Quý I/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022

Việt Hoàng

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước, nhưng đã tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tính chung quý I/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 3 vừa qua, có 6 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, 5 nhóm hàng tăng giá.
Trong tháng 3 vừa qua, có 6 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, 5 nhóm hàng tăng giá.

Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình kinh tế – xã hội 3 tháng đầu năm 2023 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn.

Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Sự bất ổn của một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trên thế giới đối với hệ thống ngân hàng trong khi các ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất và sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Thêm vào đó, còn cả các nguyên nhân khác như: giá năng lượng thế giới tăng cao; chiến sự Nga-Ukraine kéo dài…

Các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 nhưng cùng thống nhất về dự báo mức tăng trưởng thấp hơn năm 2022 từ 0,5 đến 1,2%.

Tại Việt Nam, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng. 

Cụ thể, trong tháng 3 vừa qua, có 6 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, 5 nhóm hàng tăng giá đã đưa CPI giảm 0,23% so với tháng trước đó. Theo Tổng cục Thống kê, giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là các nguyên nhân chính.

Tính chung quý I/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ. Trong quý đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%...

Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.

Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất quý I/2023 tăng 0,44% so với quý trước và tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,69% và tăng 4,86%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,47% và tăng 4,05%; dùng cho xây dựng tăng 1,08% và tăng 3,77%.

Trong quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%).

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước quý I/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 3 giảm 0,56% so với tháng trước; giảm 2,36% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân quý I/2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 1,25%. 

Bên cạnh đó, Chỉ số giá đô la Mỹ cũng  tăng 0,47% so với tháng trước; tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân quý I/2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,45%.