Sai lầm phổ biến khi triển khai hệ thống MES
Trong quá trình triển khai Hệ thống điều hành và quản lý sản xuất (MES), nhiều doanh nghiệp thường gặp phải những thách thức đáng kể do các sai lầm phổ biến, gây ảnh hưởng đến hiệu suất, thành công của dự án.
Nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh
MES là một hệ thống sản xuất tích hợp tập trung vào giám sát, kiểm soát, hậu cần, theo dõi lịch sử và quản lý chất lượng sản phẩm theo thời gian thực với mục tiêu nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh.
MES cung cấp thông tin hữu ích để tối ưu hóa sản xuất và theo dõi tất cả dữ liệu sản xuất ngay tại thời điểm hoạt động.
Là một hệ thống thông tin tích hợp chuẩn, MES không chỉ phục vụ như một trung tâm thông tin giữa các hệ thống doanh nghiệp khác nhau (ERP, QMS, EAM, SCM, và tự động hóa), mà còn quản lý và tối ưu hóa các hoạt động, quá trình sản xuất của nhà máy hàng ngày.
Có một số sai lầm cơ bản trong triển khai MES. Sai lầm đầu tiên trong quá trình triển khai MES thường xuất phát từ việc thiếu phân tích cẩn thận về nhu cầu. Doanh nghiệp thường không dành đủ thời gian và nguồn lực để hiểu rõ những yêu cầu cụ thể của mình.
Kết quả là, khi hệ thống MES đã được triển khai, nó có thể không đáp ứng được các yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Việc này có thể dẫn đến tình trạng phải điều chỉnh hệ thống sau khi triển khai, làm gia tăng chi phí và thời gian triển khai.
Sai lầm thứ hai thường xuyên xuất phát từ quá trình lựa chọn phần mềm MES không phù hợp. Doanh nghiệp có thể mắc phải vấn đề này khi không thực hiện quá trình lựa chọn cẩn thận. Việc chọn một giải pháp không tương thích hoặc không đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng, như mất thời gian, tăng chi phí và nguy cơ không hoạt động hiệu quả.
Sai lầm thứ ba thường xuất phát sau quá trình triển khai khi doanh nghiệp không đầu tư đúng lượng thời gian và nguồn lực để đào tạo nhân viên về cách sử dụng và tối ưu hóa MES.
Nhân viên không được đào tạo đúng cách có thể không hiểu rõ về cách sử dụng hệ thống, dẫn đến sự lãng phí và giảm hiệu suất sử dụng hệ thống. Điều này có thể dẫn đến việc nhân viên không tận dụng được tất cả những tính năng của MES, làm giảm hiệu quả toàn bộ quá trình sản xuất.
Để khắc phục vấn đề này, cần thiết lập các chương trình đào tạo thường xuyên và đảm bảo rằng nhân viên được cung cấp thông tin mới nhất về hệ thống.
Triển khai MES một cách quá nhanh cũng thường là một sai lầm phổ biến. Doanh nghiệp có thể áp dụng áp lực lịch trình chặt chẽ mà không cân nhắc đến sự chuẩn bị và đối thoại cần thiết. Kết quả là, hệ thống có thể không được cấu hình đúng, nhân viên có thể không kịp thời học cách sử dụng nó.
Thiếu tương tác và hợp tác giữa các bộ phận
Một sai lầm nguy hiểm khác là thiếu tính bảo mật và quản lý rủi ro trong quá trình triển khai MES. Hệ thống sản xuất chịu nhiều đe dọa bảo mật, và khi không có biện pháp bảo vệ đủ, thông tin quan trọng có thể bị đe dọa hoặc mất mát.
Ngoài ra, việc không đánh giá và quản lý rủi ro có thể dẫn đến các vấn đề về an toàn và chất lượng sản phẩm. Để khắc phục, doanh nghiệp cần tích hợp tính bảo mật vào từng lớp của hệ thống, đào tạo nhân viên về các biện pháp an toàn và xây dựng một quy trình quản lý rủi ro có hiệu quả.
Một sai lầm quan trọng nữa phải kể tới là không đánh giá hiệu suất và cải tiến sau khi triển khai MES. Nếu doanh nghiệp không đo lường và đánh giá hiệu suất của hệ thống, họ sẽ không thể xác định được nơi cần cải tiến. Việc này làm mất cơ hội để tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao hiệu suất.
Một sai lầm nghiêm trọng khác trong triển khai MES là thiếu tương tác và hợp tác giữa các bộ phận khác nhau của doanh nghiệp. Khi các phòng ban không tương tác chặt chẽ, thông tin quan trọng có thể bị mất sót, mối liên kết giữa quy trình sản xuất và các hệ thống hỗ trợ có thể không được tối ưu hóa.
Bên cạnh đó, sai lầm liên quan đến ngân sách có thể tạo ra những khó khăn ngoại ý trong quá trình triển khai MES. Khi không có ngân sách dự phòng, doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro lớn khi xuất hiện vấn đề không dự kiến hoặc khi cần điều chỉnh hệ thống.
Nếu không có nguồn lực tài chính dự phòng, doanh nghiệp có thể phải giảm giờ hoạt động của hệ thống, gây ra gián đoạn sản xuất và thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Để giải quyết vấn đề này, quản lý cần xây dựng một ngân sách dự phòng có chi phí, dựa trên đánh giá rủi ro và tiềm năng biến động trong quá trình triển khai và vận hành MES.