Quyết liệt giảm chi thường xuyên
Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 18/11/2016 nhấn mạnh yêu cầu tái cơ cấu chi ngân sách nhà nước để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, tuy nhiên sau hơn 1 năm triển khai kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 2018, nhiệm vụ này phải được thực hiện quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để có thêm nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.
Thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa
ThS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TƯ |
Thậm chí, tổng kết của Kiểm toán Nhà nước còn cho thấy qua rà soát trong công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động phát hiện thừa 57.175 người. Mặt khác, kỷ luật chi ngân sách nhà nước còn chậm được cải thiện. Thể chế điều hành ở nhiều cấp còn dựa quá mức vào các cuộc hội họp, trong khi nguồn lực (tài chính, nhân lực) có thể được tiết kiệm và hoặc sử dụng hiệu quả hướng tới phục vụ nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp. Cuối cùng, tư duy “tăng thu để bù chi” vẫn hiện hữu trong điều hành ngân sách nhà nước. Điều này ít nhiều làm giảm động lực cho các nỗ lực mạnh mẽ, thực chất nhằm cắt giảm chi thường xuyên.
Để có thêm nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, một trong những giải pháp chính là tiết kiệm, cắt giảm chi thường xuyên. Theo đó, cần thực hiện nghiêm và mạnh mẽ các biện pháp nhằm tinh giản bộ máy công chức, viên chức. Việc hoàn thành mục tiêu giảm 2,5% biên chế sự nghiệp trong năm 2018 (so với biên chế được giao năm 2015) theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ là rất cần thiết, song chỉ là điểm khởi đầu. Bên cạnh đó, nghiên cứu công khai sớm hơn các số liệu về chi ngân sách nhà nước ở cả cấp Trung ương và địa phương.
Thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa trong quá trình quyết toán và phê duyệt số liệu quyết toán ngân sách nhà nước. Cuối cùng, cần thực hiện nghiêm túc, hợp lý đánh giá tác động của việc điều chỉnh các sắc thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng... Điều này buộc các đề xuất điều chỉnh chính sách thuế phải bài bản, khoa học hơn, đồng thời cũng tạo thêm “giới hạn kỹ thuật” cho chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
Muốn giảm chi thường xuyên phải giảm bộ máy cồng kềnh
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TƯ |
Một vấn đề mà trong năm 2017 hầu như không có tiến bộ là cải cách và tái cơ cấu ngân sách nhà nước mặc dù Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết về vấn đề này. Theo tôi, muốn giảm chi thường xuyên phải giảm bộ máy còn rất cồng kềnh, chồng chéo như hiện nay. Hơn nữa, chi thường xuyên ở nước ta lại không minh bạch. Ở các nước trên thế giới, cơ quan nhà nước chi vấn đề gì phải đưa lên mạng để tất cả mọi người cùng biết. Ngay cả việc đi nghiên cứu nước ngoài, chi tiêu của chúng ta cũng không có kỷ luật, hành động tham nhũng còn nhiều khiến “trên nóng, dưới lạnh”, người dân và doanh nghiệp vẫn kêu.
Cần phải có những cải cách thật sự nghiêm túc, trên cơ sở đó chúng ta mới thuyết phục và tăng được niềm tin với người dân. Năm 2018 tới đây, tôi đề nghị phải bổ sung việc cải cách ngân sách, giảm chi, giảm bộ máy và tăng lương cho người lao động. Chúng ta rất hoan nghênh và trân trọng những tiến bộ trong năm qua, nhưng những việc chưa có chuyển biến thì phải xem xét. Bên cạnh đó, trách nhiệm giải trình, giám sát cần phải được nâng cao, ai chi cái gì, ai quyết cái gì phải công khai rõ ràng và được giám sát nghiêm chỉnh.
Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược |
Tôi nghĩ chi thường xuyên là vấn đề nhức nhối của ngân sách nước ta. Có thể thấy rất rõ là bộ máy hiện nay lớn quá, chúng ta phải chi rất nhiều cho những hoạt động thuộc về lĩnh vực quản lý. Ngay cả việc chúng ta còn rất nhiều cuộc hội họp, đi lại mà trong thời đại cần phải có công nghệ mới, nếu bớt những cuộc hội họp, đi lại cũng góp phần giảm chi thường xuyên.
Nhưng quyết định nhất vẫn là bộ máy, bộ máy tăng lên thì chi tăng lên, nếu bây giờ quyết tâm giảm bộ máy và giảm chi cho những thứ không cần thiết thì mới làm được. Điều này rất khó khăn nhưng phải vượt qua được cửa ải này chúng ta mới hy vọng cân đối lại được ngân sách một cách bền vững, góp phần tăng chi đầu tư. Thống kê vừa rồi cho thấy chi thường xuyên lên tới 71% trong chi ngân sách là quá lớn, chi trả nợ 26% trong khi chi đầu tư phát triển thì còn quá thấp, nên nếu muốn tăng vay nợ thì cũng phải xem xét đến khả năng trả nợ ra sao.
Thủ tướng Chính phủ đã nói cố gắng nghĩ cách gì đó ngoài đầu tư công theo ngân sách chi ra phải thu hút được vốn xã hội, nên phải có những cơ chế chính sách, thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là thúc đẩy kinh tế tư nhân, khuyến khích phát triển kinh tế khu vực này, coi đó là động lực quan trọng, góp vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, rồi mới đến FDI và vai trò của Nhà nước.
Tôi hy vọng rằng với Nghị quyết Trung ương 6, Chính phủ sẽ có cách chỉ đạo tốt hơn để phát huy mạnh hơn nữa động lực kinh tế tư nhân, bởi khi tăng được thì sẽ làm tăng GDP và thu được thêm ngân sách. Con đường đã được vạch, vấn đề là làm thế nào để chúng ta tạo được một cú huých mới và để cho mọi người phấn khởi có thêm niềm tin đối với Chính phủ và thị trường.