lại hoặc trích lại để đầu tư; nguồn thu của tổ chức tài chính, bảo hiểm xã hội được trích lại để đầu tư dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Bộ, ngành trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, đối với vốn đầu tư được cơ quan có thẩm quyền cho phép ứng trước dự toán ngân sách năm sau thì không yêu cầu lập báo cáo quyết toán trong năm đối với nguồn vốn này, nhưng lập báo cáo tình hình thực hiện và thanh toán trong năm để cơ quan tài chính các cấp theo dõi và quản lý theo quy định.
Dự thảo cũng nêu rõ, thời hạn khóa sổ lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư công hằng năm là cuối ngày 31/12 năm kế hoạch. Theo đó, kết thúc năm ngân sách, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công trong năm thực hiện khoá sổ kế toán và lập báo cáo quyết toán theo quy định.
Đối với lập báo cáo quyết toán trung hạn, thời hạn khoá sổ là cuối ngày 31/12 năm cuối của giai đoạn thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn (gồm ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã).
Theo đó, kết thúc năm cuối của giai đoạn trung hạn, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến việc thực hiện kế hoạch trung hạn thực hiện khoá sổ kế toán và lập báo cáo quyết toán trung hạn theo quy định.
Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép kéo dài thời hạn thanh toán sau thời hạn khóa sổ nêu trên, thì số vốn thanh toán sau thời hạn khóa sổ được quyết toán vào ngân sách nhà nước năm sau.