Quý III thị trường hồi phục, các công ty chứng khoán lớn đầu tư cổ phiếu như thế nào?

Theo Tri Túc/ttvn.vn

Mặc dù chỉ số tăng dè chừng, song các "đại gia" chứng khoán đã cho thấy một quý tự doanh ươm mầm trở lại. Nhìn chung, CTCK trong kỳ tăng cường tăng mua tại những mã cơ bản như Thế Giới Di Động (MWG), Hòa Phát (HPG)….

Các công ty chứng khoán lớn đầu tư cổ phiếu như thế nào? Nguồn: Internet
Các công ty chứng khoán lớn đầu tư cổ phiếu như thế nào? Nguồn: Internet

Quý III, thị trường chứng khoán chứng kiến sự hồi phục ổn định, thanh khoản cũng dần cải thiện. Sau đợt giảm sâu nửa đầu năm, thị trường về đáy có lẽ là thời điểm đầu tư trở lại, với kỳ vọng VN-Index sẽ khả quan đến cuối năm 2018.

HPG và MWG được nhiều công ty chứng khoán tăng mua trong quý III

Mặc dù chỉ số tăng dè chừng, song các "đại gia" chứng khoán đã cho thấy một quý tự doanh ươm mầm trở lại. Nhìn chung, công ty chứng khoán (CTCK) trong kỳ tăng cường tăng mua tại những mã cơ bản như Thế Giới Di Động (MWG), Hòa Phát (HPG)…

Trong đó, riêng Thế Giới Di Động sau chuỗi ngày điều chỉnh cũng đã lấy lại đà hồi phục, và tăng khá mạnh những tháng gần đây, đi cùng những thông tin tích cực về Bách Hóa Xanh. Kể từ sự thay đổi trong chiến lược lựa chọn vị trí mở cửa từ tháng 4/2018, doanh thu của các cửa hàng Bách Hóa Xanh đã cải thiện, khoảng cách giữa doanh thu và chi phí trực tiếp chưa bao gồm chi phí khấu hao đang dần thu hẹp. Theo MWG, sau nhiều thử nghiệm, các cửa hàng Bách Hóa Xanh đang hoạt động với mô hình chuẩn (từ 160-200m2) đạt mức doanh thu trung bình trên 1,1 tỷ đồng/tháng.

Còn Hòa Phát, mặc dù đang trong xu hướng tăng, tuy nhiên nhiều dự báo sẽ khó bứt phá thời gian tới. Bởi, triển vọng mảng tôn mạ và ống thép hiện tại không khả quan như dự kiến. Giá tôn Trung Quốc bán tại Việt Nam mặc dù đã bị áp thuế nhưng vẫn thấp hơn khoảng 7% so với giá tôn nội địa.

Trong khi nguồn cung đang dư thừa do các doanh nghiệp đầu ngành tăng mạnh công suất giai đoạn 2017 - 2018, kết hợp cùng việc bị chống bán phá giá ở nhiều nước trên thế giới khiến triển vọng ngành tôn mạ kém khả quan. Ngoài ra, tăng trưởng ống thép có dấu hiệu chậm lại và có thể đi vào trạng thái ổn định thay vì tăng trưởng nóng như 5 năm về trước, đơn vị này cho biết.

Quý III thị trường hồi phục, các công ty chứng khoán lớn đầu tư cổ phiếu như thế nào? - Ảnh 1

"Xúc" mạnh

Trở lại với chuyển động danh mục tự đầu tư của CTCK, điểm qua một số đơn vị dẫn đầu ngành, đầu tiên phải kể đến Chứng khoán HSC (HCM). Thị trường quý III hồi phục cũng là thời điểm HSC mạnh tay "xúc" hàng. Nếu tổng giá trị tại thời điểm 30/6 giảm chỉ còn 259 tỷ, thì chỉ sau 3 tháng đã tăng lên 401 tỷ đồng (30/9).

Trong đó, HSC ưu tiên chi tiền cho những cổ phiếu cơ bản, kể tên có Vinamilk (VNM) tăng giá trị đầu tư từ 2,3 tỷ lên 21,7 tỷ đồng, HPG tăng gần 7,5 lần lên 29,7 tỷ đồng (đầu quý chỉ 4,1 tỷ). Song song, HSC mua mới những cổ phiếu khá nóng thời gian qua như MWG của Thế giới Di động, giá trị đầu tư đến 30/9 đạt hơn 71 tỷ; Techcombank (TCB) đạt 18,6 tỷ, Chứng khoán SSI (SSI) đạt 13,7 tỷ, VPBank (VPB) ghi nhận gần 12 tỷ và cổ phiếu VCB của Vietcombank cũng được quan tâm hơn, tăng đầu tư từ 1 tỷ lên hơn 3 tỷ đồng. Ngoài ra, HSC cũng mua thêm vào 1 tỷ đồng cổ phiếu Novaland (NVL) và 271 triệu đồng FLC Faros (ROS).

Ngược lại, Công ty tất toán đầu tư tại Sabeco (SAB) và Sacombank (STB), mỗi cổ phiếu gần 1 tỷ đồng giá gốc. Thủy sản Cà Mau chính thức niêm yết với mã CAT vào ngày 11/1/2018, đến 30/6 HSC vẫn còn nắm giữ giá trị gần 11 tỷ đồng, nhưng quý 3 đã "chốt".

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu HSC tăng mạnh từ 868 tỷ lên 1.948 tỷ đồng với hầu hết các mảng đều tăng trưởng, đặc biệt tại 3 phân khúc tự doanh, môi giới và tư vấn. Lãi ròng cũng tăng gần gấp đôi cùng kỳ lên mức 603 tỷ. So với kế hoạch 2.110 tỷ doanh thu và 819 tỷ lãi ròng, đến nay HSC đã lần lượt thực hiện được 92% và 74% chỉ tiêu đề ra.

Tăng trưởng danh mục tự doanh còn có Chứng khoán VNDirect (VND), so với thời điểm đầu quý III, đến nay VND đã tăng gần 3 lần số lượng cổ phiếu nắm giữ, điểm tên một số đơn vị được thêm vào "tầm ngắm" như: MWG, OIL của PVOil (1,2 triệu cổ phiếu), POW của PV Power (5 triệu cổ phiếu), Bảo hiểm Bưu điện PTI (16 triệu cổ phiếu), VPBank – VPB (2,8 triệu cổ phiếu), LienVietPostBank – LBP (2,3 triệu cổ phiếu), Lộc Trời với gần 2 triệu mã LTG…

Tổng giá trị sổ sách danh mục cũng tăng vọt, từ mức 670 tỷ (tương đương 38,3 triệu cổ phiếu) bứt phá gần 2 lần lên 1.332 tỷ đồng, tức số lượng nắm giữ cũng gấp đôi đầu quý lên 77,5 triệu cổ phiếu. Thông tin thêm, VND trong quý cũng đã tăng số lượng sở hữu tại Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) từ 250.000 lên 620.000 cổ phiếu, tương ứng giá sổ sách đến 30/9 là 13,9 tỷ đồng, tăng hai lần còn có MBBank (MBB) lên 1 triệu đơn vị, tương đương 23,7 tỷ đồng, HPG cũng được tăng nhẹ lên 1,2 triệu cổ phiếu, ứng với 47,6 tỷ đồng. Ngược lại, VND đã cắt giảm tỷ lệ cổ phiếu PHR của Cao su Phước Hòa về chỉ còn 13 tỷ đồng, trong khi đầu quý 3 ghi nhận đến 22 tỷ giá trị gốc.

3 quý đầu năm, VND đạt doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 1.197 tỷ và 330 tỷ đồng. So với mục tiêu lãi sau thuế 680 tỷ đồng của cả năm, VND mới thực hiện 48,5%.

Chuyển động nhẹ

Trong khi đó, danh mục tự doanh Chứng khoán VCSC (VCI) trong quý III/2018, lại tương đối ít chuyển động so với những "ông lớn" lể trên, tổng giá trị đầu tư đạt 360 tỷ, tăng so với mức 318 tỷ đầu quý, đồng thời cũng tăng so với con số 328 tỷ đầu năm 2018.

Chi tiết về chuyển động đầu tư, VCSC trong quý tăng tỷ trọng cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát, từ 864 triệu lên 28,6 tỷ đồng. Ngược lại, Công ty giảm mạnh số lượng cổ phiếu Masan Consumer nắm giữ, từ 24,7 tỷ về chỉ còn vỏn vẹn 29 triệu đồng. Những mã còn lại như Khang Điền (KDH), KHA Công ty giữ nguyên tỷ trọng.

Nói về quý III, VCSC cho biết doanh thu trong kỳ sụt giảm chủ yếu là do tình hình giao dịch trầm lắng, ảnh hưởng tới hoạt động môi giới và đánh giá lại các khoản đầu tư tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) của Công ty. Tuy nhiên, nhìn chung 9 tháng doanh thu hoạt động và lãi sau thuế VCSC lần lượt đạt 1.414 tỷ và 691 tỷ đồng, tương ứng tăng 41% và 46% so với 9 tháng đầu năm 2017. So với kế hoạch đặt ra, đến nay với mức lãi trước thuế 851 tỷ, 9 tháng Công ty đã thực hiện trên 84% chỉ tiêu.

Hay "anh cả" môi giới Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng có vẻ đầu tư dài hạn, khi cơ cấu danh mục tự doanh không có nhiều thay đổi mặc cho thị trường quý III biến động lên xuống mạnh.

Cụ thể, cổ phiếu GEX của Gelex có ghi nhận điều chỉnh giảm nhưng tỷ lệ phần trăm không đáng kể, từ 297 tỷ về mức 277 tỷ đồng, giảm giá trị đầu tư còn có FPT (từ 179 tỷ về 153 tỷ đồng), HPG (từ 126 tỷ về 114 tỷ đồng), đặc biệt SSI đã "chốt" gần 58,5 tỷ đồng mã PLX của Petrolimex, hiện chỉ còn vài trăm triệu.

Nhìn chung, tổng giá gốc mục tự doanh SSI chỉ nhích nhẹ, từ 1.831 tỷ (30/6) lên 1.838,5 tỷ đến cuối quý III. So sánh với đầu quý, mức tăng rõ rệt hơn với 1.423 tỷ tính đến ngày 31/12/2017. Theo đó, quý III/2018, SSI ghi nhận doanh thu từ hoạt động đầu tư đạt 276,4 tỷ đồng, chiếm 28,8% tổng doanh thu và tăng trưởng 43% so với quý III/2017.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, SSI đạt doanh thu 3.064 tỷ, lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 1.413 tỷ đồng, tăng lần lượt 55% và 57,9% so với cùng kỳ năm 2017.

VN-Index 6 tháng qua.
Quý III thị trường hồi phục, các công ty chứng khoán lớn đầu tư cổ phiếu như thế nào? - Ảnh 2