Rà soát, đánh giá việc thực hiện lương tối thiểu vùng
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa yêu cầu các địa phương đánh giá việc thực hiện và rà soát địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng, qua đó làm căn cứ đề xuất điều chỉnh, theo quy định của Bộ luật Lao động.
Việc rà soát nhằm đánh giá khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp cũng như những người sử dụng lao động khác trong việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng và trả lương cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu tăng cường rà soát địa bàn áp dụng lương tối thiểu, nhất là các đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp lại theo các nghị quyết của Quốc hội hoặc thuộc diện sắp xếp trong năm 2022.
Đối với trường hợp dự kiến điều chỉnh phân vùng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp trao đổi với Liên đoàn lao động cấp tỉnh, chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp cấp tỉnh, các hiệp hội nghề nghiệp, các nhà đầu tư và DN trên địa bàn. Kết quả báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến gửi về Bộ.
Hiện nay, theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng cụ thể là: vùng 1 - 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2 - 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3- 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4- 3,07 triệu đồng/tháng.
Trước đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản dự thảo lấy ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu điều chỉnh lương tối thiểu 2021.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, trong năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định lựa chọn, thống nhất phương án khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như trên thế giới, chưa thể dự báo được chính xác thời điểm kết thúc và mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội trong nước từ nay đến cuối năm 2021.
Vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận thấy việc không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 là phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm, tái tham gia thị trường lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.